Nguyễn Thị Thanh Nhàn:

Từ học sinh nghèo hiếu học trở thành nữ doanh nhân thành đạt

(Dân trí) - Không chỉ là doanh nhân thành đạt trên nhiều lĩnh vực, chị còn là Tiến sỹ Viện Hàn lâm khoa học Nga, thông thạo 5 ngoại ngữ Anh, Trung, Nhật, Hàn, Nga nhưng ít ai biết rằng chị xuất thân từ một gia đình nghèo hiếu học.

Đó là chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC).
 
Từ học sinh nghèo hiếu học trở thành nữ doanh nhân thành đạt
Chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC).

“Ẵm” hàng chục giải thưởng lớn

Gặp chị Nhàn, ít ai nghĩ rằng người phụ nữ nhỏ nhắn, trắng trẻo, ăn nói nhỏ nhẹ này, hàng chục năm qua đã có nhiều dự án kinh doanh thành công ở nhiều lĩnh vực “khó nhằn” như xuất khẩu lao động, môi trường, y tế, giáo dục, dạy nghề, khoa học công nghệ… Chị đã được Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban ngành, địa phương tặng huân, huy chương, bằng khen và nhiều giải thưởng như Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu nhất, Giải Sao đỏ, Giải Bông hồng vàng, doanh nghiệp Việt Nam tiêu biểu, Giải thưởng thương hiệu xuất sắc quốc gia…

Mỗi lĩnh vực kinh doanh, chị đều có những ý tưởng mới đem lại ý nghĩa lớn cho xã hội. Cụ thể, về lĩnh vực xuất khẩu lao động, chị Nhàn là người đã đưa ra ý tưởng để đề xuất các chương trình hỗ trợ sinh viên, đối tượng nghèo, đối tượng chính sách, đưa các chương trình tuyển dụng về tận các địa phương, trường học, hỗ trợ người nghèo về vốn và trang bị các kiến thức cần thiết để họ có thể sang nước ngoài làm việc tốt. Với lĩnh vực xử lý ô nhiễm môi trường, từ nhiều năm trước đây khi người Việt Nam chưa chú trọng đến việc xử lý ô nhiễm môi trường, chị đã kiên trì cùng với các đối tác nước ngoài đến từng địa phương tổ chức các hội nghị, hội thảo nói về các tác hại của việc ô nhiễm môi trường, các bài học kinh nghiệm của các nước phát triển về vấn đề môi trường và tư vấn các giải pháp để bảo vệ môi trường tại Việt Nam. Chị đã đưa các công nghệ tiên tiến của thế giới vào xử lý môi trường tại Việt Nam và mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực gai góc này các dự án lớn theo hình thức BT, BOT.

Đối với lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, AIC là doanh nghiệp đã hỗ trợ cho nhiều địa phương trong việc triển khai các chương trình đồng bộ như: Đào tạo cán bộ quản lý, đào tạo giáo viên tại nước ngoài, cung cấp các trang thiết bị tiên tiến để giảng dạy, các phần mềm giảng dạy cũng như đưa các giáo viên nước ngoài vào Việt Nam để đào tạo ngoại ngữ cho giáo viên và học sinh các trường học tại Việt Nam.

Để thành công trên lĩnh vực nào đó, đều đòi hỏi người đó phải có sự đam mê và cống hiến hết mình. Đối với nữ thì công việc này lại càng khó khăn hơn bao giờ hết nhất là lĩnh vực kinh doanh đầy “cạm bẫy”.

“Tôi cho rằng làm công việc gì cũng vậy muốn làm tốt thì đều khó khăn và vất vả chứ không riêng gì các hoạt động mà chúng tôi đang làm. Tuy nhiên nếu các hoạt động kinh doanh mà lại có ý nghĩa xã hội thì tôi thấy rất nên làm. Các hoạt động kinh doanh của chúng tôi đều là những vấn đề nóng mà xã hội chúng ta cần giải quyết ngay” - chị Nhàn cho hay.

Chia sẻ về thành công mà công ty đã đạt được, chị Nhàn khiêm tốn cho biết: “Những thành công mà chúng tôi có được chỉ là bước khởi đầu mà thôi, tôi và anh em trong công ty cần phải cố gắng nhiều hơn nữa để có thể làm tốt những việc chúng tôi cần làm và muốn làm. Để có thể làm được một công việc tốt, điều quan trong mà tôi nhận thấy đó là phải có phương pháp tốt, tổ chức bài bản, khoa học, phát huy sức mạnh tổng thể, tiến hành các giải pháp đồng bộ, không ngừng học tập kinh nghiệm của các nước tiên tiến và Việt nam, của những người xung quanh, có quyết tâm cao và có tâm trong công việc”.
 
Từ học sinh nghèo hiếu học trở thành nữ doanh nhân thành đạt
Chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn dự lễ động thổ khởi công xây dựng Nhà máy xử lý rác thải Nam Sơn.
 
Ý chí của một cô gái nghèo hiếu học
 
Có lẽ truyền thống gia đình hiếu học đã hun đúc lên con người chị. Niềm đam mê học tập đã đưa chị từ một cô gái nghèo vùng quê Bắc Ninh trở thành một doanh nhân thành đạt với 2 bằng đại học, Thạc sỹ tốt nghiệp tại trường Latrobe của Úc. Nhưng ít ai biết rằng, chị đã có học hàm Tiến sỹ, Viện Hàn lâm khoa học Nga và sử dụng thông thạo 5 ngoại ngữ Anh, Trung, Nhật, Hàn, Nga.

“Tôi không có hậu thuẫn từ gia đình, bạn bè hay bất cứ cơ hội tốt nào từ bước khởi nghiệp của mình, tôi tự biết điều đó và vì vậy mà tôi luôn phải tự cố gắng, cũng có lẽ chính vì điều đó mà tôi có ý trí cao trong công việc của mình là phải vượt qua mọi khó khăn. Đến bây giờ, khi xung quanh tôi có rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp, đối tác trong và ngoài nước luôn động viên hỗ trợ tôi trong công việc nhưng tôi luôn biết điều quan trọng nhất để thành công đó phải chính là ý chí của bản thân mình và luôn phải vượt qua được chính mình trong mọi hoàn cảnh. Tôi cần phải cố gắng và luôn cố gắng” - chị Nhàn tâm sự.

Hoạt động kinh doanh, đôi khi không thể tránh khỏi sự thất bại. Những thất bại đó chính là bài học kinh nghiệm cho người đam mê ngành mình theo đuổi. Chị Nhàn luôn ghi nhớ những thất bại của mình: “Đó là những bài học lớn giúp cho tôi nhìn lại mình để có thể thành công hơn trong công việc. Thất bại lớn nhất mà tôi gặp phải đó là việc sử dụng con người trong công việc”.

Chưa bao giờ hài lòng với chính mình

Thông thường những doanh nhân thành đạt luôn bị công việc cuốn đi, ít có thời gian trau dồi kiến thức trong sách vở. Nhưng với chị Nhàn, đam mê kinh doanh, đam mê học tập luôn thường trực. Chị  Nhàn tâm sự: “Việc học tập để nâng cao kiến thức đối với tôi cũng là một công việc hết sức quan trọng. Các kiến thức mà tôi có được đều giúp cho tôi có thể triển khai điều hành các hoạt động của tôi tốt hơn. Vì vậy mà trong mọi hoàn cảnh có thể cố gắng thu xếp được tôi đều thu xếp để dành thời gian học tập. Bởi rất nhiều điều tôi muốn học hỏi mà tôi chưa có thời gian và cơ hội để học”.
 
Từ học sinh nghèo hiếu học trở thành nữ doanh nhân thành đạt
Chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn và Viện sỹ, Giáo sư, Tiến Sỹ khoa học Dorokhov Igor N.- Chủ tịch Viện Hàn lâm các Khoa học Hệ thống CHLB Nga ký kết đào tạo.
 
Ngoài việc đưa ý tưởng vàotổ chức các hoạt động sản xuất kinh doanh giúp cho doanh nghiệp liên tục phát triển trong nhiều năm qua, chị Nhàn luôn quan tâm đến vấn đề con người. Hiện Công ty AIC có đội ngũ cán bộ trẻ hàng ngàn người được đào tạo bài bản, khoa học. Năm 2011,trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, không có tiền trả lương cho nhân viên nhưng Công ty AIC vẫn tăng trưởng 183% và lương của các cán bộ trong công ty đều được tăng từ 1,5 đến 2 lần so với năm 2010.

Song hành cùng với các hoạt động sản xuất kinh doanh, Công ty AIC cũng luôn có các hoạt động hỗ trợ người nghèo, hỗ trợ các địa phương bằng các hoạt động có ý nghĩa lớn như đưa các tập đoàn nước ngoài vào đầu tư tại Việt Nam với nhiều dự án lớn hàng đầu Việt Nam, hỗ trợ tư vấn và đào tạo nguồn nhân lực cho các địa phương và nhiều hỗ trợ có ý nghĩa khác với giá trị nhiều tỷ đồng mỗi năm. Hiện Công ty AIC có gần 20 công ty thành viên và có quan hệ hợp tác kinh doanh với hơn 30 nước trên thế giới và có hoạt động trên hầu hết các tỉnh thành trên toàn quốc.

Trong buổi ký kết giữa Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và Viện Hàn lâm các Khoa học Hệ thống CHLB Nga (MASI) về đào tạo hợp tác trong các lĩnh vực Nghiên cứu Khoa học Công nghệ và Đào tạo nhân lực cho Việt Nam, Viện sỹ, Giáo sư, Tiến Sỹ khoa họcDorokhov Igor N. Chủ tịch Viện Hàn lâm các Khoa học Hệ thống CHLB Nga nhận xét về chị Nhàn: “Đây là người phụ nữ thông minh, làm việc có trách nhiệm cộng đồng. Chính vì điều đó Viện Hàn lâm khoa học Nga đã thực hiện hỗ trợ cho Việt Nam các chương trình đào tạo cán bộ tại Nga và đưa các chuyên gia sang Việt Nam đào tạo nhân lực Việt Nam thông qua bên Công ty AIC”.

Được Chính phủ ghi nhận những công lao đóng góp nhưng chị vẫn chưa bằng lòng với bản thân mình. Chị cho rằng: “Cuộc sống ai cũng đều có ước vọng và mong muốn. Nếu như điều tôi tham lam mà có thể làm cho tôi tốt hơn, có thể giúp ích được cho xã hội, cho những người thân yêu và bạn bè của tôi thì tôi thấy đó không phải là điều xấu. Tôi chưa bao giờ hài lòng với chính mình cả, đó chính là động lực để tôi phải phấn đấu trong cuộc sống”.

Hồng Hạnh