Dự thảo Luật GDĐH:

Tự chủ tùy thuộc vào năng lực của từng trường

(Dân trí) - Tự chủ đại học là vấn đề xuyên suốt của toàn bộ dự thảo Luật Giáo dục đại học (GDĐH). Góp ý về điều khoản liên quan đến tự chủ nhiều ý kiến cho rằng: “Dự thảo cần ghi rõ giao quyền tự chủ và hạn chế quyền tự chủ ở trường đại học”.

 
Cần nêu rõ quyền tự chủ!

Nhiều đại biểu đã đóng góp ý kiến về các điều khoản liên quan đến tự chủ đại học qui định trong dự thảo 2. GS. Đặng Hữu - nguyên Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương, cho rằng quyền tự chủ của trường có ngay từ lúc nó được thành lập và cho phép hoạt động, không cần điều kiện nào khác.

GS. Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTNNĐ của Quốc hội không đồng tình với việc ghi rõ trong dự thảo luật giao quyền tự chủ cho các trường đại học trọng điểm và hạn chế quyền tự chủ một số đại học khác.

GS. Thuyết đã nêu rõ quan điểm: “Giao quyền tự chủ vĩnh viễn, hạn chế quyền tự chủ vĩnh viễn như vậy là không công bằng và không hợp lý”. Bà Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTNNĐ của Quốc hội cũng đề nghị không nên ghi rõ trong dự thảo luật trường nào được quyền tự chủ, trường nào không được mà nêu ra các tiêu chí để giao quyền tự chủ. GS. Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm UBVHGDTNTNNĐ cho rằng cần tạo hành lang pháp lý, công khai minh bạch để các trường dựa vào đó hoạt động.

Tiếp thu ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học, dự thảo 3 lần này đã qui định rõ: “Cơ sở GDĐH tự chủ, tự chịu trách nhiệm về các hoạt động chủ yếu trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản, bảo đảm chất lượng GDĐH. Cơ sở GDĐH được tự chủ trong những hoạt động khác phù hợp với năng lực thực hiện quyền tự chủ và kết quả kiểm định chất lượng giáo dục của nhà trường. Cơ sở GDĐH không còn đủ năng lực để thực hiện quyền tự chủ hoặc vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện quyền tự chủ, tùy thuộc mức độ, bị hạn chế quyền tự chủ, đình chỉ hoạt động đào tạo hoặc giải thể nhà trường”.
 
Tự chủ tùy thuộc vào năng lực của từng trường
 Giao quyền tự chủ, nhiều trường đại học sẽ được tự quyết định phương án tuyển sinh.
 
Tùy thuộc vào năng lực của từng trường để giao quyền tự chủ

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga - phó trưởng ban soạn thảo dự thảo Luật GDĐH cho hay, theo dự thảo này, trong đào tạo, các trường được tự chủ phát triển các chương trình đào tạo theo định hướng nghiên cứu hoặc định hướng nghề nghiệp; bảo đảm sự liên thông giữa các chương trình và trình độ đào tạo. Cơ sở GDĐH tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh, chịu trách nhiệm công bố công khai chỉ tiêu tuyển sinh, chất lượng đào tạo và các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo của cơ sở GDĐH. Cơ sở GDĐH tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh là thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh. Cơ sở GDĐH tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; Thủ trưởng cơ sở GDĐH tổ chức biên soạn hoặc lựa chọn, duyệt giáo trình GDĐH để sử dụng làm tài liệu giảng dạy, học tập trong cơ sở GDĐH trên cơ sở thẩm định của Hội đồng thẩm định giáo trình do thủ trưởng cơ sở GDĐH thành lập.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp đối với mỗi trình độ đào tạo của GDĐH; quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; quy định các môn học bắt buộc trong chương trình đào tạo đối với các trình độ đào tạo của cơ sở GDĐH có vốn đầu tư nước ngoài; quy định việc biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng tài liệu giảng dạy, giáo trình GDĐH.

Cơ sở GDĐH tự chủ, tự chịu trách nhiệm tổ chức và quản lý đào tạo theo khóa học, năm học và học kỳ, thực hiện quy chế và chương trình đào tạo đối với mỗi trình độ đào tạo, hình thức đào tạo theo niên chế hoặc học chế tín chỉ. Cơ sở GDĐH in phôi văn bằng, cấp văn bằng cho người học; công bố công khai các thông tin liên quan về văn bằng cho người học trên trang thông tin điện tử của cơ sở GDĐH.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định mẫu văn bằng GDĐH; việc in, quản lý, cấp phát, thu hồi, hủy bỏ văn bằng GDĐH; quy định trách nhiệm và thẩm quyền cấp văn bằng của cơ sở GDĐH Việt Nam khi liên kết đào tạo với cơ sở GDĐH nước ngoài; quy định trách nhiệm của cơ sở GDĐH có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện việc cấp văn bằng GDĐH tại Việt Nam; ký hiệp định tương đương và công nhận văn bằng với các nước, tổ chức quốc tế; quy định trình tự, thủ tục công nhận văn bằng GDĐH do nước ngoài cấp.

Như vậy trong dự thảo 3 của Luật GDĐH, tự chủ được xem là thuộc tính của cơ sở GDĐH. Khi cơ sở được phép hoạt động thì có đầy đủ các quyền đã được qui định cụ thể trong dự thảo luật. Điều này khác biệt cơ bản so với dự thảo 2, trong đó qui định quyền tự chủ của cơ sở GDĐH được cơ quan quản lý Nhà nước giao tùy thuộc vào năng lực thực hiện quyền tự chủ.

Hồng Hạnh