Tư tưởng lớn, tầm nhìn xa của triết lý giáo dục Hồ Chí Minh

Trong bối cảnh khẩn trương và sôi động của “Kháng chiến kiến quốc”, tiếp đến chống Mỹ cứu nước, Bác Hồ đã chọn cách viết thư, vừa để thăm hỏi, động viên, vừa để chỉ giáo, căn dặn. Cách này được xem như phương thức hoạt động cách mạng thích hợp.

Thế nên, nội dung các thư đó phải thật ngắn gọn, dễ hiểu, thông tin nhanh nhất và hiệu quả nhất, không có chỗ cho mọi lí luận phức tạp hay triết lý dài dòng.

 

Vị trí của giáo dục trong sự phát triển chung của nước nhà

 

Theo Triết lý Hồ Chí Minh, giáo dục được đặt ở vị trí trọng yếu và cấp bách thuộc nhóm nhu cầu thiết yếu hàng đầu trong đời sống kinh tế - xã hội của nước nhà. Nói cách khác, giáo dục thực sự gắn liền với sự sống còn của dân tộc.

 

Thật vậy, trong “Thư gửi anh chị em giáo viên bình dân học vụ” tháng 5/1946, ngay những dòng đầu, Người đã viết: “Anh chị em yêu quý,

 

Chương trình của Chính phủ ta là làm thế nào cho toàn quốc đồng bào ai cũng có ăn, có mặc, có học. Vậy nên khẩu hiệu của chúng ta là: (1). Tăng gia sản xuất; (2). Chống nạn mù chữ” .

 

Dù giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm (tam tặc) đang thách thức Nhà nước non trẻ của lãnh tụ Hồ Chí Minh nhưng tính cấp bách của việc học (trung tâm của giáo dục) vẫn đặt ở vị trí trọng yếu như cơm ăn nước uống hàng ngày. Điều đó càng chứng tỏ Người là nhà tư tưởng lớn có tầm nhìn xa. Bởi lẽ cho đến nay, sách Marketing đang dạy ở Mỹ và nhóm nước G7 vẫn xếp nhu cầu ăn, mặc, học là 3 nhóm hàng thiết yếu hàng đầu, và dự kiến 5 năm nữa cũng chưa thay đổi. Như vậy, tầm nhìn xa của Người khi ấy (1946) đã vượt trước thời gian khoảng 70 năm, và vượt cả khoảng cách kinh tế giữa nước nghèo, chậm tiến với những nước giàu thượng đỉnh.

 

Có thể nói, về mọi phương diện (viết, nói và làm), nhà tư tưởng Hồ Chí Minh đã kịp thời đặt giáo dục vào đúng vị trí trọng yếu, cấp bách và sống còn của dân tộc nước nhà.

 

Bác Hồ thăm lớp học vỡ lòng ở Hàng Than (Hà Nội). (Ảnh tư liệu)
Bác Hồ thăm lớp học vỡ lòng ở Hàng Than (Hà Nội). (Ảnh tư liệu)

 

Vai trò của giáo dục

 

Ngay trong “Thư gửi học sinh” (9/1945) nhân ngày khai giảng năm học đầu tiên sau Tết Độc lập, Bác Hồ đã viết:

 

“Non song Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

 

Bằng những lời trìu mến và cảm kích, Bác cũng nêu rõ những yêu cầu của đất nước đối với tất cả học sinh là phải nỗ lực để “dân tộc Việt Nam có thể bước tới đài vinh quang…”. Thiết nghĩ, những lời ân cần ấy cũng là điều trông đợi đối với tất cả cô giáo, thày giáo và toàn ngành giáo dục với vai trò làm rạng rỡ non sông, đất nước.

 

Bác Hồ rất quan tâm đến đội ngũ giáo viên, những người trực tiếp thực hiện vai trò đó. Thật vậy, trong “Thư gửi anh em giáo dục bình dân học vụ”, Bác đã thân tình động viên, tôn danh vai trò của người giáo viên ngành Giáo dục:

 

“Anh chị em là những người “vô danh anh hùng”. Tuy là vô danh nhưng rất hữu ích. Một phần tương lai của dân tộc nước nhà nằm trong sự cố gắng của anh chị em”.

 

Theo Triết lý giáo dục Hồ Chí Minh, mẫu giáo là bậc đầu tiên của ngành giáo dục, mà trẻ nhỏ lần đầu từ mẹ đến cô là đến với cả thế giới mới lạ, ngỡ ngàng trong khi trẻ non nớt chưa thích ứng kịp và dễ bị tổn thương.

 

Bác chân tình nhắc nhở: “Làm mẫu giáo tức là thay mẹ dạy trẻ. Muốn làm được thế thì trước hết phải yêu trẻ… Dạy trẻ như trồng cây non. Trồng cây non được tốt thì sau này cây lên tốt. Dạy trẻ nhỏ tốt thì sau này các cháu thành người tốt”.

 

Trong hàng loạt tâm thư của Người gửi ngành giáo dục, Bác Hồ đã từng dành nhiều thời gian và tâm huyết để dặn dò về việc trau dồi tư tưởng đạo đức cho học trò mà thày phải là người gương mẫu và mô phạm trước. Góp phần hình thành tính nhân văn là một trong những vai trò quan trọng của giáo dục trong Triết lý giáo dục Hồ Chí Minh.

 

Mục đích của giáo dục

 

Năm 1952, trong “Thư gửi giáo sư và sinh viên trường Dự bị đại học ở Thanh Hóa, Bác Hồ đã nêu rõ mục đích của giáo dục. Với phong cách ngắn gọn, ngay sau lời cảm ơn và thăm hỏi thân mật, Bác đã viết:

 

“Các thày giáo có nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang là đào tạo cán bộ cho dân tộc. Vậy giáo dục cần nhằm vào mục đích là thật thà phụng sự nhân dân.

 

Các cháu (học sinh) thì học tập cần gắn liền với thực hành để  mai sau thực hiện mục đích cao quý: thật thà phụng sự nhân dân”.

 

Toàn bộ mục đích này gói gọn trong 6 chữ. Hai hoạt động cơ bản và bao trùm của thày là dạy và của trò là học đều hướng vào cùng mục đích, đồng thời cũng là mục đích chung của ngành Giáo dục. Mục đích gồm sáu chữ này nhấn mạnh yêu cầu làm việc trung thực và tận tụy, hết lòng hết sức để cống hiến hết mình, tất cả vì dân, cho dân. Sản phẩm đào tạo theo Triết lý giáo dục Hồ Chí Minh sẽ phải đạt được yêu cầu như vậy.

 

Năm 1955, khi viết “Thư gửi giáo viên, học sinh, cán bộ thanh niên và nhi đồng” nhân dịp năm học mới, Bác Hồ đã căn dặn:

 “Trường của chúng ta là trường học của chế độ dân chủ nhân dân, nhằm mục đích đào tạo những công dân và cán bộ tốt, những người chủ tương lai tốt của nước nhà…Và cần xây dựng tư tưởng: dạy và học để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân”.

 

Dù ngôn từ dài ngắn có khác nhau nhưng nội dung cơ bản vẫn thống nhất về mục đích chung của giáo dục.

 

Tới năm 1959, khi căn dặn giáo viên mẫu giáo, Bác Hồ lại viết:

 

 “Công tác giáo viên và mẫu giáo có khác nhau, nhưng cùng chung mục đích đào tạo những công dân tốt, cán bộ tốt, cho Tổ quốc, cho chủ nghĩa xã hội”.

 

Triết lý giáo dục Hồ Chí Minh chỉ rõ nhiệm vụ lớn của giáo dục Việt Nam là: học, dạy, tổ chức và quản lý, trong đó học và dạy là hai nhiệm vụ đặc trưng và cơ bản của ngành giáo dục.

 

PGS.TS. Nguyễn Trung Vãn

 (Nguyên Trưởng BM Marketing, ĐH Ngoại Thương)

Theo Giáo dục và Thời đại