“Tuổi thơ dữ dội” của nữ sinh nghèo ĐH Luật Hà Nội

(Dân trí) -Sinh ra trong một gia đình nghèo tại Hà Tĩnh, Nguyễn Thị Ánh trải qua tuổi thơ chan đầy nước mắt với những trận đòn từ người cha không may mắc bệnh tâm thần. Vượt lên cảnh ngộ éo le, Ánh đi làm công nhân kiếm tiền đi thi đại học và đỗ trường ĐH Luật Hà Nội.

Gặp Nguyễn Thị Ánh tại Trường ĐH Luật Hà Nội, tôi đã không cầm được nước mắt khi lắng nghe em tâm sự về hoàn cảnh éo le của mình...

Tuổi thơ dữ dội của nữ sinh nghèo ĐH Luật Hà Nội
Hoàn cảnh khó khăn, cô gái Nguyễn Thị Ánh quê Hà Tĩnh đã đi làm công nhân để kiếm tiền đi thi đại học. Ánh hiện là sinh viên năm ba Trường ĐH Luật Hà Nội.

Tuổi thơ đầy nước mắt

Sau khi bài viết được đăng trên báo điện tử Dân trí, đông đảo độc giả gửi bình luận ngỏ ý muốn động viên nữ sinh viên Nguyễn Thị Ánh. Độc giả có thể chia sẻ với em Ánh qua số điện thoại: 0989 522 642

Sinh năm 1992, Ánh là chị cả trong một gia đình hộ nghèo thuần nông tại xã Xuân Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Năm Ánh lên 5 tuổi, bố em không may bị mắc chứng bệnh tâm thần, những lúc tỉnh táo thì không sao nhưng mỗi khi lên cơn, bố Ánh lại thường xuyên đuổi đánh 3 mẹ con. Có những đêm đang ngủ, bố Ánh phát bệnh rồi đập phá đồ đạc trong nhà và đuổi đánh mẹ Ánh, vì còn quá nhỏ nên 2 chị em Ánh không can ngăn được mà chỉ biết ngồi khóc.

Nhiều lần, vì bị bố đánh mà 3 mẹ con Ánh phải gồng mình chạy trốn giữa đêm. Đến sáng hôm sau, khi bố Ánh tỉnh, 3 mẹ con lại về nhà dọn dẹp những thứ mà bố em đã đập phá. Có lần, vì uống rượu say mà bố Ánh chất đầy củi lên để đốt nhà, nhà cháy mà bố em cứ ngồi nhìn rồi lúc khóc, lúc cười…

Những năm Ánh học lớp 4, trong nhà không có đồng tiền hay hạt thóc nào nhưng mẹ Ánh cũng cố chạy vạy vay tiền bà con hàng xóm để đưa bố em đi chữa bệnh. Suốt quãng thời gian đó, hai chị em Ánh phải ở nhà tự nuôi nhau. Có những hôm, nhà hết gạo, không vay mượn được ai, hai chị em Ánh chỉ biết ra vườn, hái được rau gì thì ăn tạm rau đó.

Dù hoàn cảnh éo le như vậy nhưng không vì thế mà Ánh chán nản việc học. Hàng ngày, sau những giờ học trên lớp, Ánh lại ra đồng làm ruộng giúp mẹ và rồi kết quả mà em đạt được là học sinh tiên tiến suốt 12 năm học. Đặc biệt, năm học lớp 9, Ánh còn đạt giải học sinh giỏi Văn cấp huyện.

Làm công nhân để kiếm tiền đi thi đại học

Kết thúc năm học lớp 12, dù muốn đi thi đại học như bao bạn bè khác, nhưng vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn mà Ánh đã gác ước mơ đó lại. Quãng thời gian sau đó, Ánh đi làm công nhân ở một xưởng gỗ với mức lương 1,8 triệu đồng/1 tháng. Dù công việc nặng nhọc, nhiều lần bị mắng chửi nhưng Ánh vẫn cố gắng bám trụ với hy vọng kiếm tiền để về thi đại học.

Trước những ngày thi đại học, họ hàng và bà con hàng xóm đều khuyên Ánh không nên đi thi bởi có đỗ thì nhà không biết lấy tiền đâu mà nuôi. Nhưng được sự động viên của mẹ, Ánh vẫn quyết tâm và thi đỗ khoa Dân sự Trường ĐH Luật Hà Nội với số điểm 20.

Khi biết tin đỗ đại học, thấy mẹ không có tiền, Ánh có ý định không theo học nhưng được mẹ động viên: “Cả đời mẹ khổ rồi, giờ chỉ ao ước sao cho cuộc sống của hai chị em con không như mẹ, nhà thì không có tiền, vì vậy, để thoát được cái cảnh này, con chỉ còn cách học tiếp. Dù có khó khăn, túng quẫn đến đâu, mẹ cũng cố lo cho con đi học”.

Quyết tâm ra Hà Nội học nhưng không có tiền trọ trong khu vực nội thành nên Ánh đã ở tại khu ký túc xá của một trường trung cấp ở xã Đông Ngạc (huyện Từ Liêm, Hà Nội) với giá thuê 160.000 đồng/tháng. Hằng ngày, Ánh phải đi 3 chặng xe buýt mới tới được trường. Những hôm học cả ngày, buổi trưa Ánh thường vào thư việc đọc sách và ăn trưa bằng chiếc bánh mì.

Kể từ ngày đi học, mọi chi tiêu ăn học của Ánh đều dựa vào khoản tiền vay vốn hỗ trợ sinh viên nghèo. Với số tiền 5 triệu đồng cho một học kỳ, Ánh đóng gần 3 triệu tiền học phí, số tiền còn lại, em chắt bóp chi tiêu trong suốt 6 tháng của học kỳ đó.

Nhiều lần hết tiền, phải ăn cơm với nước mắm nhưng Ánh không dám gọi điện về xin mẹ, bởi em biết, mẹ ở nhà cũng khó khăn thế nào. Đã có nhiều lần Ánh có ý định bỏ học nhưng nghĩ tới sự hy sinh của me dành cho mình, em lại cố gắng tới trường.

Kể về cuộc sống hiện tại, Ánh cho biết: “Vì ở ký túc khá ồn ào nên em thường học bài sau khi mọi người đã ngủ hết. Ở đây, em cũng có rất ít bạn bè, bởi nhiều khi vì hoàn cảnh và cách sống khác nhau nên em khó hòa nhập cùng với các bạn”.

Không có tiền để về quê như các bạn khác, mỗi một năm học, Ánh chỉ về nhà vào hai dịp Tết và hè. Tuy nhiên, những đợt nghỉ hè đó, em chỉ ở nhà 1 tuần rồi lại ra Hà Nội tìm việc làm thêm để đóng tiền học phí cho kỳ học tiếp theo. Ánh không quản ngại làm những công việc như rửa bát ở quán ăn, hay chạy bàn ở quán cà phê. Có lần, thông qua sự giới thiệu của một người bạn, Ánh đã nhận làm giúp việc cho một gia đình trên phố cổ. Hàng ngày, sau những giờ học trên lớp, Ánh vội vàng bắt xe buýt đến nhà chủ để dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo và trông nom một em bé 4 tháng tuổi...

Chỉ còn hơn 1 năm nữa là cô sinh viên nghèo tốt nghiệp đại học, nhưng con đường phía trước của Ánh còn rất nhiều chông gai. Hiện tại, Ánh mong muốn học xong sẽ tìm được việc làm để giúp mẹ trả khoản nợ lớn của gia đình.

Nhữ Trang