Tưởng nhớ nhà toán học - kẻ sĩ Bùi Trọng Liễu

(Dân trí) - Cái tin đột ngột về sự qua đời của GS Bùi Trọng Liễu, một nhà toán học người Việt nổi tiếng ở Paris, khiến tôi không khỏi bàng hoàng, dù vẫn biết rằng ông đau ốm đã lâu...


Tưởng nhớ nhà toán học - kẻ sĩ Bùi Trọng Liễu - 1

GS Bùi Trọng Liễu (bên phải) chụp ảnh lưu niệm với tác giả tại nhà riêng của ông ở Paris mùa hè 1998.


 

Ông sinh ngày 28/9/1934, năm Giáp Tuất, nếu tính theo “tuổi tây” thì nay mới 76, chưa phải là “đại lão”. Ông vội ra đi  khiến tôi luyến tiếc bùi ngùi. Giá như ông sống lâu hơn ít nữa để còn góp thêm nhiều ý kiến tâm huyết xây dựng nền giáo dục và khoa học nước nhà!

 

GS Bùi Trọng Liễu xuất thân trong một gia đình trí thức, quê ở làng Nhuận Ốc, phủ Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Bố ông là cụ Bùi Văn Thiệp, một nhà “tân học”, từng học qua Trường Bưởi, rồi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Pháp chính Hà Nội, ra làm quan đến chức Tuần phủ (quan đầu tỉnh) Thái Nguyên, rồi Tuần phủ Phúc Yên trước Cách mạng Tháng Tám.

 

Thuở nhỏ, bên cạnh việc học tiếng Pháp, cậu bé Liễu còn được học  chữ Hán đến mức dần dà đọc hiểu bộ tiểu thuyết trường thiên Trung Hoa cổ điển Tam Quốc chí diễn nghĩa! Chính vì vậy, sau này, qua các bài viết của nhà trí thức “Tây học” Bùi Trọng Liễu ở Paris, ta thấy thấp thoáng đó đây những điển cố trong cổ văn, cổ sử Trung Quốc, Việt Nam.

 

Theo gia đình sang Pháp từ năm 1950, khi mới 15 tuổi, hơn 4 phần 5 cuộc đời sống nơi đất khách quê người, thế mà ông vẫn sành tiếng Việt, không chỉ trong lời ăn tiếng nói ngày thường, mà cả trong văn chương nghị luận, tranh biện hay trần thuật, hồi ký, tuỷ bút, tiểu phẩm. Chính vì vậy, ông mới có thể viết cả một cuốn sách dày dặn về Chuyện gia đình và ngoài đời được Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành, với lời giới thiệu của GS, VS Nguyễn Văn Đạo, Giám đốc nhà trường.

 

Nhờ tư chất thông minh bẩm sinh và ý chí kiên trì học tập, ông đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ quốc gia về khoa học toán học năm 28 tuổi. Sau đó, ông được bổ nhiệm làm giáo sư Đại học Lille (1963-1969), rồi giáo sư Đại học René Descartes (Paris 5) từ năm 1969 cho đến khi về hưu. Ông là một trong số rất ít người Việt sớm được công nhận chức danh giáo sư đại học ngành toán ở Pháp nói riêng, cũng như ở phương Tây nói chung.

 

Năm ông được bổ nhiệm làm giáo sư thực thụ giảng đài (professeur titulaire de chaire) Đại học Paris 5 thuộc hệ thống Sorbonne thì những thủ tục long trọng vẫn còn thịnh hành ở đấy. Chẳng hạn, khi một vị giáo sư thực thụ như ông đến đọc bài giảng ở một giảng đường bậc thang, thì các phó giáo sư, trợ lý đều phải có mặt tại đấy. Một appariteur (người trực cửa) đi trước thông báo cho đám sinh viên biết để họ nhất tề đứng dậy chào thầy, và khi bài giảng vừa kết thúc thì sinh viên đồng loạt vỗ tay tán thưởng hồi lâu... Những thủ tục như thế ngày nay không còn thấy nữa.

 

Để hiểu tấm lòng hướng vể đất nước, ta có thể đọc một đoạn hồi ký của GS Bùi Trọng Liễu viết về GS Tạ Quang Bửu:

 

“Vào khoảng năm đầu thập niên 1960, cái thời xa xăm ấy, lúc mà tâm trí đông đảo bà con Việt kiều hầu như còn dồn cả vào tình hình chính trị miền Nam, và chỉ lẻ tẻ vài cá nhân tự nguyện gửi sách báo, dụng cụ khoa học về một vài cơ sở ở miền bắc, bỗng một bữa tôi nhận được một cuốn từ điển khoa học in trong nước do anh Tạ Quang Bửu gửi tặng. Sự việc thật đơn giản này gợi cho tôi câu hỏi: Đây là đường lối “chiêu hiền đãi sĩ” của cách mạng Việt Nam mà anh là một trong những người góp phần vạch ra và thực hiện, hay là một dấu hiệu trong nước không từ chối sự đóng góp “tri thức” của kiều bào nước ngoài? Chắc là cả hai. Quan hệ giữa tôi và anh bắt đầu từ ngày đó... Rồi chiến tranh lan rộng ra miền bắc...

 

Mùa xuân 1969, điều tôi mong mỏi chờ đợi đã đến. Anh T., vị tham tán văn hoá đầu tiên tại Cơ quan Tổng Đaị diện nước ta tại Pháp tới Paris, mang theo lời gợi ý của anh Bửu mời tôi về nước làm việc một tháng, thí điểm cho việc Việt kiều về công tác ngắn hạn (nhưng hè 1970, tôi mới sắp xếp về nước được). Gặp anh, tôi cảm thấy mình cùng trên một “làn sóng” với anh: “Thể xác không cần liên tục tại chỗ - anh nói - vẫn có thể đóng góp được. Một tập thể những Việt kiều có chuyên môn cao, có nghề nghiệp vững chắc, có địa vị xã hội ổn định, là một cửa sổ của ta mở sang phía các nước phương Tây...”.

 

Nhà trí thức Việt kiều tiêu biểu ấy đã hướng về đất nước do “sức hút” của bậc “đại sĩ phu hiện đại” Tạ Quang Bửu.

 

Trong những năm giữ chức Tổng Biên tập tạp chí Tổ Quốc, rồi phụ trách báo Nhân Dân Cuối Tuần, mỗi khi nhận được bản thảo các bài báo của GS Bùi Trọng Liễu từ Paris gửi về toà soạn tại Hà Nội, tôi luôn trân trọng đưa in ngay.

 

Năm 1998, sau khi kết thúc Gặp gỡ Blois về vật lý thiên văn ở miền trung nước Pháp, trở về Paris, tôi liền ghé thăm GS Bùi Trọng Liễu, và được ông mời dự bữa cơm chiều thân mật tại nhà riêng, cùng GS Nguyễn Đình Trí, lúc bấy giờ là Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam. Nhờ vậy, tôi mới biết cả nhà GS Liễu đều làm khoa học. Vợ ông là bà Colette, người Pháp, đỗ tiến sĩ quốc gia về toán học, phó giáo sư Đại học Paris 4. Con trai đầu là Bùi Khảo Mạc, tiến sĩ tin học năm 24 tuổi, giáo sư Đại học Compiègne năm 30 tuổi. Con trai thứ hai là Bùi A Lanh, đỗ tiến sĩ tin học năm 25 tuổi, phó giáo sư Đại học Picardie (Amiens) năm 26 tuổi. Cả hai anh Khảo Mạc và A Lanh đều nói được tiếng Việt và đã nhiều lần về Việt Nam giảng dạy hay hợp tác nghiên cứu khoa học. Trong bữa cơm chiều hôm ấy, tôi còn rất ngạc nhiên khi thấy bà Colette nấu các món ăn khá hợp khẩu vị chúng tôi, những người khách vừa từ Hà Nội sang.

 

Cuối cùng, cũng cần nói thêm, GS Bùi Trọng Liễu không phải là người chỉ... “chuyên góp ý kiến, gửi kiến nghị”! Ngay từ năm 1988, khi công cuộc Đổi Mới vừa bắt đầu, ông đã đứng ra sáng lập Trường Đại học Thăng Long tại Hà Nội, trường đại học dân lập đầu tiên ở nước ta, không xin tài trợ của Nhà nước, về giảng dạy và quản lý theo quan niệm mới, phù hợp với yêu cầu bức thiết của xã hội và tình hình quốc tế đang nhanh chóng đổi thay. Trường đã tồn tại hơn hai thập niên, do GS Hoàng Xuân Sính làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị, GS Huỳnh Mùi làm Hiệu trưởng. Trong những ngày đầu, khi lửa mới nhen, vợ chồng GS Liễu phải dành một phần tiền lương của mình ở Pháp để gửi về nước, giúp trường trang trải các chi phí...

 

Nhà báo Hàm Châu