Từ “dũng sĩ diệt Mỹ” đến giảng viên ĐH

(Dân trí) - Là một thương binh nặng, với 11 vết thương trên người, cậu bé “dũng sĩ diệt Mỹ” Võ Phổ năm xưa nay đã là một giảng viên giỏi của trường Đại học Bách khoa TPHCM. Hỏi tên ông, các sinh viên đều có chung nhận xét: “Thầy dạy hay và rất thương sinh viên...”

14 tuổi diệt 7 lính Mỹ

 

Sinh ra và lớn lên ở xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), ba mẹ tham gia kháng chiến, hy sinh khi cậu vừa tròn 9 tuổi, Võ Phổ ngậm ngùi đi ở đợ cho địa chủ. Trong lúc đi chăn trâu cho chủ, Phổ thường thập thò ngoài lớp học do một thầy giáo làng dạy, học “chực” những con chữ đầu tiên. Phổ ước mơ sau này mình cũng được dạy học như thầy.

 

Năm 13 tuổi, Phổ tham gia vào đội du kích Hòa Liên, bắt đầu bằng việc lượm vỏ đạn về cho mấy chú, đồng thời kiêm luôn nhiệm vụ giao liên. Với sự gan dạ, thông minh, chỉ 1 năm sau Phổ là một trong những người đầu tiên được kết nạp vào đội quyết tử Nguyễn Văn Trỗi.

 

Từ đây, Phổ và những đồng đội của mình đã tạo ra những chiến công vang dội. Tổng cộng đội quyết tử Nguyễn Văn Trỗi đã tiêu diệt 162 tên địch, bắn rớt nhiều máy bay, phá hủy nhiều xe bọc thép. Khi vừa bước qua tuổi 14, trong một trận phục kích Phổ đã tiêu diệt được 7 tên lính Mỹ. Qua trận này Phổ được tổ chức phong danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ cấp 1. Trong các trận đánh, đáng nhớ nhất, là việc Phổ phối hợp với đồng đội tổ chức bắt sống một tên ác ôn khét tiếng thời đó là Nguyễn Văn Minh.

 

Ngày 29/7/1967, trong một trận chiến ác liệt, Phổ đã bị thương nặng tưởng chừng như hy sinh. Phổ được đồng đội chuyển về điều trị ở quân Y Viện 7 thuộc huyện Kim Bôi, Hải Dương.

 

“Bác đã dặn tôi phải học giỏi...”

 

Nhắc đến những lần gặp Bác Hồ, ông cảm động: “Tôi không bao giờ quên những giây phút được gần Người. Cả 4 lần gặp, Người đều dặn tôi: Cố gắng học giỏi, để mai sau giúp nước…”.

 

Năm 1972, trong lúc chiến tranh ác liệt, chủ tịch Tôn Đức Thắng vẫn không quên chỉ đạo: “Không được để các em trong đội quyết tử dốt, vì các em đã hy sinh quá nhiều rồi…”. Vậy là, 11 giáo viên của 2 trường ĐH Sư phạm và ĐH Tổng hợp tích cực dạy ông cùng các đồng đội. Sau 3 năm, học ngày học đêm, ông và đồng đội đã hoàn thành chương trình lớp 10 của miền Bắc.

 

Năm 1975, ông nộp đơn vào khoa Triết của trường ĐH Tổng hợp (TPHCM). Thời đó, ông nghèo đến nỗi chỉ có duy nhất một bộ quần áo. Để có tiền ăn học, ông phải làm đủ thứ nghề để kiếm sống, từ chạy bàn ở quán cà phê, chở rau muống thuê, cho tới phụ hồ…

 

Năm 1980, với tấm bằng tốt nghiệp xuất sắc, ông được bổ nhiệm về dạy tại trường ĐH Bách khoa TPHCM. Nhiều năm nay, ông đều đạt danh hiệu giảng viên giỏi của trường.

 

Lưu Hương Giang, một học trò của ông, nói: “Môn kinh tế chính trị là một môn rất khó “nuốt” nhưng giờ của thầy lúc nào cũng đông không có chỗ ngồi. Ngoài bài giảng, thầy còn dạy chúng tôi cách sống, cách vươn lên trong cuộc sống…”.

 

Đã từng trải qua thời sinh viên nghèo khó, thầy Võ Phổ rất hiểu nỗi khổ thiếu thốn vật chất, tinh thần của các sinh viên. Có những sinh viên sắp bỏ học vì không kham nổi tiền để đóng học phí, ông biết được, đều sẵn sàng giúp. Có chuyện buồn trong cuộc sống, các bạn cũng hay tìm đến ông để chia sẻ. Ông đã từng đưa nhiều sinh viên nghèo về ngôi nhà khiêm tốn của mình nằm trong khu tập thể của trường, nuôi cho ăn học cho đến ngày tốt nghiệp…

 

Ngoài ngày 20/11, ngày nhà giáo Việt Nam, còn một ngày nữa, đó là ngày 27/7, ngày thương binh liệt sĩ - ngày mà nhà thầy Võ Phổ luôn vang lên tiếng cười của các học trò. Không ai gửi quên tới ông lời chúc khỏe mạnh và lòng biết ơn sâu sắc đối với một người thầy - người lính hết mực đáng kính trên cả chiến trường lẫn nhà trường.

 

Lê Ngọc Dương Cầm