Bạn đọc viết:

Tuổi trẻ cần nỗ lực tìm kiếm chỗ đứng trong xã hội

(Dân trí) - Tuổi trẻ thì cần phải phấn đấu và tìm kiếm cơ hội, đừng vội nhụt chí nản lòng chỉ vì mình không phải "con ông cháu cha", dù bạn chỉ bán hàng ăn, chạy chợ mà cố gắng bám trụ, tìm tòi thì bạn đều có thu nhập xứng đáng và không ai dám xem thường bạn.

Nếu nhìn vào thực tế cuộc sống, một số người học hành làng nhàng thậm chí "siêu dốt" vẫn đang nắm giữ những vị trí mơ ước trong xã hội thì chúng ta sẽ chỉ thấy thực sự bi quan, nhụt ý chí phấn đấu và cố gắng. Đúng là con số cử nhân, kĩ sư, thạc sĩ thất nghiệp ngày càng nhiều khiến ai cũng hoang mang và tự đặt ra câu hỏi "Liệu học đại học có ích gì không hay chỉ là mang bằng về cất tủ?".

Tôi nghĩ rằng chúng ta không nên bi quan chán nản theo kiểu dù mình có cố gắng hết sức cũng không bằng bạn A, bạn B có bố mẹ "chống lưng, trải thảm". Nạn chạy bằng cấp không phải bây giờ mới có, từ thời phong kiến, cụ Nguyễn Khuyến đã viết bài thơ "Vịnh tiến sĩ giấy" để thể hiện sự chua xót và bất bình trước cảnh bằng cấp giả dối.

Bạn bè của tôi có những bạn sống nghị lực và cố gắng vươn lên trong học tập đã đạt được ước mơ làm giảng viên, bác sĩ, giáo viên, kĩ sư theo con đường thẳng chứ không phải chạy chọt, hối lộ. Gia đình các bạn này đều thuần nông hoặc bố mẹ đi làm nhưng lương ba cọc ba đồng nên công việc toàn do các bạn tự tìm kiếm, nộp hồ sơ xin việc.

Tôi có một người bạn kiên trì theo đuổi hoài bão dù gặp không ít trở ngại, lận đận. Bạn thi đỗ công chức giáo viên cấp 3 và được về dạy học tại trường điểm của huyện nhà. Ngày đó lương giáo viên quá thấp, bạn phải lo kinh tế cho gia đình nên bạn bỏ ngang ra Hà Nội kiếm việc khác. Mất mấy năm ở Hà Nội làm ngân hàng, lương bổng có cao hơn lương giáo viên nhưng bạn không thấy thích thú gì về mảng tài chính. Vậy là bạn quay về xin dạy hợp đồng tại trường cũ, chờ đợt thi công chức sau. Bạn dạy giỏi có tiếng nên mở lớp ôn thi đại học tại nhà có khá đông học sinh theo học.

Tôi có cô bạn học cùng cấp 2, bạn học kế toán ở một trường đại học không mấy tên tuổi nhưng quyết tâm học hành bài bản nên tốt nghiệp loại giỏi, ra trường bạn tự đi nộp hồ sơ, xin việc và chuyển việc ở mấy công ty để tìm kiếm cơ hội học hỏi kinh nghiệm. Sau này khi bạn lập gia đình và về làm việc tại công ty gần nhà, bạn làm nhân viên phòng kế toán và làm việc không biết mệt mỏi. Chính nhờ sự cố gắng hết mình trong công việc mà cô bạn tôi được ban giám đốc "để mắt" cất nhắc lên làm kế toán trưởng.

Mỗi dịp tuyển sinh đại học có không ít câu chuyện râm ran mà thiên hạ thường đồn thổi như để lo lót cho con cái một suất vào các trường An ninh, Quân sự, nhiều gia đình phải chạy vạy hàng trăm triệu với một ý tưởng rất thực dụng "chạy cho con vào các trường này thì sau không phải lo tiền xin việc, đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn". Tôi có người bạn cùng quê, học hành giỏi giang từ bé. Bạn này thi đỗ Học viện Hậu cần với mức điểm khá cao và miệt mài suốt mấy năm, tốt nghiệp thủ khoa và được nhà trường giữ lại làm giảng viên. Gia đình bạn tôi đông anh em, bố mẹ suốt ngày tất bật kiếm sống, họ hàng không có ai làm ông nọ bà kia để nhờ vả, bạn phấn đấu tự lực và đạt được thành tích mà chúng tôi đều ngưỡng mộ.

Tôi cũng biết khá nhiều trường hợp các bạn học hành bi bét, nhờ có "cha chú", người quen nâng đỡ nên vẫn kiếm được việc ngon trong những cơ quan hành chính nhà nước. Nhưng thật không may trong những đợt tinh giảm biên chế, một số bạn vì là bằng tại chức nên bị loại thẳng hoặc chuyển xuống làm những việc nhẹ nhàng lương đủ ăn. Họ không còn vênh vang khoác lác với mọi người được nữa.

Tuổi trẻ thì cần phải phấn đấu và tìm kiếm cơ hội, đừng vội nhụt chí nản lòng chỉ vì mình không phải "con ông cháu cha", dù bạn chỉ bán hàng ăn, chạy chợ mà cố gắng bám trụ, tìm tòi thì bạn đều có thu nhập xứng đáng và không ai dám xem thường bạn.

Mỹ Đức

(Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!