Tướng Chung kể “bài học đắt giá” về giáo dục

"Vợ chồng tôi phải thuê người để dạy con viết lại chữ suốt 7 năm trời. Sau này, con tôi mới viết chữ bình thường", Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung - Giám đốc Công an TP Hà Nội, kể bài học đắt giá mà con ông đã gặp phải.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung - Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội
Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung - Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội.

Vấn đề đổi mới chương trình sách giao khoa phổ thông từng gây ốn ào với con số mấy trăm tỷ đồng tại diễn đàn Quốc hội. Cũng dễ hiểu, dư luận luôn quan tâm đến công tác giáo dục, mong muốn tạo ra luồng gió mới thực sự thúc đẩy sự nghiệp “Vì mục đích trăm năm trồng người”. 

Thảo luận tại Quốc hội mới đây, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung - Giám đốc Công an TP Hà Nội (ĐB Hà Nội) kể lại bài học đắt giá mà con ông đã gặp phải: "Con tôi sinh năm 1995. Năm 2001, cháu bắt đầu đi học. Vào thời điểm đó, chúng ta bắt đầu đổi mới sách giáo khoa và đổi chữ viết không có chân. Nhưng được 3 năm sau, lại thôi dùng chữ viết không chân. Thế là hai vợ chồng tôi phải thuê người dạy cháu viết lại chữ trong suốt 7 năm trời. Sau này con tôi mới viết chữ bình thường, chứ không thì viết chữ cứ bỏ mất chân".

Từ đó, tướng Chung nhấn mạnh: “Đổi mới giáo dục phải có tính toán cẩn thận, nếu không chúng ta sẽ phải trả giá rất đắt, mà có khi làm hỏng cả một thế hệ”.

Theo tướng Chung, phải tránh tình trạng như thời gian vừa qua sách giáo dục rất nhiều, học thêm, dạy thêm tràn lan.

"Sách nhiều như thế, nhưng có nghịch lý là con em đồng bào miền núi vì không có tiền nên vẫn không có sách. Vấn đề đặt ra là phải xây dựng được một chương trình chuẩn cho tất cả các vùng miền.

Ngày xưa chúng tôi cũng như các đồng chí đi học, cứ lớp sau mượn sách giáo khoa của lớp trước để học, nhưng các vùng miền thì đều rất chuẩn. Bây giờ có nhiều chương trình quá, nhiều sách quá, nhưng tôi sợ rằng không khéo sẽ đến lúc loạn chữ.

Cho nên chúng ta cần có một chương trình liên thông, đạt chuẩn giữa các vùng miền. Trước mắt khi tiến hành xây dựng đề án đổi mới sách giáo khoa, cần tham khảo ý kiến của các nhà khoa học trong và ngoài nước, các tổ chức xây dựng chương trình quốc tế, xem cách làm của họ thế nào, để phục vụ cho thế hệ trẻ; nếu không sẽ có những thứ phải trả giá rất đắt.

Trong khi chúng ta cứ loay hoay đổi mới cách học, đổi mới sách giáo khoa thì các nước họ đã có bộ tiêu chuẩn từ lâu. Ngay tại Hà Nội có một số trường quốc tế dành cho con của các cán bộ làm ở các đại sứ quán. Dù phải di chuyển nhiều nơi, nhưng người ta đều đưa con đến trường đó học, vì những trường này đều đã có một cái chuẩn chung”, tướng Chung nêu ví dụ.

Tướng Chung cũng đề xuất 7 nội dung cần quan tâm khi đổi mới sách giáo khoa: Thứ nhất, chương trình đảm bảo tính liên tục từ tiểu học đến trung học cơ sở, phổ thông trung học, đảm bảo phù hợp từng năm, từng độ tuổi, phù hợp với trí tuệ.

Thứ hai là đảm bảo tri thức, kiến thức cơ bản. Thứ ba, đảm bảo rèn luyện cho học sinh về mặt đạo đức, giữ gìn được đạo đức truyền thống dân tộc.

Thứ tư, đảm bảo cho quá trình rèn luyện về mặt sức khỏe. Thứ năm, học sinh phải hiểu biết về văn hóa dân tộc. Thứ sáu, trong xu thế hội nhập, mỗi học sinh phải vững vàng ít nhất một ngoại ngữ, tiến tới khi học xong đại học phải thạo hai ngoại ngữ để phục vụ cho hội nhập quốc tế, và phải có kỹ năng tin học để bổ sung kỹ năng sống, kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế.

Cuối cùng, tướng Chung nhấn mạnh, cần phải dành sự ưu tiên cho học sinh kể từ tiểu học có nhiều thời gian ngoại khóa. Qua đó, học sinh sẽ có so sánh giữa lý luận với thực tiễn, tự rút ra những bài học bổ ích cho mình, từ đó phát huy tốt hơn trí tuệ cá nhân.

Theo Nguyễn Tuấn
Tiền Phong