Tư vấn: Để sinh viên có việc làm ngay sau khi ra trường

(Dân trí)-Chiều nay, các khách mời đã giải đáp cặn kẽ các câu hỏi của độc giả trong buổi giao lưu “Hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp, khi đại học và doanh nghiệp cùng bắt tay đảm bảo việc làm” do Trường ĐH FPT phối hợp với báo <i>Dân trí</i> tổ chức. Mời bạn đọc theo dõi.

TS. Lê Trường Tùng - Hiệu trưởng Trường Đại học FPT:
 
Kính chào các quý vị phụ huynh, các em học sinh - sinh viên.

Hôm nay chúng ta đề cập đến vấn đề - có lẽ có vị trí quan tâm thuộc loại cao nhất với các quý vị - đó là việc làm cho sinh viên khi tốt nghiệp ở thời điểm hiện nay cũng như các năm tới. Định hướng việc làm cũng sẽ định hướng học hành thế nào - học trong nhà trường cũng như tự học thêm - để có đủ tri thức và kỹ năng thực sự bước vào đời.
 
Câu hỏi:

Em đang học ở Học viện Kỹ thuật Mật mã chuyên ngành An toàn thông tin, vậy em phải học thêm gì để sau này ra trường dễ tìm việc làm ạ?

TS. Lê Trường Tùng:
 
An toàn thông tin là ngành có nhu cầu lớn về nhân lực trong các năm tới. Để có thể có nhiều cơ hội việc làm và khả năng thăng tiến, thu nhập cao sau này, em cần học thêm tiếng Anh (đạt chuẩn tối thiểu C1 khi tốt nghiệp), học và thi để có thêm các chứng chỉ quốc tế về mạng và an toàn thông tin của các công ty công nghệ (như CISCO), hoặc các tổ chức an toàn thông tin quốc tế (như CISSP). Cũng cần quan tâm đến những vấn đề bảo mật trong môi trường di động, môi trường điện toán đám mây. Nếu trong chương trình củng trường em học thiếu các nội dung này thì em học thêm các nội dung này thông qua các chương trình đào tạo hoặc tìm kiếm thêm các tài liệu học thêm trên Internet.
 
TS. Lê Trường Tùng - Hiệu trưởng Trường Đại học FPT
TS. Lê Trường Tùng - Hiệu trưởng Trường Đại học FPT.
 
Câu hỏi:

Điểm xét tuyển Khoa Công nghệ thông tin của trường ĐH FPT năm 2013 là bao nhiêu ạ?

TS. Lê Trường Tùng:

Để đủ điều kiện học tại CNTT trường ĐH FPT, em cần có kết quả thi sơ tuyển với điểm đạt 60/100, và đáp ứng các tiêu chí chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT quy định . Tiêu chí năm 2013 và 2014 giống nhau. Nếu chưa đăng ký dự thi sơ tuyển, em cần nhanh chóng hoàn tất thủ tục để dự thi vào cuối tháng 3/2014 (tham khảo thông tin trên Website của ĐH FPT, địa chỉ tại http://tuyensinh.fpt.edu.vn ).
Câu hỏi:

Cho tôi hỏi, trong lịch sử của ĐH FPT, đã bao giờ trường lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để rút kinh nghiệm, rút gọn hay mở rộng ngành nghề đào tạo của mình chưa?

TS. Lê Trường Tùng:

Chương trình đào tạo của ĐH FPT được xây dựng dựa trên 3 tiêu chí: chuẩn quốc gia, chuẩn quốc tế và nhu cầu xã hội - nhu cầu doanh nghiệp. Việc giữ quan hệ thường xuyên với doanh nghiệp, phối hợp cùng với doanh nghiệp trong đào tạo, thậm chí thành lập doanh nghiệp trong ĐH tạo môi trường làm việc cho sinh viên – là việc bắt buộc phải làm. Cũng muốn nói thêm trong các tiêu chí xếp hạng đại học quốc tế (ĐH FPT được QS xếp hạng 3 Stars), quan hệ doanh nghiệp là một trong các yếu tố phản ánh chất lượng của trường. Tiêu chí này của ĐH FPT được QS xếp hạng 4 sao.  

Câu hỏi:
 
Thưa chú Lương, dưới kinh nghiệm của chú, chú có thể cung cấp cho cháu thêm thông tin về triển vọng ngành CNTT tại Việt Nam trong tương lai tới không ạ?

Ông Phạm Thúc Trương Lương:

CNTT đã và đang là nền tảng của nhiều ngành khác, vì vậy nói về triển vọng của ngành CNTT, chúng ta phải nhìn trong bối cảnh của nền kinh tế nói chung. CNTT đang có những cơ hội mới để phát triển, nhưng cũng giống như các ngành khác, sẽ luôn có những sự điều chỉnh. Có những công việc vài năm trước có thể chưa phổ biến nhưng bây giờ lại trở nên hot như Lập trình cho các thiết bị di động, ngược lại có những công việc sẽ mất dần đi. Vì vậy, mỗi cá nhân cần phải luôn cập nhật kiến thức và kỹ năng của mình để luôn đón nhận được những cơ hội mới.
 
Ông Phạm Thúc Trương Lương - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Tinh Vân
Ông Phạm Thúc Trương Lương (bên trái) - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Tinh Vân.

Hoàng Linh - Email: hoanglinh6699@...

Em chào các thầy ạ. Em là Linh, sinh viên năm cuối trường Đại học kinh tế quốc dân. Em cũng có tìm hiểu và thấy rất yêu thích công việc về mảng Nhân sự, nhưng hiện tại những công việc về Nhân sự luôn đòi hỏi phải có kinh nghiệm, mà em không hề theo học chuyên ngành liên quan đến nhân sự, và cũng không có kinh nghiệm. Em muốn hỏi các thầy là: Với một sinh viên không học theo chuyên ngành về quản trị nhân lực và không hề có kinh nghiệm như em nhưng có đam mê và yêu thích công việc về Nhân sự thì có thể làm việc về mảng Nhân sự được không và có thể tìm kiếm công việc đó ở đâu thì phù hợp ạ? Mong các thầy giải đáp giúp em, em xin chân thành cảm ơn!

Ông Phạm Thúc Trương Lương:
 
Chào bạn! Tôi không phải làm trong mảng nhân sự nên muốn trả lời theo cách nhìn của một người làm quản lý nói chung. Nếu bạn đã có sự đam mê về công việc này thì tại sao bạn lại không tự đào tạo mình để có cả kiến thức và kinh nghiệm. Ở công ty tôi, các cán bộ nhân sự có thể xuất phát từ nhiều ngành nghề khác nhau vì vậy bạn cũng không nên quá lo lắng nếu mình chưa thực sự sẵn sàng. Có thể bắt đầu từ những khâu công việc đơn giản nhất của mảng nhân sự và học hỏi dần. Tuy nhiên công tác nhân sự là một phần công việc rất quan trọng của bất cứ vị trí quản lý nào, vì vậy đam mê của bạn sẽ giúp cho bạn thành công dù bạn có làm nghề nhân sự hay không. Chúc bạn thành công!
 
Câu hỏi:

Cho em hỏi: nếu kì thi 13/4 này mình đỗ, đến kỳ thi chung tháng 7 của Bộ em cũng đỗ, nhưng vì một số lý do thì em có được đăng ký học của trường thi 3 chung không? Hay bắt buộc phải vào FPT. Em cảm ơn!

TS. Lê Trường Tùng:

Nếu đỗ kỳ thi chung của Bộ thì em có nhiều lựa chọn vào các trường thi 3 chung theo nguyện vọng 2 – chứ không bắt buộc vào học tại ĐH FPT.  Quan trọng nhất là em chọn được trường phù hợp sở thích và tương lai nghề nghiệp sau này. 

Câu hỏi:
 
Em nghe nói, Đại học FPT là một trường đại học có chất lượng đào tạo thuộc vào hàng đầu của Việt Nam. Em cũng là một người đam mê với Công nghệ thông tin. Nhưng em lại là một học sinh vùng sâu vùng xa rất khó khăn. Vậy TS Tùng cho em biết thêm là Đại Học FPT có những chính sách ưu đãi nào cho học sinh, sinh viên miền núi, có hoàn cảnh khó khăn không ạ. Đây cũng là trăn trở của nhiều học sinh, sinh viên đam mê Công nghệ thông tin bởi điều kiện kinh tế có thể không cho phép, mong Tiến sỹ giải đáp giúp em.

TS. Lê Trường Tùng:

Trường ĐH FPT luôn có chính sách tài chính cho đối tượng khó khăn thông qua các học bổng Hiếu học hoặc chương trình hỗ trợ tín dụng. Các em có thể đăng ký tham gia để có thể được nhận học bổng, hoặc được vay để trang trải học phí trong quá trình học. Em tham khảo thêm Quy chế Tuyển sinh của Trường ĐH FPT, mục Học bổng - Tín dụng tại website www.tuyensinh.fpt.edu.vn để nắm được các thông tin và thủ tục liên quan đến việc này. Chúng tôi mong muốn không để em học sinh sinh viên nào học giỏi lại không đạt được nguyện vọng học tập của mình nếu chỉ vì lý do tài chính. 
 
Nguyễn Văn Đúng - Email: nvdung0193@...
 
Em sắp ra trường em rất tự ti về kiến thức của mình đang có không biết mình có xin được một công việc tốt không? Em cần phải chuẩn bị những gì để đạt được mục tiêu của mình sau khi ra trường?

Ông Hoàng Nam Tiến:
 
- Em hãy tin rằng các trường Đại học ở Việt Nam đều có chương trình đào tạo để đảm bảo ra trường có thể làm việc được. Tuy nhiên, việc tự học của mỗi sinh viên là bắt buộc. Ngoài kiến thức của nhà trường, em cần:
1. Có ít nhất 1 ngoại ngữ, tiếng Anh là thông dụng, trình độ cần 500 TOIEC
2. Tham gia các khóa học về kĩ năng mềm: Khả năng trình bày, làm việc nhóm, kĩ năng làm báo cáo v.v…
3. Tự học một cách thành thạo ít nhất một ngôn ngữ lập trình, ví dụ: C#, Java…
Và quan trọng nhất, cần tự tin và tin rằng em còn trẻ. Đấy là lợi thế để có thể học các kiến thức mới để đáp ứng yêu cầu của thị trường CNTT.
 
Ông Hoàng Nam Tiến (
Ông Hoàng Nam Tiến (bên trái) - Chủ tịch HĐQT Công ty FPT Software.

 
Nguyễn Thị Vân – Kana***@gmail.com
Cháu muốn hỏi nếu cháu học ngành Bưu chính viễn thông thì ra trường có dễ xin việc không, và cháu là con gái nếu chọn học CNTT thì học có khó không ạ?

Ông Hoàng Nam Tiến:

Không nhận là cháu đâu, mình không họ hàng gì cả, em gọi là Anh thôi.

Trong 5.200 thành viên FPT Software, có hơn 34% là nữ. Trong đó, có rất nhiều bạn từ Học viện Bưu chính viễn thông. Các bạn làm việc trong nhiều lĩnh vực, từ testing, lập trình, kiểm soát chất lượng, Business Analysis…

Ngoài ra, tôi còn chia sẻ nhỏ là làm việc ở FPT Software rất dễ lấy chồng. Những chàng trai trẻ trung, thông minh và ngoan nữa.
Nguyễn Việt Thắng - Email: ngthang1094@gmail.com

Em đang học ngành Công nghệ thông tin ở hà nội .Em muốn hỏi là xu hướng của nghành cntt trong tương lai là gì và FPT có nhu cầu tuyển dụng trong những mảng nào?

Ông Hoàng Nam Tiến:

Xu hướng ngành CNTT trong tương lai sẽ tập trung vào mấy lĩnh vực sau: Mobility, Cloud Computing, Big data, Social network. Vì vậy, ngoài những kiến thức mà em học trong trường, cần nhất là thành thạo một ngôn ngữ lập trình và ngoại ngữ và cố gắng tự học thêm một ngôn ngữ lập trình trên nền tảng di động ví dụ như iOS, hoặc Android. Và năm cuối, em nên thực tập tại các công ty CNTT. FPT Software hàng năm tiếp nhận khoảng 1.500 sinh viên thực tập tại doanh nghiệp, giúp các em nắm được quy trình sản xuất, làm quen với môi trường công nghiệp, trang bị cho mình kĩ năng làm việc cần thiết trong tương lai.
 
Câu hỏi:

Thưa thầy Lê Trường Tùng, em đang ra sức chuẩn bị ôn luyện cho kỳ thi sơ tuyển vào ĐH FPT sắp tới. Tuy nhiên dạng đề của trường khá là “độc” so với các hình thức thi kiến thức thông thường. Thầy có thể bật mí một vài bí quyết ôn tập cho những học sinh có nguyện vọng thi vào ĐH FPT như chúng em không ạ?

TS. Lê Trường Tùng: 

Trường không tổ chức ôn thi hoặc luyện thi – vì thực chất việc kiểm tra tư duy không có gì phải luyện cả. Để có kết quả cao, việc duy nhất em cần trong quá trình ôn luyện là: a) Đọc cẩn thận để hiểu rõ nội dung các câu hỏi trong các bài thi mẫu hoặc bài thi các năm trước. Làm từng câu – chưa cần quan tâm đến yếu tố thời gian; b) Làm lại từng bài thi có tính đến yếu tố thời gian; c) Luyện theo bước b). Nếu đúng khoảng 80% số câu thì yên tâm. 
 
Giảng đường Đại học FPT
Giảng đường Đại học FPT.
 
Câu hỏi:
 
Anh Hoàng Nam Tiến thân mến, em muốn hỏi, vì sao nhân viên của Fsoft lại hay được ra nước ngoài làm việc vậy ạ? Nếu học kém ngoại ngữ liệu có cơ hội nào cho em ở Fsoft không anh? (em khá tự tin về khả năng chuyên môn của mình!)

Ông Hoàng Nam Tiến:
 
FPT Software là một công ty toàn cầu của người Việt Nam. Hiện nay, FPT Software có 219 khách hàng/đối tác, trên 19 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 30 khách hàng thuộc Fortune 500. Do làm việc với khách hàng quốc tế nên FSOFTer thường có cơ hội đi sang trụ sở khách hàng ở nước ngoài để làm việc, hỗ trợ khách hàng. Riêng 2013, FPT Software có hơn 1.000 lượt lập trình viên được đi ra nước ngoài làm việc, chủ yếu là Nhật Bản, Mỹ, Châu Âu và Singapore.

Nếu đã tự tin vào trình độ chuyên môn, bạn nên tham gia vào FPT Software, dành thời gian tham gia vào các chương trình đào tạo ngoại ngữ của công ty. Trong môi trường làm việc của chúng tôi, bạn sẽ có cơ hội thực hành và nhanh chóng thành thục ít nhất 1 ngoại ngữ.
 
Đỗ Trung Kiên - Email: dotrungkien.gd@...

Thưa ông Lương, theo ông đánh giá thực tế ở Tinh Vân thì những kỹ năng còn thiếu của sinh viên mới ra trường là gì?

Ông Phạm Thúc Trương Lương:
 
Chào Kiên, các bạn sinh viên CNTT mới ra trường nếu trước đó chưa đi làm hoặc thực tập tại các công ty thì điểm yếu nhất  của họ là thiếu những kỹ năng gắn với thực tiễn của môi trường làm việc. Đó có thể là do khoảng cách giữa chương trình đào tạo trong nhà trường và công nghệ đang áp dụng trong ngành. Tuy nhiên những kỹ năng cứng này có thể được các bạn cập nhật nhanh chóng khi bắt tay vào công việc. Nhưng nếu thiếu những kỹ năng mềm như làm việc nhóm, tuân thủ quy trình, hay khả năng tự nghiên cứu và giải quyết vấn đề,...thì các bạn sẽ gặp nhiều khó khăn nếu muốn phát triển bản thân trong công việc. 

Đoàn Hồng Ánh - Email: honganh.9xcb@...
 
Em chào thầy! Em đọc trên báo Dân trí thấy có chuyên mục tư vấn tìm kiếm việc làm cho sinh viên mới ra trường, thưa thầy em cũng đang có một kế hoạch kinh doanh, nhưng cần rất nhiều vốn, em thực sự muốn vay được tiền ngân hàng để có thể thực hiện được ước mơ của mình, nhưng thưa thầy là một sinh viên mới ra trường trong tay không có tài sản nào cả, kiến thức thực tế cũng còn rất nghèo nàn, là một sinh viên em có khả năng có thể vay được tiền ngân hàng không ạ? Mong thầy tư vấn giúp em những gì em cần chuẩn bị để có thể thuyết phục được ngân hàng? Em xin chân thành cảm ơn!

Ông Phạm Thúc Trương Lương:

Theo tôi, trước khi thuyết phục được ngân hàng, bạn cần thuyết phục được những người gần với mình hơn, như gia đình để họ ủng hộ và trợ giúp bạn thực hiện kế hoạch khởi nghiệp. Bạn cũng cần phải thuyết phục được những người bạn để họ có thể chia sẻ giấc mơ và trở thành cộng sự của bạn. Thông thường một doanh nghiệp khi khởi nghiệp có thể xoay xở nhiều cách khác nhau để có nguồn vốn ban đầu. Nếu bạn tiếp tục thuyết phục được những khách hàng đầu tiên thì sẽ đến lúc bạn thuyết phục được ngân hàng hay những nhà đầu tư khác. 
 
Câu hỏi:
 
Chào anh Hoàng Nam Tiến. Tôi là một phụ huynh có con đang theo học ngành phần mềm. Tôi tò mò muốn nghe một vài đánh giá của anh về nhu cầu nhân lực ngành này trong vòng 5 năm tới, mong anh chia sẻ?

Ông Hoàng Nam Tiến:

Dự báo trong vòng 5 năm tới, nhu cầu nguồn lực về CNTT là rất lớn. Chỉ riêng FPT Software trong vòng 5 năm tới, cần tuyển mới 20,000 người. Đây là nguồn nhân lực mà chúng tôi cần để đáp ứng cho khách hàng của FPT Software trên thị trường toàn cầu, đặc biệt tại thị trường Mỹ, Nhật, Châu Âu. Đối với thị trường trong nước, tôi xin nhường câu trả lời cho anh Trương Lương – Công ty Tinh Vân.
Ông Phạm Thúc Trương Lương: 
 
Nhân lực CNTT giống như một chiếc bánh kem. Đại bộ phận sẽ là lớp bánh, những nhân sự có năng lực tốt sẽ giống như lớp kem và các cá nhân xuất sắc là những quả cherry. Chiếc bánh nhân lực CNTT trong 5 năm tới chắc chắn sẽ lớn lên cùng với sự phát triển của kinh tế và xã hội. Chúc con bác sẽ trở thành một trong những quả cherry của ngành.
 
Câu hỏi:
 
Anh Hoàng Nam Tiến thân mến, có phải Fsoft ưu tiên tuyển nhân viên là sinh viên ĐH FPT không anh? Em sắp tốt nghiệp ĐH, nhưng không phải là SV FPT.

Ông Hoàng Nam Tiến: 

Năm 2013, chúng tôi tuyển mới 1.700 người, trong đó khoảng 300 là sinh viên Đại học FPT. FPT Software không phân biệt sinh viên các trường mà căn cứ vào yêu cầu tuyển dụng đầu vào, dựa trên kĩ năng lập trình, kĩ năng ngoại ngữ, kĩ năng làm việc.

Tuy nhiên, sinh viên Đại học FPT có được lợi thế là thành thạo ngoại ngữ và có ít nhất 4 tháng thực tập tại FPT Software, nên khi ra trường các bạn đã có sẵn kĩ năng lập trình và kinh nghiệm làm việc đủ để tham gia vào các dự án thật. Do vậy, việc xin việc của sinh viên Đại học FPT rất thuận lợi. Cá nhân tôi cũng mong muốn chia sẻ quan điểm là các tổ chức đào tạo và doanh nghiệp cần hợp tác với nhau chặt chẽ hơn để giúp các em sinh viên có thể trang bị sớm các kĩ năng cần thiết ngay khi còn trên ghế nhà trường.
 
Câu  hỏi:
 
Thưa anh Hoàng Nam Tiến em được biết là FPT software hàng năm đều tuyển dụng rất nhiều sinh viên từ nhiều nguồn khác nhau. Là người làm phần mềm lâu năm, anh có lời khuyên nào cho bọn em nếu bọn em muốn làm phần mềm lâu dài không ạ? Và cơ hội cũng như nhu cầu tuyển dụng vào FPT software với những sinh viên CNTT như bọn em là như thế nào, bọn em có thể tiếp cận thông tin từ đâu ạ?

Ông Hoàng Nam Tiến

FPT Software cung cấp dịch vụ cho thị trường toàn cầu nên nhu cầu về nguồn nhân lực là ổn định và không giới hạn. Như chia sẻ trong các câu trả lời ở trên, để làm việc lâu dài, ngoài các kĩ năng cần thiết như ngoại ngữ và làm việc trong môi trường toàn cầu, thì bạn cần niềm đam mê công nghệ và khả năng tự học để theo kịp các xu hướng công nghệ mới để duy trì kỹ năng chuyên môn của mình theo kịp với yêu cầu của công việc.

Để ứng tuyển vào FPT Software, bạn có thể liên hệ gửi hồ sơ đến email:Recruitment@fsoft.com.vn
Nguyễn Đức Minh - Email: ducminhnguyen101010@...

Thưa anh Lương, nếu em ra trường với bằng khá thì các doanh nghiệp có chấp nhận tuyển dụng không ạ?

Ông Phạm Thúc Trương Lương:

Tại Tinh Vân có 1 số vị trí công nghệ trọng yếu thậm chí còn không có bằng đại học. Cá nhân tôi từng bổ nhiệm một sinh viên chưa tốt nghiệp làm Giám đốc Công nghệ của công ty mà trong đội ngũ có cả những người đã có bằng thạc sỹ. Tất nhiên nếu bạn có bằng giỏi thì bạn sẽ được để ý hơn lúc nộp hồ sơ, nhưng cuối cùng khả năng làm việc thực tế mới là nhân tố quyết định sự thành công của bạn trong công việc.

Đàm Thị Thanh Huyền - Email: baohuyen2885@...
 
Tôi là một sinh viên Viện đại học Mở Hà Nội đã ra trường. Gần 6 năm ra trường tôi vẫn đang chật vật tìm công việc phù hợp để làm nhưng vẫn bế tắc. Trước đây tôi đã từng làm văn phòng du lịch sau khi ra trường, nhưng do thiếu kinh nghiệm nên tôi đã bỏ việc ngay sau đó. Kể từ đó tôi cố gắng nộp hồ sơ nhiều nơi nhưng không có kết quả gì. Tôi đã xin làm bán hàng một thời gian để chờ cơ hội nhưng vẫn không được. Vốn tiếng Anh lâu không dùng nên tôi chỉ có thể sử dụng nó vào công việc bàn giấy hoặc dịch sách mà thôi. Tôi muốn hỏi liệu với khả năng đó thì tôi có thể áp dụng vào công việc gì? Và nên học thêm gì để nâng cao khả năng của mình?

Ông Phạm Thúc Trương Lương:

Do không biết rõ chuyên ngành bạn học là gì nên tôi rất khó có thể có những lời khuyên tốt. Tuy nhiên tôi đoán là bạn học tiếng Anh. Mặc dù ngoại ngữ là một kỹ năng không thể thiếu nhưng cũng chỉ là công cụ, bạn cần bổ sung kiến thức chuyên ngành để hướng tới một công việc cụ thể. Bạn hãy cân nhắc những điều kiện cá nhân như quỹ thời gian, khả năng kinh tế và sở trường cũng như đam mê của mình để xác định nên học gì. Trong quá trình theo học bạn có thể làm những công việc tạm thời như những công việc bạn đã làm vừa có thêm thu nhập và cũng là để tích luỹ thêm kinh nghiệm.

Nguyễn Thanh Thủy
 
Tôi là sinh viên Trường ĐH Kinh tế Quốc dân khóa học 2010 - 2014 chuyên ngành Kinh tế quốc tế. Hiện nay tôi đã hoàn thiện chương trình học tập - thực tập,với điểm đạt được sẽ đạt bằng giỏi. Vậy bây giờ tôi nên xin vào làm ở công ty nào tại Hà nội thì hợp lý và phát triển năng lực tốt nhất ạ?

Ông Phạm Thúc Trương Lương:

Tôi nghĩ nhiều công ty  sẽ sẵn sàng đón nhận bạn nếu họ biết được năng lực của bạn. Vì vậy, hãy bổ sung thêm cho mình những kỹ năng mềm mà bạn thấy cần thiết và bắt đầu viết CV từ bây giờ là được rồi.
 
Câu hỏi:

Kính thưa thầy Lê Trường Tùng! Tôi rất ấn tượng với những con số về tỉ lệ có việc làm, thu nhập của SV FPT cũng như những thành quả mà ĐH FPT đã đạt được nhiều năm qua. Thời gian tới, nhà trường có định hướng như thế nào để nâng cao và đảm bảo chất lượng dạy và học của trường, khi mà số lượng sinh viên theo học ngày càng đông đảo?

TS. Lê Trường Tùng: 

Cám ơn anh/chị đã quan tâm đến nhà trường. Chúng tôi đang phấn đấu để nâng hạng từ 3 lên 4 sao trong tiêu chuẩn xếp hạng đại học quốc tế QS. Để tiếp tục đảm bảo và nâng cao chất lượng, trường tiếp tục tăng cường đầu tư, đồng thời tập trung vào các hoạt động Quốc tế hóa (tăng sinh viên, giảng viên nước ngoài và thiết lập quan hệ hợp tác với nhiều trường nước ngoài), triển khai mạnh Công nghệ Thông tin và Công nghệ Giáo dục trong dạy và học, nâng quan hệ với doanh nghiệp lên một tầm mới.
 
Câu hỏi:
 
Câu hỏi:

Gửi thầy Lê Trường Tùng. Con gái tôi rất mê trường FPT vì nghe nói trường có nhiều chương trình trao đổi sinh viên đi nước ngoài, thậm chí có cả sinh viên nước ngoài đến học. Xin thầy cho biết, nếu thi đỗ vào ĐH FPT thì điều kiện để có thể tham gia các khóa học trên là như thế nào?

TS. Lê Trường Tùng:

Hiện nay chúng tôi để sinh viên đăng ký tự nguyện có học lớp có sinh viên quốc tế hay không, và tất cả các đăng ký đều được đáp ứng. Đại học FPT cũng có chương trình trao đổi sinh viên với các trường ĐH nước ngoài, ngay trong quá trình học tiếng Anh, các em có thể đăng ký học 2 tháng tại Philippine, và đăng ký chương trình trao đổi sinh viên với thời gian 4-6 tháng sau 3-5 học kỳ. 
 
Câu hỏi:
 
Tôi có câu hỏi cho anh Hoàng Nam Tiến, tôi được biết lao động CNTT của Việt Nam đến làm việc ở các quốc gia phát triển hơn như Nhật, Hàn Quốc thì thu nhập thường ít hơn so với người bản địa, anh có lời khuyên nào đối với những học sinh mong muốn học ngành này và có nguyện vọng công tác tại nước ngoài?
 
Ông Hoàng Nam Tiến:

Thứ nhất, nếu có trình độ và ngoại ngữ tương đương với người bản địa thì các bạn lập trình viên Việt Nam cũng được nhận lương tương đương như người bản địa. Thực tế tuy trình độ chuyên môn chúng ta không kém, nhưng do ngoại ngữ và kinh nghiệm làm việc sở tại còn thấp khiến năng suất thấp hơn nên thu nhập cũng thấp hơn, nhưng vẫn cao hơn so với người Việt Nam.
Câu hỏi:

Thưa anh Nam Tiến, anh đánh giá thế nào về xu hướng dịch chuyển việc tìm kiếm nhân sự công nghệ Thông tin từ Ấn Độ hay Nhật Bản sang các nước như Việt Nam, nó có cơ hội gì cho các sinh viên ngành CNTT Việt Nam?
Ông Hoàng Nam Tiến: 
 
Theo Gartner (Hãng tư vấn về lĩnh vực CNTT hàng đầu thế giới), khoảng 67% nguồn lực CNTT sẽ nằm ở Châu Á. Tại Châu Á, trước đây sự lựa chọn là Ấn Độ, Trung Quốc, Philippiné… Trong 1 vài năm gần đây, Việt Nam trở thành điểm đến đáng tin cậy của ngành CNTT, đặc biệt là các công ty từ Nhật Bản. Tại Nhật Bản, Việt Nam đã thay thế Ấn độ về số lượng đơn hàng chỉ sau Trung Quốc. Gần đây, do các mâu thuẫn giữa Nhật Bản và Trung Quốc nên có một xu hướng gọi là Trung Quốc+1: Các doanh nghiệp Nhật Bản rời bỏ Trung Quốc và chọn 1 nước khác để thay thế.

Số liệu điều tra cho thấy, 32% số doanh nghiệp được hỏi đều chọn đến Việt Nam thay cho Trung Quốc.
Câu hỏi:
 
Theo anh Nam Tiến, thách thức của sinh viên CNTT Việt Nam so với khu vực là gì?
 
Ông Hoàng Nam Tiến: 
 
Tôi muốn trả lời thách thức của Sinh viên CNTT Việt Nam so với toàn cầu là: Ngoại ngữ, khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ so với toàn cầu, cụ thể là Tiếng Anh, sau là tiếng Nhật
Sau là khả năng làm việc theo nhóm và các kĩ năng mềm.
 
Câu hỏi:
 
Ông Tiến thân mến, với cương vị là chủ tịch một công ty phần mềm uy tín tại Việt Nam, ông đánh giá thế nào về thông tin ngành phần mềm rơi vào khủng hoảng nhân sự khi nhân sự chọn học ngành này ngày càng ít?
 
Ông Hoàng Nam Tiến:
 
Cách đây một số năm, có rất nhiều gia đình và các em học sinh lựa chọn các ngành Ngân hàng, Tài chính, Chứng khoán… như lựa chọn đầu tiên của mình. Do vậy, số lượng sinh viên vào ngành CNTT đã giảm sút trong những năm qua và chất lượng  đầu vào cũng đi xuống.

Trên thực tế, trong những năm qua do khó khăn của nền kinh tế nước ta nói chung nên ngành CNTT cũng gặp khó khăn. Nhưng đối với FPT Software chúng tôi hoạt động trên thị trường toàn cầu, nên nhu cầu về nguồn nhân lực là rất lớn. Ví dụ như năm 2013 chúng tôi tuyển 1.700 người. Và trong 3 năm tới, chúng tôi cần tuyển mới hơn 9.000 người. Nên khía cạnh mà khủng hoảng như tôi hiểu là thiếu hụt nguồn lực CNTT cho thị trường toàn cầu chứ không phải là không có nhu cầu.
 
Câu hỏi:
 
Thưa thầy Tùng. Tôi được biết nhà trường có những chương trình học tiếng Anh cho sinh viên ở nước ngoài. Thầy có thể chia sẻ rõ hơn về mục đích, yêu cầu cũng như những lợi ích của chương trình này hay không?

Ông Lê Trường Tùng:

Tiếng Anh là chương trình đào tạo bắt buộc cho mọi sinh viên mới vào trường ĐH FPT, kéo dài từ 2 tháng đến 1 năm, chia thành 5 mức, thời gian và số mức học nhiều ít tùy trình độ trình độ tiếng Anh đầu vào của sinh viên. Khi học xong mức 4, trường có tổ chức cho các em đăng ký học tiếng Anh tại Philippines với chương trình tương đương mức cuối kèm các kỹ năng giao tiếp nâng cao. Chúng tôi chọn Philippines - vì đây là quốc gia nằm trong Top 5 quốc gia có số người nói tiếng Anh nhiều nhất, và cũng là quốc gia nói tiếng Anh tốt nhất chỉ sau Anh và Mỹ. Mặt khác, đi Philippines cũng tiết kiệm nhất - toàn bộ chi phí máy bay khứ hồi, ăn ở, đưa đón, visa trong gần 2 tháng vào khoảng hơn 1 ngàn USD. Thông thường mỗi năm chúng tôi đưa 2-3 đợt sinh viên sang Philippines, học xong các em quay về Việt Nam học tiếp. 
 
Câu hỏi:

Thầy Tùng kính mến, thầy ơi, để học các ngành CNTT của trường ĐH FPT có cần yêu cầu gì đặc biệt không ạ? Ngoại ngữ của em rất kém ạ, em sợ sẽ không “theo” nổi chương trình học nếu có thi được vào trường.

Ông Lê Trường Tùng: 

Chương trình ngoại ngữ dạy tại các trường phổ thông Việt Nam hiện nay không đồng đều, cho nên ĐH FPT không có yêu cầu đặc thù về tiếng Anh khi tuyển sinh đẩu vào. Các em sẽ được học tiếng Anh dự bị với thời gian từ 2 tháng đến 1 năm để đạt chuẩn C1 theo khung ngoại ngữ châu Âu, sau đó mới học chuyên môn chính thức. Thời gian học nhiều hay ít phụ thuộc  vào trình độ tiếng Anh đầu vào, nên em có thể yên tâm về khả năng tiếng Anh của mình. 
 
Sinh viên Đại học FPT
Sinh viên Đại học FPT.
 
Câu hỏi:

Ông Lương, xin ông cho biết về một vài chính sách đãi ngộ hay cơ hội phát triển nghề nghiệp nếu các sinh viên chọn ngành CNTT và muốn làm việc tại Tinh Vân hay các công ty công nghệ khác?

Ông Phạm Thúc Trương Lương

Tinh Vân duy trì một chính sách đãi ngộ nhân sự có tính cạnh tranh. Chúng tôi hiện có 6 công ty thành viên hoạt động trong nhiều mảng khác nhau của ngành công nghệ phần mềm như phát triển và tích hợp giải pháp, tư vấn quản lý nhân sự, gia công phần mềm, phát triển nội dung số trên điện thoại di động và xuất bản điện tử. Vì vậy, các bạn sinh viên công nghệ thông tin sẽ có nhiều lựa chọn để có công việc phù hợp với sở trường và đam mê của mình. Là một nhà tuyển dụng, tôi luôn cho rằng công ty cần nhân sự cũng không khác gì nhân sự cần công ty. Một sinh viên CNTT có năng lực chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội cho mình.

Câu hỏi:
 
Tôi xin hỏi điều kiện để lựa chọn ứng viên cho các vị trí tuyển dụng Tester của Tinh Vân là gì, Tinh Vân có thường ưu tiên cho sinh viên một trường CNTT nào nhất định không? Vì sao?

Ông Phạm Thúc Trương Lương

Để trở thành Tester, bạn cần rèn luyện tính cẩn thận và kiên nhẫn. Vị trí này cũng sẽ phải chịu áp lực và trách nhiệm rất lớn vì với đội phát triển, Tester là khách hàng đầu tiên, còn với khách hàng thì Tester là người phát triển cuối cùng. Nếu bạn thấy mình thực sự có những phẩm chất này và sẵn sàng với công việc tester có nghĩa là bạn cơ hội. Tinh Vân không ưu tiên sinh viên của bất kỳ một trường nào, năng lực của mỗi người mới là yếu tố quyết định.

Câu hỏi:

Mức lương hiện nay mà công ty Tinh Vân trả cho sinh viên mới ra trường ở vị trí lập trình viên khoảng bao nhiêu? Khi tuyển dụng sinh viên mới ra trường, công ty có các khoá đào tạo về kỹ năng cũng như chuyên môn cho họ không?

Ông Phạm Thúc Trương Lương

Mỗi công ty thành viên của Tinh Vân có thể có mức lương khởi điểm khác nhau, bạn có thể vào website của công ty để biết các cơ hội việc làm tại Tinh Vân.

Câu hỏi:

Thưa thầy Tùng, tôi có con đang có dự định thi vào trường ĐH FPT trong kỳ tuyển sinh sắp tới, nhưng gia đình còn nhiều thắc mắc với thông tin các cháu sẽ làm việc tại doanh nghiệp ngay trong kỳ thực tập là như thế nào? Thầy có thể giải thích thêm cho gia đình tôi về vấn đề này? Và kỳ thực tập làm việc như nhân viên bình thường thì con tôi có phải đóng học phí và có được trả lương không? Cảm ơn thầy. 

Ông Lê Trường Tùng:

Trong chương trình đào tạo của trường ĐH FPT, các em sẽ được đào tạo trong môi trường doanh nghiệp (OJT) 4-8 tháng sau khi học xong 5 học kỳ. Sau giai đoạn OJT, các em sẽ về trường học tiếp 3 học kỳ cuối. Giai đoạn OJT giúp các em học thêm một số nội dung liên quan trực tiếp đến yêu cầu doanh nghiệp, trải nghiệm trong môi trường làm việc thực tế, giúp các em nắm bắt các môn chuyên ngành, các môn quản lý, lập nghiệp và làm luận văn tốt nghiệp thuận lợi hơn. Học phí của trường Đại học FPT tính trọn gói làm 9 lần, cho nên không phân biệt học phí nào cho thực tập, học phí nào học chuyên môn. Khi tham gia OJT, các em có thể có thêm thu nhập phụ thuộc vào khối lượng và chất lượng công việc làm được cho doanh nghiệp. Chúng tôi biết có em thu nhập $1.000/tháng, có em trong thời gian OJT được đi nước ngoài để tham gia các dự án công nghệ. 
 
Câu hỏi:

Chào chú Tiến, cháu muốn tham gia các khoá học đào tạo Tester và Fresher của Fsoft thì có cần điều kiện gì cụ thể không ạ? Cháu có biết về Java và C++ nhưng chưa có bằng cấp và chứng chỉ gì của 2 ngôn ngữ này ạ.
 
Ông Hoàng Nam Tiến

Điều kiện đầu tiên là phải gọi tôi bằng Anh. Điều thứ 2 là để tham gia các khóa đào tạo Fresher và Tester, mời bạn gửi hồ sơ dự tuyển đến phòng tuyển dụng của công ty FPT Software (Recruitment@fsoft.com.vn ). Nếu hồ sơ của bạn được xét duyệt, bạn sẽ được mời tham gia vào vòng kiểm tra đầu vào (khả năng tư duy logic, ngoại ngữ, chuyên môn: là Java hoặc C++ tùy bạn chọn) và phỏng vấn đánh giá kỹ năng mềm.

Nếu bạn vượt qua được các vòng trên thì bạn sẽ được chính thức tham gia vào các khóa đào tạo trên.
 
Câu hỏi:

Thưa thầy Tùng, sau khi tốt nghiệp sinh viên có thể có cơ hội học chuyển tiếp cao hơn không, nhà trường hỗ trợ thế nào các em trong vấn đề này?

Ông Lê Trường Tùng:

Có khá nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp ĐH FPT học tiếp để lấy bằng cấp cao hơn. Được xác nhận là trường đại chuẩn 3 sao theo xếp hạng đại học quốc tế, bằng tốt nghiệp đại học của ĐH FPT được chấp nhận để học cao hơn tại nước ngoài. Nhiều sinh viên của trường học tiếp Thạc sỹ theo các suất học bổng được cấp, hoặc theo học phí ưu đãi dành riêng cho sinh viên đại học FPT từ các trường đối tác quốc tế. Hiện nay trường cũng đã được phép đào tạo trên đại học và giảm 30% học phí cho sinh viên tốt nghiệp ĐH FPT.
 
Câu hỏi:

Gia đình tôi có 1 cháu rất thích CNTT, tuy nhiên chi phí học tập là một trong những trở ngại lớn khi tôi suy nghĩ quyết định đến việc cho cháu học tại ĐH FPT, nhà trường có chính sách gì giúp tôi và các bậc cha mẹ khác tự tin trong quyết định ủng hộ niềm đam mê của con cái mình?

Ông Lê Trường Tùng: 

Nếu các em thành công trong tương lai thì việc đầu tư chi phí học hành cho con em bao giờ cũng là đầu tư hiệu quả nhất. Trách nhiệm của trường là đảm bảo chất lượng đào tạo tốt nhất, đảm bảo giá trị của bằng cấp – còn quyền quyết thì thuộc về phụ huynh học sinh và bản thân các em. Quý phụ huynh có thể tìm hiểu thêm về các yếu tố đảm bảo chất lượng của nhà trường, chiến lược của nhà trường, thực trạng việc làm và thu nhập của các em đã tốt nghiệp để xem xét thêm. 

Câu hỏi:

Tôi có câu hỏi dành cho anh Hoàng Nam Tiến, với cương vị lãnh đạo cấp cao của công ty FPT Software, một công ty gần như là “đầu ra” cho sinh viên học tại FPT thì anh đánh giá chất lượng thực tế của sinh viên FPT khi làm việc tại công ty anh thế nào? Có đáp ứng được yêu cầu công việc không hay công ty anh vẫn phải đào tạo lại? Hiện nay trong công ty FPT Software có nhân sự nào làm vị trí quản lý mà tốt nghiệp từ Đại học FPT không? Và đứng từ tư cách một người cha đang có con chuẩn bị học đại học và rất yêu CNTT như tôi, anh có lời khuyên nào cho việc chọn trường cho cháu không? Nếu cháu vào học ĐH FPT thì FPT Software có nhận cháu sau khi ra trường không?

Ông Hoàng Nam Tiến:

Sinh viên Đại học FPT có trình độ ngoại ngữ và kĩ năng mềm tốt, trong quá trình học, các em lại có cơ hội được thực tập từ 4-8 tháng tại FPT Software. Do vậy, khi ra trường, các em thường có thể tham gia vào các dự án thật mà không cần đào tạo lại. Hiện tại, nhiều em sinh viên khóa đầu của Đại học FPT đang là các trưởng nhóm, quản trị dự án nhiều kinh nghiệm cho các nhóm dự án từ 10 – 30 người tại FPT Software (tương đương các vị trí trưởng phòng ở các ty phần mềm khác). Rất nhiều em đang làm việc tại nước ngoài, tại Mỹ, Singapore và đặc biệt là Nhật Bản.
Nếu cháu học tại Đại học FPT thì khả năng có được công việc ngay khi ra trường là rất lớn, không chỉ tại FPT Software mà còn tại nhiều doanh nghiệp phần mềm khác tại Việt Nam. Nếu được khuyên thì theo tôi bác nên đầu tư cho cháu học thêm càng nhiều ngoại ngữ càng tốt ngay khi đang theo học tại trường. Có được ngoại ngữ tốt khi ra trường cơ hội của cháu sẽ mở rộng hơn rất nhiều, đặc biệt là cơ hội làm việc tại nước ngoài.
Câu hỏi:

Tôi thấy trường Đại học FPT có hình thức thi tuyển hơi đặc biệt, vòng 1 là thi sơ tuyển, vòng 2 là xét tuyển điểm sàn Đại học. Tôi nghe nói năm nay sẽ không xét điểm sàn, vậy hình thức tuyển của trường có gì thay đổi không?

Ông Lê Trường Tùng:

Sắp tới Bộ GĐ-ĐT sẽ công bố tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào - thực chất vẫn là sàn nhưng mềm dẻo hơn – cho năm tuyển sinh 2014. Quy chế tuyển sinh của ĐH FPT năm nay là tuyển các thí sinh qua được sơ tuyển của trường, đồng thời đảm bảo tiêu chí đầu vào theo quy định của Bộ GD-ĐT. 

Câu hỏi:

Em còn 1 năm nữa là tốt nghiệp ĐH FPT, vậy anh Tiến cho em hỏi nếu em vào thực tập tại Fsoft thì quá trình thực tập em sẽ cần sử dụng .NET hay Java ạ? Ngoài ra, em có nên học thêm ngôn ngữ gì khác không ạ?

Ông Hoàng Nam Tiến: 

.NET hay Java đều được, miễn là em phải thực sự giỏi. Ngoài ra, lập trình trên Mobile, Cloud Computing, Big Data đang là các xu hướng mới, nếu có thời gian, em có thể tìm hiểu thêm các công nghệ thuộc các lĩnh vực này.
 
Câu hỏi:

Chào anh Phạm Thúc Trương Lương. Là một người đi trước trong ngành công nghệ thông tin, em muốn anh cho em xin vài lời khuyên để có thể vững vàng học tập không ạ. Đôi khi em khá là “nản” vì áp lực học tập, rồi lo việc làm sau khi ra trường. Em hiện là sinh viên CNTT năm gần cuối rồi ạ.

Ông Phạm Thúc Trương Lương:

Khi bạn nản hãy thử suy nghĩ xem đâu là lí do cho quyết định ban đầu để theo học ngành CNTT. Nếu nó không xuất phát từ sự đam mê hay định hướng lâu dài của bạn thì có lẽ bạn đang phí thời gian. Bạn có thể nghĩ đến chuyện rẽ sang một con đường khác. Còn nếu đây thực sự là niềm đam mê của bạn thì tôi tin áp lực học tập hay nỗi lo lắng về việc làm sau khi ra trường sẽ là động lực để bạn cố gắng hơn và giúp bạn chủ động hơn trong việc chuẩn bị cho tương lai.

Câu hỏi:
 
Gửi anh Trương Lương. Là con gái theo ngành công nghệ, phần mềm theo anh thì có những lợi thế và hạn chế nào ạ? Anh có thể “bật mí” đôi chút về đãi ngộ của Tinh vân cho nhân viên trẻ, mới vào không ạ?

Ông Phạm Thúc Trương Lương:

Về mặt lợi thế, có một số vị trí trong ngành công nghệ phần mềm tại các công ty trong nước mà nữ giới chiếm tỷ lệ áp đảo như Tester, quản lý chất lượng (QA),...Đây là những vị trí đòi hỏi những tố chất là thế mạnh của phụ nữ. Còn về hạn chế, làm việc trong môi trường nhiều nam giới, phụ nữ sẽ cần phải cố gắng nhiều hơn để có thể nổi bật vì họ cần giành thời gian cho các thiên chức khác. Tinh Vân duy trì một chính sách đãi ngộ cạnh tranh trong ngành, bạn có thể liên hệ trực tiếp với bộ phận nhân sự của công ty để có thêm thông tin.

Câu hỏi:

Chào anh Trương Lương, là một chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ, anh đánh giá thế nào về xu hướng phát triển ngành CNTT trong thời gian tới? Có mảng công việc hẹp nào của CNTT sẽ hút người và các sinh viên yêu công nghệ nên học không?

Ông Phạm Thúc Trương Lương:

Anh Hoàng Nam Tiến và tôi đã trả lời câu hỏi tương tự ở trên, bạn có thể tham khảo. Nếu đã là mảng hẹp thì sẽ không thể hút một lượng lớn nhân lực được. Chỉ có mảng hẹp bây giờ nhưng thời gian tới sẽ trở thành một mảng rộng. Chúng ta có thể thấy thiết bị di động đang ngày càng trở thành một thiết bị công nghệ được sử dụng chủ yếu trong cuộc sống hàng ngày. Vì vậy, phát triển các ứng dụng trên thiết bị di động sẽ là nhu cầu ngày một lớn hơn. Tuy nhiên, tôi không muốn đưa ra một lời khuyên chung chung là hãy nhảy vào một ngành có vẻ hot. Bạn cần cân nhắc khả năng của mình vì nhiều cơ hội cùng đồng nghĩa với áp lực cạnh tranh lớn hơn.
 
Câu hỏi:

Thưa thầy Tùng, theo cháu biết thì yêu cầu về người làm về CNTT của nước ngoài rất cao, sinh viên FPT đã đáp ứng được nhu cầu này bằng cách nào? Làm thế nào để sinh viên học FPT ra có thể đi làm việc ở nước ngoài thế ạ? 

TS Lê Trường Tùng:

Đảm bảo chất lượng giáo dục đại học gồm nhiều yếu tố. Chất lượng cao thì làm việc ở đâu cũng được. Tuy nhiên nếu nói một cách ngắn gọn thì để làm việc được ở nước ngoài, trường Đại học FPT chú trọng đào tạo ngoại ngữ, chương trình đào tạo chuyên môn theo chuẩn quốc tế, giáo trình chuyên môn đều từ nước, tăng cường tỷ lệ sinh viên ngoại quốc học cùng, có giảng viên ngoại tham gia đào tạo, và sinh viên trong quá trình học có điều kiện tham dự các khóa học ngắn hạn ở nước ngoài, thực tâp ở các công ty nước ngoài.  
 
Câu hỏi:
 
Đứng ở vị trí nhà tuyển dụng, ông Hoàng Nam Tiến có thể cho biết doanh nghiệp cần gì ở một sinh viên CNTT vừa tốt nghiệp ra trường? Hiện giờ nguồn tuyển chủ yếu của cty mình đến từ đâu?
 
Ông Hoàng Nam Tiến:
 
Đối với sinh viên mới ra trường, doanh nghiệp cần các bạn có  thể giao tiếp bằng ngoại ngữ trong công việc, nắm vững ít nhất một ngôn ngữ lập trình và có kĩ năng làm việc (nắm được quy trình làm việc, khả năng làm việc nhóm…). Hiện giờ, nguồn tuyển chủ yếu của FPT Software là sinh viên khối CNTT, Điện tử Viễn thông, Ngoại ngữ từ các trường Đại học như: Đại học Bách Khoa, Đại học FPT, Đại học Công nghệ, Học viện Bưu chính Viễn Thông,  Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Duy Tân và nhiều trường đại học khác trên cả 3 miền. Ngoài ra, FPT Software hiện cũng đang là sự lựa chọn của rất nhiều tu nghiệp sinh từ nước ngoài, do FPT Software có môi trường, cơ hội làm việc trên quy mô toàn cầu.
 
Câu hỏi:
 
Tôi thấy các trường đại học ở ta còn đặt nặng đào tạo chuyên môn mà thiếu các môn học như kỹ năng mềm sau khi ra trường. Thưa ông Lương, các ông đại diện cho chủ doanh nghiệp, vậy các ông có thể cho biết khó khăn gặp phải khi tuyển dụng sinh viên ngành công nghệ thông tin vào làm việc không? Có phải sinh viên CNTT ở Việt Nam rất kém về kỹ năng mềm và trình độ ngoại ngữ?

Ông Phạm Thúc Trương Lương

Nếu đây đã là thực trạng chung thì cũng sẽ là khó khăn chung. Với thực tế này, doanh nghiệp thường xác định, họ sẽ không chỉ đào tạo kiến thức chuyên môn cho nhân viên mới mà còn cả các kỹ năng mềm cần thiết khác. Trong số những sinh viên mà chúng tôi tuyển dụng cũng có nhiều người có trình độ ngoại ngữ và kỹ năng làm việc khá tốt, đặc biệt là từ một số trường như Bách Khoa, Công nghệ, ĐH FPT...
 
Câu hỏi:
 
Quả thật lựa chọn trường nào, ngành gì để con học ra trường mà không bị ám ảnh bởi nỗi lo thất nghiệp luôn là một câu hỏi lớn với phụ huynh chúng tôi. Là nhà lãnh đạo doanh nghiệp, ông Tiến có thể chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra một số gợi ý định hướng nghề nghiệp phù hợp cho học sinh cuối cấp chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa đại học?
 
Ông Hoàng Nam Tiến:

Xu hướng toàn cầu hóa là xu hướng không thể cưỡng được trong giai đoạn hiện nay và tương lai. Xu hướng cạnh tranh về nghề nghiệp cũng vậy, sẽ ở ở mức toàn cầu, nhân lực của Việt nam muốn có lợi thế thì cần có các kỹ năng, năng lực cạnh tranh cần thiết để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu như khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ và kỹ năng chuyên môn vững vàng. Nếu có một lời khuyên cho các học sinh, ngành công nghệ thông tin đã và đang là một sự lựa chọn rất tốt bởi Việt nam đang trở thành một điểm đến uy tín cho các doanh nghiệp toàn cầu về nguồn nhân lực CNTT.
 
Câu hỏi:

Trước kia em học cao đẳng công nghiệp khoa kỹ thuật điện tử nhưng ra trường chưa có việc. Em rất mong anh (chị) cho em lời khuyên về việc làm được không ạ?

Ông Phạm Thúc Trương Lương:

Đầu tiên bạn phải tự trả lời được cho mình câu hỏi vì sao bạn chưa có việc. Những bạn cùng học với bạn đã có việc chưa? Họ đang làm những việc gì? Những nơi bạn dự tuyển nhận xét về bạn như thế nào khi phỏng vấn? Hay những mong muốn nghề nghiệp có phù hợp với năng lực và kinh nghiệm của bạn hay không? Hay đơn giản là bạn đã thực sự sẵn sàng chưa? Tôi nghĩ chìa khoá nằm ở trong tay bạn.

Câu hỏi:
 
Em xin được hỏi: Sức khoẻ của em không được tốt nhưng em có năng khiếu về kỹ thuật điện, chế tạo và thiết kế máy, ngoài ra em cũng có năng khiếu kinh doanh nữa ạ. Vậy em nên học ngành gì để sau này có thể xin được việc làm phù hợp, em cám ơn ạ.

Ông Phạm Thúc Trương Lương:

Với những năng khiếu trên, bạn có thể tự mở một hoạt động kinh doanh cho riêng, biết đâu còn có thể tạo thêm cơ hội việc làm cho nhiều người khác :). Đấy là nói cho vui, còn tôi tin một người như bạn thì đã có sẵn câu trả lời cho mình rồi. Tôi chỉ khuyên bạn hãy rèn luyện sức khoẻ vì nó cần thiết không chỉ cho công việc mà là điều quan trọng nhất trong cuộc sống. Chúc bạn thành công.

Câu hỏi:

Tôi có cháu đã tốt nghiệp ĐH Kinh tế Quốc dân năm 2013, từ khi ra trường cháu nộp hồ sơ rất nhiều nơi mỗi khi biết có thông tin tuyển dụng, nhưng hồ sơ đều không được gọi phỏng vấn vì lý do chưa có kinh nghiệm. Vậy công ty nào cũng đòi hỏi kinh nghiệm ít nhất 1-2 năm thì làm sao có cơ hội để tích luỹ, trong trường hợp này cháu tôi phải làm thế nào?

Ông Phạm Thúc Trương Lương:

Có thể các vị trí bạn dự tuyển đòi hỏi có kinh nghiệm hoặc phải cạnh tranh với những ứng viên có kinh nghiệm khác. Tuy nhiên bạn có thể tích luỹ kinh nghiệm bằng nhiều cách, hãy bắt đầu bằng những công việc đơn giản hơn, hoặc tìm một môi trường cho mình cơ hội thực tập. Tôi thấy nhiều người đã có bước chuẩn bị này ngay từ khi đang đi học và vì vậy dù mới tốt nghiệp họ đã có những kinh nghiệm nhất định

Câu hỏi:

Em là sinh viên khuyết tật, khuyết tật vận động, đi lại đôi chút khó khăn. Em đang học liên thông trường ĐH Bách Khoa Đà Nẵng năm cuối.Vậy anh chị cho em hỏi sau khi ra trường muốn được nhận làm việc ở các công ty phần mềm thì em cần chuẩn bị cho mình những kiến thức và kỹ năng gì? Ở Đà Nẵng có công ty nào ưu tiên tuyển dụng người khuyết tật không ạ. Hy vọng em được các anh chị trả lời câu hỏi của em. Chúc anh chị một ngày vui vẻ. ^_^

Ông Hoàng Nam Tiến:

Tại FPT Software thì cơ hội tuyển dụng không phân biệt đối với người bình thường hay khuyết tật. Ngoài ra thì ngành Phần mềm khá phù hợp với người khuyết tật vận động do chủ yếu làm việc với máy tính.

Để làm việc tại FPT Software, cần bạn nắm vững một ngôn ngữ lập trình, nếu ngoại ngữ tốt thì càng thuận lợi. Có rất nhiều công việc tại FPT Software có thể phù hợp với bạn: Lập trình viên, Cán bộ kiểm thử phần mềm, Cán bộ chất lượng. Khi ra trường, bạn có thể liên hệ với phòng Tuyển dụng của FPT Software tại Đà nẵng (mail: recruitment@fsoft.com.vn).
Câu hỏi:

Với các cháu lớp 12, nhiều khi chọn lựa trường học rất mơ hồ và thiếu kinh nghiệm thực tế. Là người đứng đầu một trường đại học, ông có thể cho biết điều quan trọng nhất với một học sinh khi đưa ra quyết định học trường nào, ngành nào là điều gì, thưa ông?

Ông Lê Trường Tùng:

Theo tôi nghĩ quy trình chọn sẽ là từ việc làm tương lai – đến ngành học – và cuối cùng là trường. Trước hết là chọn việc dự kiến làm trong tương lai, nên là việc mà hoặc thời nào cũng cần (như bác sỹ), hoặc là ngành mới có xu thế phát triển (như thương mại điện tử), và phải phù hợp với sở thích cá nhân, định hướng của gia đình – nên bắt đầu từ chọn nhóm ngành: nên theo nhóm ngành công nghệ, nhóm ngành kinh tế, nhóm ngành nghệ thuật, nhóm ngành xã hội - nhân văn hay nhóm ngành y tế - sức khỏe. Sau đó là chọn ngành cụ thể, rồi từ đó chọn trường có uy tín, chất lượng với ngành đó và với học phí phù hợp.

Điều quan trọng nhất theo tôi là chọn đúng sở thích, và sau đó là đúng xu thế, chọn ngành mà sau này sẽ mai một, xã hội không cần đến sẽ tốn công học, và cuối cùng là đúng trường. 
 
Câu hỏi:
 
Ở quê khó xin việc quá, một người dân tộc thiểu số như tôi muốn xin việc ở đồng bằng liệu có được không, có dễ dàng không?
 
Ông Hoàng Nam Tiến:
Tôi muốn thông qua câu chuyện về một người đồng nghiệp của tôi – bạn Đinh Văn Năm – một Kĩ sư cầu nối người Hre, đang làm việc cho khách hàng Nhật, để chia sẻ câu chuyện rằng cơ hội là như nhau với tất cả mọi người, chỉ cần bạn xác định rõ mục tiêu phấn đấu.
 
Bạn có thể đọc bài chia sẻ của Năm tại đây và tại đây.
Câu hỏi:
 
Thưa anh, với tình hình kinh tế như hiện nay thì người học kế toán ra cần có những kỹ nâng kiến thức chuyên môn như thế nào để khi đi xin viêc không bị từ chối?

Ông Phạm Thúc Trương Lương

Đúng là bạn rơi vào thời điểm không thuận lợi khi nhu cầu nhân lực kế toán không cao do nền kinh tế và các doanh nghiệp đang ở trong thời kỳ khó khăn. Nếu bạn thực sự muốn làm trong ngành kế toán thì bạn cần tích luỹ thêm các chứng chỉ chuyên ngành để tạo ra sự cạnh tranh cho bản thân. Còn theo tôi, chuyên môn kế toán cũng bổ khuyết tốt cho nhiều vị trí khác, vì vậy bạn cũng có thể thử sức mình với các công việc khác xem.

Câu hỏi:

Xin hỏi anh, nhà tuyển dụng cần những yếu tố gì đối với sinh viên CNTT mới ra trường? Sinh viên mới ra trường nên đề nghị mức lương như thế nào là hợp lý? Ví dụ sinh viên CNTT đề nghị mức gần 10 triệu có thể chấp nhận được không?

Ông Phạm Thúc Trương Lương

Nói chung, chiến lược tuyển dụng của các công ty rất đơn giản, đó là đúng người đúng việc. Là một sinh viên CNTT chắc chắn bạn phải hiểu những yêu cầu của ngành để có sự chuẩn bị tốt nhất cho mình. Nếu bạn chưa tốt nghiệp, hãy tìm cơ hội làm bán thời gian tại một công ty công nghệ nào đó. Tôi không có một lời khuyên chính xác là nên đề nghị mức lương như thế nào, nhưng với giả định bạn là một sinh viên mới ra trường, hãy để nhà tuyển dụng đưa ra đề nghị của họ và cân nhắc. Còn nếu bạn đã biết rõ năng lực và giá trị của mình qua thực tế khách quan, thì 10 triệu chưa chắc đã là giới hạn mà bạn đặt ra cho mình.

Câu hỏi

Thưa anh Lương, anh có thể cho tôi một vài đánh giá tổng quan của cá nhân anh, nếu chọn ngành CNTT thì đơn vị anh thường chuộng các sinh viên tốt nghiệp Trường ĐH nào? Bằng cấp loại gì?

Ông Phạm Thúc Trương Lương 

Trong đội ngũ nhân sự của Tinh Vân có các kỹ sư CNTT tốt nghiệp từ nhiều trường đại học khác nhau. Trường nào cũng có những cá nhân nổi bật, nhưng thông thường chúng tôi đánh giá cao sinh viên của các trường Bách Khoa, Công nghệ hay gần đây là Đại học FPT. Tuy nhiên tôi có thể khẳng định, chúng tôi sẽ không bỏ sót những ứng viên có năng lực dù bạn đó học trường nào, hoặc bằng cấp loại gì.

Câu hỏi

Anh Lương có thể cho biết, Công ty Cổ phần Công nghệ Tinh Vân của anh trong năm nay và tầm xa hơn là một vài năm tới, đang có nhu cầu tuyển dụng với số lượng lớn nhất là những vị trí công việc cụ thể gì?

Ông Phạm Thúc Trương Lương 

Là một công ty CNTT, chắc chắn, mảng công việc mà công ty tuyển dụng nhiều nhất vẫn là các vị trí liên quan đến lĩnh vực phát triển phần mềm. 


Câu hỏi:
 
Em ra trường được 3 năm rồi nhưng vẫn chưa xin được việc làm ổn định, em định sẽ đi học thêm một ngành khác theo anh em nên đi học thêm ngành nào để dễ xin việc ạ?
 
Ông Hoàng Nam Tiến

Như tôi chia sẻ ở trên, ngành công nghiệp phần mềm đang có nhu cầu rất lớn về nhân lực. Nếu bạn đủ tự tin và quyết tâm thì bạn có thể học một khóa về lập trình phần mềm và tham gia ứng tuyển tại các công ty làm phần mềm như FPT Software.

Câu hỏi:
 
Em là SV đang theo học hệ Cao đẳng chuyên ngành ứng dụng phần mềm. Em có một câu hỏi băn khoăn là sinh viên sau khi ra trường cần có những gì để được nhà tuyển dụng đánh giá cao? Bên cạnh đó, sau khi học xong Cao đẳng em có nguyện vọng học 1 số khóa học chuyên sâu và thực tập tại môi trường doanh nghiệp để có KN. Em rất mong chương trình tư vấn, giới thiệu, định hướng cho em để em không bị mất phương hướng trong quá trình học tập.
 
Ông Hoàng Nam Tiến
Như chia sẻ ở các câu hỏi trước, tại doanh nghiệp như FPT Software thì cần nhân viên của mình có được các kĩ năng sau: Giao tiếp bằng ngoại ngữ trong công việc, Thành thạo ít nhất một ngôn ngữ lập trình, Kĩ năng làm việc thực tế. Hai kĩ năng đầu, bạn cần đầu tư thời gian cá nhân của mình để có được. Riêng Kĩ năng làm việc thực tế, trong quá trình học, bạn nên chủ động xin đi thực tập tại các doanh nghiệp để trau dồi cho mình kĩ năng này.
 
Câu hỏi:
 
Tôi có con trai 25 tuổi vừa tốt nghiệp Đại học Lạc Hồng, chuyên ngành tiếng Nhật. (Chưa nhận bằng). Vậy con tôi có thể xin làm việc ở FPT được không, điều kiện cần thiết khi xin việc, xin anh Tiến tư vấn dùm.

Ông Hoàng Nam Tiến
Hiện tại FPT Software có rất nhiều công việc cần kĩ năng tiếng Nhật. Anh có thể bảo cháu gửi hồ sơ ứng tuyển đến phòng Tuyển dụng, công ty FPT Software (mail:recruitment@fsoft.com.vn )
 
Câu hỏi:

Thưa thầy Tùng, thông tin về việc ĐH FPT giới thiệu cơ hội tuyển dụng cho sinh viên cho tới khi mỗi sinh viên có việc làm được triển khai thế nào sau khi sinh viên tốt nghiệp, khi các em không còn liên lạc nhiều với nhà trường cũng như cập nhật các thông tin về việc làm cho trường?

Ông Lê Trường Tùng:

Việc làm sinh viên được triển khai ngay trong quá trình sinh viên đang học chứ không chỉ đợi khi sinh viên tốt nghiệp, thông qua kỳ đào tạo trong doanh nghiệp (sau 5 học kỳ), thông qua hoạt động của công ty Vườn ươm sáng tạo ĐH FPT, thông qua mô hình hợp tác doanh nghiệp iCASE. ĐH FPT có bộ phận quản lý cựu sinh viên, và tất cả các đối tượng sinh viên chưa có việc làm ở thời điểm tốt nghiệp đều được hỗ trợ, và trường quản lý con số tỷ lệ có việc làm sau 12 tháng, liên lạc với sinh viên là việc chủ động của trường chứ không chờ sinh viên liên lạc. Cũng nói thêm là theo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, một trường đại học tốt phải làm công tác quan hệ doanh nghiệp và việc làm sinh viên cho tốt, phải có bộ phận chuyên trách làm việc làm sinh viên với biên chế ít nhất 10 cán bộ, hoặc 1 cán bộ cho 1.000 sinh viên đang học.
 
Câu hỏi:

Xin anh cho tôi hỏi, bây giờ tôi đang thất nghiệp với chuyên ngành của mình học, từ khi tôi ra trường năm 2012 đến giờ tôi toàn làm trái với ngành nghề mình học, đi nộp hồ sơ rất nhiều công ty nhưng chỉ có một vài công ty gọi phỏng vấn nhưng rồi để đấy không thấy tin tức hồi âm lại. Vậy bây giờ tôi muốn vào làm một công ty với đúng chuyên ngành của mình thì nào cách nào tôi có thể đạt được mục đích mong muốn của bản thân. Mong anh tư vấn giúp tôi với.

Ông Phạm Thúc Trương Lương:

Bản thân công việc hiện giờ của tôi cũng không đúng với ngành học trong trường đại học của mình và với đại bộ phận các lãnh đạo khác trong Tinh Vân cũng vậy. Chúng tôi chọn ngành CNTT vì đam mê nó. Nếu ai cũng làm đúng ngành thì chúng ta chỉ có giáo sư lịch sử mà không có Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cái chính là bạn có yêu thích các công việc mà mình đang làm hay không. Nếu bạn muốn tìm một công việc đúng ngành đúng nghề mà sau 2 năm mà vẫn chưa tìm được thì hãy thử nhìn lại xem tại sao? Câu trả lời hoặc có thể giúp bạn tự tin tái định hướng bản thân hoặc giúp bạn chuẩn bị tốt hơn để nắm bắt tốt hơn các cơ hội.

Câu hỏi:

Nhà tuyển dụng cần những điều gì ở 1 sinh viên mới ra trường để sẵn sàng cho một vị trí cao trong công ty như trợ lý giám đốc, trợ lý trưởng phòng?

Ông Phạm Thúc Trương Lương:

Cá nhân tôi không coi những vị trí trợ lý là vị trí cao trong công việc. Với câu hỏi của bạn, tôi nghĩ người lựa chọn sẽ không phải là nhà tuyển dụng chung chung mà là của những con người lãnh đạo cụ thể cần vị trí trợ lý đó. Mỗi người có những tiêu chí cá nhân và đòi hỏi rất khác nhau. Hãy thể hiện được những giá trị của mình phù hợp với yêu cầu của họ.

Câu hỏi:
 
Cho em hỏi là nếu em đăng ký thi FPT thì ở mục 2 hồ sơ dự thi đại học em vẫn ghi đầy đủ thông tin trường NV1 (mã ngành, khối thi ...) phải không, để nếu em không đỗ FPT thì em vẫn có thể đỗ trường NV1 phải không?

TS Lê Trường Tùng

Đúng rồi, em có thể ghi NV1 ở trường khác để thêm cơ hội học đại học khi không vào được ĐH FPT.

Câu hỏi:

Chào thầy Tùng. Tôi cho rằng mô hình đào tạo của FPT rất hay nhưng tôi e việc học nội trú ở Hoà Lạc có thể ảnh hưởng không tốt tới các cháu đang trong độ tuổi ăn, tuổi lớn, thích vận động, giao lưu. Nhà trường có biện pháp này để khắc phục điều đó không, thưa thầy?

 TS. Lê Trường Tùng: 

Tôi nghĩ môi trường nội trú không ảnh hưởng gì không tốt đến các cháu trong độ tuổi ăn, tuổi lớn, thích vận động, giao lưu cả. Chính môi trường nôi trú với điều kiện sống phù hợp và được kiểm soát sẽ tạo điều kiện cho các cháu sinh hoạt giao lưu tập thể, thể dục rèn luyện. Với sinh viên ngoại tỉnh, đằng nào cũng sống xa gia đình thì sống nội trú tại Ký túc xá của trường là tốt nhất. Với các sinh viên ở Hà nội, nếu gia đình có mong muốn thì chúng tôi vẫn cho phép sinh viên ở ngoại trú, nhưng tôi vẫn  nghĩ ở nội trú tốt hơn.
 
Sinh viên Đại học FPT
Sinh viên Đại học FPT.
 
Câu hỏi:
 
Cho em hỏi trường ĐH FPT có sơ tuyển không ạ? Em muốn thi vào trường thì cần phải qua những giai đoạn thi nào? Trường có kỳ thi chung không ạ?

TS. Lê Trường Tùng:

Trường ĐH tổ chức thi sơ tuyển vào ngày 13/4 tới. Để vào học tại trường, em cần làm thủ tục đăng ký và tham dự kỳ thi này (tổ chức tại Hà nội, Đà Nẵng và TP HCM). Nếu qua được kỳ thi này, và đủ tiêu chuẩn chất lượng tối thiểu học đại học do Bộ GD-ĐT quy định (thi 3 chung tháng 7/2014 và đạt sàn trở lên – năm nay Bộ sẽ sớm công bố cách thức xác định sàn mới thay cho điểm sàn các năm trước), em sẽ đủ điều kiện nhâp học ĐH FPT (tháng 8/2014).
 
Câu hỏi:

Thầy cho em hỏi trường mình có khoa nào xét tuyển học bạ không ạ? Nếu có thì điều kiện ra sao ạ? Em đang dự định thi vào trường mà không biết có ngành nào xét học bạ không nên mong thầy trả lời giúp ạ.

TS. Lê Trường Tùng:

Năm 2014 trường Đại học FPT tuyển sinh theo hình thức sơ tuyển kết hợp với tiêu chí chất lượng đầu vào học đại học do Bộ GDS0ĐT quy định. Hiện nay tiêu chí chưa được Bộ công bố, cho nên xét tuyển vẫn dựa theo kết quả thi 3 chung (sàn trở lên).  

Câu hỏi:

Em rất muốn biết các thông tin về hướng dẫn làm bài thi của trường ĐH FPT, anh chị cho em biết muốn thi thử các đề thi của trường mình thì vào đâu để xem?

TS. Lê Trường Tùng:
 
Em có thể tham khảo thông tin theo địa chỉ http://tuyensinh.fpt.edu.vn/, phần Hướng dẫn thí sinh. 
 
Câu hỏi:
Em muốn biết rõ hơn thông tin chi tiết về tuyển sinh, đặc biệt là thông tin về tuyển sinh ngày 13/4 tới đây. Vậy em nên xem trên trang web nào là đầy đủ thông tin nhất?

TS. Lê Trường Tùng:

Trang web http://tuyensinh.fpt.edu.vn/ đầy đủ thông tin nhất. 

Câu hỏi:

Xin cho em biết nếu muốn biết thông tin về các ngành đào tạo của Đại học FPT thì nên xem ở đâu?

TS. Lê Trường Tùng:

Em xem trên trang WEB http://tuyensinh.fpt.edu.vn/, mục Chuyên ngành đào tạo. 

Câu hỏi:

Nghĩ đến FPT tôi thường nghĩ đến CNTT và trường ĐH FPT chắc cũng chuyên về CNTT. Tuy nhiên năm 2014 tôi thấy trường có mở chuyên ngành Kiến trúc. Vậy mở chuyên ngành như vậy có đi ngược với định hướng phát triển của trường không và học Kiến trúc của ĐH FPT có khác gì so với các trường khác dạy cùng chuyên ngành?

TS. Lê Trường Tùng:

 
Năm 2013, trường ĐH FPT đã mở ngành Thiết kế Đồ học, đây là ngành nằm trong nhóm ngành Đồ học - Kiến trúc mà ĐH FPT định triển khai trong các năm tiếp theo. Khác biệt của trường ĐH FPT là muốn đào tạo một trường phái Kiến trúc sư mới mang tính Á đông, hòa hợp môi trường, giá rẻ, để mang kiến trúc đến cho mọi công trình và thể hiện được vị thế của Kiến trúc việt nam trên bản đồ kiến trúc Thế giới. Các yêu tố Công nghệ - trong đó CNTT  - cũng được đưa vào kiến trúc như một công cụ và một cấu hình quan trọng.
 
* * * Buổi tư vấn “Hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp, khi đại học và doanh nghiệp cùng bắt tay đảm bảo việc làm” được tổ chức theo hình thức offline. Do thời gian có hạn nên buổi tư vấn xin phép được dừng lại tại đây, những phần câu hỏi chưa được giải đáp, Trường Đại học FPT sẽ trả lời theo địa chỉ mail của độc giả gửi tới báo Dân trí.