Từ thuyết cửa sổ vỡ, nhìn sang các vụ cơ sở mầm non bạo hành trẻ

(Dân trí) - Thuyết cửa sổ vỡ cho rằng chúng ta không nên bào chữa, xem nhẹ hay dung thứ cho những sai phạm nhỏ, vì như thế sẽ khiến vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn.

Thuyết cửa sổ vỡ bắt nguồn từ một bài báo của hai nhà khoa học xã hội người Mỹ James Q. Wilson và George L. Kelling đăng trên tờ Atlantic năm 1982. Hai ông đặt ra giả thuyết một tòa nhà có vài cửa sổ bị vỡ. Nếu cửa sổ không được sửa, sẽ có xu hướng thu hút những kẻ phá hoại đập vỡ thêm vài cửa sổ nữa. Cuối cùng thì, họ có thể đột nhập vào tòa nhà, và nếu tòa nhà không có ai ở, có thể họ sẽ chiếm dụng tòa nhà hoặc đốt lửa trong đó.

Dựa trên thuyết cửa sổ vỡ, James Wilson và George Kelling đã đề nghị một đối sách đơn giản nhằm ngăn chặn hành vi phá hoại, đó là khắc phục vấn đề ngay khi chúng vừa nhen nhóm. Nếu từng khung cửa sổ vỡ (hay từng hành vi sai trái) được tu sửa ngay tức thời, thì những sai phạm tiềm ẩn khác sẽ khó có nguy cơ xảy ra.


Hai nhà khoa học xã hội người Mỹ James Q. Wilson và George L. Kelling đưa ra Thuyết cửa sổ vỡ năm 1982.

Hai nhà khoa học xã hội người Mỹ James Q. Wilson và George L. Kelling đưa ra Thuyết cửa sổ vỡ năm 1982.

Theo Giáo sư Kinh tế học hành vi Dan Ariely, thuyết cửa sổ vỡ cho rằng chúng ta không nên bào chữa, xem nhẹ hay dung thứ cho những sai phạm nhỏ, vì như thế sẽ khiến vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn.

Trong cuốn sách “Điểm bùng phát” (NXB Lao động - Xã hội), tác giả Malcolm Gladwell đã phân tích rất kỹ về thuyết cửa sổ vỡ. Theo Malcolm Gladwell, tác giả thuyết cửa sổ vỡ cho rằng tội phạm là hệ quả tất yếu của sự mất trật tự, vô tổ chức. "Thuyết cửa sổ vỡ cho rằng các hành vi trái đạo đức và trái pháp luật rất dễ lây lan - cũng tương tự như sự lây lan của một xu hướng thời trang vậy - sự việc có thể chỉ bắt đầu từ một chiếc cửa sổ vỡ nhưng sau đó sẽ lan tràn ra khắp cả cộng đồng."

Thuyết cửa sổ vỡ có thể áp dụng trong nhiều lĩnh vực cuộc sống ở những nơi có hành vi sai phạm. Và nếu nhìn các vụ cơ sở mầm non bạo hành trẻ dưới lăng kính của thuyết cửa sổ vỡ, chúng ta cũng có thể phần nào lý giải tại sao các vụ này có thể diễn ra như vậy.

Xét một vài vụ cơ sở mầm non bạo hành trẻ bị báo chí phanh phui gần đây ở TPHCM, chúng ta đều thấy có điểm chung ở các trường hợp này, đó là trước khi bị phát giác hành vi bạo hành trẻ, các cơ sở này đều có sai phạm về mặt hành chính, thủ tục giấy tờ.

Đơn cử như vụ cơ sở mầm non Mầm Xanh ở phường Hiệp Thành, quận 12, TPHCM. Sau khi báo Tuổi Trẻ đăng tải clip bạo hành ở Lớp Mầm Xanh ngày 26/11/2017, cơ sở này bị đình chỉ chiều cùng ngày.

Lớp mẫu giáo Mầm Xanh hoạt động từ năm 2014, lúc đầu ở đây chỉ nhận học sinh lứa tuổi nhà trẻ (dưới 3 tuổi) nên có tên là Lớp nhà trẻ Mầm Xanh. Đến năm 2016, lớp này đổi mô hình hoạt động là Lớp mẫu giáo Mầm Xanh, chỉ nhận học sinh lứa tuổi mẫu giáo (từ 3 tuổi đến dưới 6 tuổi). Vào thời điểm bị đình chỉ, Lớp mẫu giáo Mầm Xanh có một số sai phạm như: lớp có 36 trẻ, trong đó 25 trẻ từ 3-5 tuổi và 11 trẻ từ 18-36 tháng (trong khi chỉ được nhận trẻ từ 3-6 tuổi); 2 cô bảo mẫu không có chứng chỉ bồi dưỡng dành cho bảo mẫu như quy định...


Bà Phạm Thị Mỹ Linh - chủ cơ sở Mầm Xanh bị công an quận 12 (TPHCM) tạm giam vì có hành vi bạo hành trẻ em.

Bà Phạm Thị Mỹ Linh - chủ cơ sở Mầm Xanh bị công an quận 12 (TPHCM) tạm giam vì có hành vi bạo hành trẻ em.

Trước đó, vào tháng 2 năm nay, báo chí đăng tải vụ giáo viên tại nhóm lớp Apollo ở phường 12 (quận Bình Thạnh) dốc ngược, dọa ném trẻ 22 tháng tuổi qua cửa sổ vì không chịu ăn. Sau đó, Sở GD-ĐT TPHCM đã yêu cầu Phòng Giáo dục quận Bình Thạnh phối hợp với UBND phường 12 kiểm tra hoạt động của cơ sở này vào sáng 17/2. Qua kiểm tra cho thấy điểm giữ trẻ này không phép nhưng vẫn thực hiện giữ trẻ từ giữa tháng 12/2016.

Tiếp đó vào tháng 3 thì báo chí đăng tải vụ bảo mẫu điểm giữ trẻ ở phường 17 (quận Gò Vấp) đánh đập trẻ dã man trong lúc cho ăn cháo. Sau đó, UBND phường 12 đã thành lập đoàn kiểm tra. Kết quả cho thấy đây là nhóm trẻ tự phát, trước đây có trông giữ từ 1-2 trẻ do hàng xóm, người quen nhờ trông hộ nhưng về sau thì số trẻ tăng lên là 9 trẻ. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản và đình chỉ ngay hoạt động của cơ sở này.


Công an phường 17 (quận Gò Vấp, TPHCM) làm việc với 2 bảo mẫu có hành vi hành hạ trẻ lúc cho ăn cháo.

Công an phường 17 (quận Gò Vấp, TPHCM) làm việc với 2 bảo mẫu có hành vi hành hạ trẻ lúc cho ăn cháo.

Hẳn bạn đọc còn nhớ vụ bạo hành trẻ “chấn động” xảy ra năm 2013, đó là vụ xảy ra ở nhóm trẻ gia đình Phương Anh (quận Thủ Đức, TPHCM) mà cả chủ nhóm trẻ, bà Lê Thị Đông Phương và bảo mẫu đều nhận mức án 3 năm tù giam. Nhóm trẻ gia đình Phương Anh chưa được cấp phép nhưng bà Phương vẫn mở và nhận trông 19 cháu bé.

Bốn trường hợp cơ sở mầm non bạo hành trẻ kể trên bị báo chí phanh phui đều có những sai phạm về hành chính, xét theo thuyết cửa sổ vỡ, đây có thể coi là những sai phạm nhỏ (“khung cửa sổ vỡ”) so với các hành vi đánh đập, hành hạ trẻ tàn bạo. Những “khung cửa sổ vỡ” này dù từng được UBND phường kiểm tra, nhắc nhở, thậm chí xử phạt hành chính, nhưng không đủ sức răn đe. Vấn đề không được khắc phục ngay khi vừa nhen nhóm nên có nguy cơ xảy ra các vấn đề nghiêm trọng hơn. Nếu xem xét thuyết cửa sổ vỡ ở chính các chủ lớp hay bảo mẫu ở các cơ sở này, khi họ thấy mình vi phạm về mặt hành chính mà vẫn có thể tiếp tục hoạt động, thì họ có cơ sở để “lấn tới”, thực hiện những hành vi bạo hành trẻ mà không “chùn tay”.

Trước những vụ bạo hành trẻ mầm non trong thời gian qua, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GD-ĐT cho biết: Chỉ khi nào cộng đồng mạng, truyền thông đưa ra các vụ bạo hành, các cơ quan chức năng mới xử lý là muộn. Điều này cho thấy, việc giám sát chưa đủ để giáo viên và cán bộ quản lý thấy sự răn đe, sẽ bị phạt nghiêm nếu vi phạm.

Nếu xem xét thuyết cửa sổ vỡ trên khía cạnh rộng hơn, đó là bạo hành trẻ mầm non so với tình trạng bạo hành, bạo lực nói chung, chúng ta không khỏi giật mình. Trẻ mầm non được coi là đối tượng yếu thế, không biết tự bảo vệ mình, thậm chí có kể là "bị cô giáo đánh" thì chưa chắc người lớn đã tin, nên các vụ cơ sở mầm non bạo hành trẻ có thể bị coi là những “khung cửa sổ vỡ” lẻ tẻ. Nhưng nếu các “khung cửa sổ vỡ” này không được tu sửa kịp thời, thì sẽ có nguy cơ xảy ra những vấn đề nghiêm trọng hơn.

Bốn trường hợp cơ sở mầm non bạo hành trẻ nói trên là những cơ sở mà báo chí phanh phui, không biết còn bao nhiêu vụ trẻ mầm non bị bạo hành mà chúng ta không biết đến? Như nhận định của luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư Hội bảo vệ trẻ em TPHCM là: Những vụ việc bạo hành trẻ được phát hiện và xử lý mới chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm”, thực tế còn nhiều vụ việc chưa được đưa ra ánh sáng do không có bằng chứng.

Chiều 27/11, tại cuộc họp với các sở, ngành và các địa phương về vụ bạo hành trẻ em tại cơ sở mầm non Mầm Xanh gây chấn động dư luận, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu đặt câu hỏi: “Còn điểm nào nữa không, còn điểm nào có tình trạng bạo hành? Tôi tin là có. Do đó, chúng ta phải có những hành động thiết thực ngay để xử lý vấn đề này.”

Nguyên Chi

>> Tại sao bạo hành trẻ thường xảy ra ở cơ sở mầm non nhỏ lẻ?

>> Nhiều vụ bạo hành trẻ bị xử lý, sao người ta vẫn không sợ?