Tuần lễ toàn cầu hành động Giáo dục: Người khuyết tật có quyền được hưởng thụ

(Dân trí) - Tuần lễ toàn cầu Hành động Giáo dục cho mọi người được Bộ GD-ĐT cùng các đối tác phát động và tổ chức với thông điệp “Người khuyết tật có quyền thụ hưởng một nền giáo dục chất lượng, thân thiện và bình đẳng”.

Tuần lễ toàn cầu hành động Giáo dục: Người khuyết tật có quyền được hưởng thụ

Người khuyết tật có quyền bình đẳng trong giáo dục, tuy nhiên, trên thế giới vẫn còn hàng triệu trẻ em khuyết tật chưa được hưởng quyền đó.

Chiến dịch nhằm tăng cường thực hiện các chính sách, chương trình và các biện pháp nhằm đảm bảo một nền giáo dục hòa nhập có chất lượng, hỗ trợ người khuyết tật vượt qua những rào cản mà họ đang phải đối mặt trong việc tiếp cận giáo dục và quyền được giáo dục,

Việt Nam đang thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, xây dựng xã hội học tập, hướng tới giáo dục hòa nhập nhằm giúp người khuyết tật có một cuộc sống hạnh phúc, phát triển tối đa năng lực bản thân, sự sáng tạo và tài năng để đóng góp ngày càng nhiều cho xã hội.

Tuần lễ hành động toàn cầu là một sự kiện thường niên do Liên minh chiến dịch toàn cầu vì giáo dục (GCE) - liên minh của các tổ chức phi chính phủ và liên đoàn giáo viên phát động nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của Giáo dục cho mọi người. Tuần lễ nhằm huy động các nguồn lực và sự ủng hộ của toàn xã hội để đạt được mục tiêu giáo dục cho mọi người.

Hiện nay, ước tính có khoảng 650 triệu người khuyết tật, chiếm gần 10% dân số toàn cầu. Trong số đó, có khoảng 93 triệu trẻ em khuyết tật. Người khuyết tật có quyền bình đẳng trong giáo dục, tuy nhiên, trên thế giới vẫn còn hàng triệu trẻ em khuyết tật chưa được hưởng quyền đó.

Ở hầu hết các quốc gia thu nhập thấp hoặc trung bình, trẻ khuyết tật có nguy cơ thất học cao hơn những trẻ em khác trong cùng độ tuổi, thậm chí trong số những em đã đi học, nguy cơ bỏ học cũng rất cao. Cá biệt, ở một số nước, khuyết tật là nguyên nhân chính dẫn đến thất học. Tỷ lệ thất học của trẻ khuyết tật gấp đôi so với trẻ không khuyết tật.

Giáo dục đóng vai trò quyết định đối với người khuyết tật. Giáo dục là con đường giúp họ phát triển tối đa khả năng cũng như tiềm năng cá nhân, để từ đó họ được sống với chân giá trị của mình và có ích cho xã hội. Quyền được giáo dục phải được dựa trên cơ sở bình đẳng cơ hội, không phân biệt đối xử thông qua giáo dục hòa nhập thân thiện ở các cấp học, trình độ đào tạo và học tập suốt đời.

Hồng Hạnh