Cà Mau:

Tuyển chọn sinh viên giỏi gửi đi học nước ngoài: Không có nguồn tuyển!

(Dân trí) - UBND tỉnh Cà Mau cho biết, Đề án đào tạo nguồn nhân lực có trình độ sau Đại học ở nước ngoài còn ít số lượng sinh viên tốt nghiệp Đại học loại xuất sắc và giỏi. Hầu hết là tốt nghiệp loại khá và ngành nghề đào tạo phân bổ không đều nên việc xét tuyển gặp khó khăn.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, từ tháng 2/2007 đến ngày 15/12/2015 đã xét duyệt 12 đợt, công nhận 159 lượt ứng viên đủ điều kiện tham gia Đề án đào tạo nguồn nhân lực có trình độ sau đại học ở nước ngoài bằng ngân sách địa phương (gọi là Đề án MêKông 120); có 41 ứng viên không xúc tiến được.

Đến cuối năm 2016, tỉnh đã xúc tiến hồ sơ đi học nước ngoài cho 116 ứng viên, trong đó có 21 ứng viên đào tạo chương trình Tiến sĩ và 95 ứng viên đào tạo chương trình Thạc sĩ.

Tính đến nay đã có 56 ứng viên tốt nghiệp về nước (4 Tiến sĩ và 52 Thạc sĩ), đã bố trí việc làm cho 47 ứng viên. Trong đó có 1 ứng viên xin chuyển công tác ra ngoài tỉnh và 1 ứng viên xin chuyển sang Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau; 2 ứng viên xin tạm ngưng công tác vì lý do sức khỏe, hoàn cảnh gia đình; 1 ứng viên tự ý bỏ việc; 6 ứng viên xin chuyển tiếp nghiên cứu sinh và 3 ứng viên đang chờ phân công công tác.

Đến nay tỉnh Cà Mau đã chi trả kinh phí cho Đề án MêKông 120 là khoảng 90 tỷ đồng, với 116 ứng viên đã được xúc tiến đi học (tính trung bình 1,2 tỷ đồng/ứng viên).

Cà Mau còn ít sinh viên tốt nghiệp Đại học loại xuất sắc và giỏi đăng ký tham gia Đề án đào tạo nguồn nhân lực sau Đại học ở nước ngoài. (Ảnh minh họa)
Cà Mau còn ít sinh viên tốt nghiệp Đại học loại xuất sắc và giỏi đăng ký tham gia Đề án đào tạo nguồn nhân lực sau Đại học ở nước ngoài. (Ảnh minh họa)

UBND tỉnh Cà Mau cho biết, qua đánh giá chung, thông qua việc thực hiện Đề án MêKông 120 đã và đang khẳng định chủ trương, chính sách của tỉnh về việc trọng dụng, sử dụng cán bộ trẻ, có trình độ, năng lực là đúng đắn.

Qua đó, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức và sinh viên tích cực học tập nâng cao trình độ, rèn luyện phẩm chất đạo đức, phục vụ quê hương đất nước. Các ứng viên được đào tạo tại các nước có nền giáo dục tiên tiến như Anh, Úc, Bỉ, Hà Lan, Thụy Điển, Nhật, Singapore, Pháp, Trung Quốc, Na Uy, Canada,… nên đúc kết được nhiều kinh nghiệm, ứng dụng thành tựu của nhiều nước vào thực tiễn công tác.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, nhìn chung việc thực hiện Đề án MêKông 120 trong thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, Đề án này vẫn còn gặp một số khó khăn, hạn chế như mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ưu tiên là cán bộ, công chức, viên chức, tuy nhiên đối tượng này lại chiếm tỷ lệ rất ít, chỉ 26/158 ứng viên (chiếm 16,45%) và thực học là 23/116 ứng viên (chiếm chỉ hơn 19%). Nguyên nhân số lượng đối tượng này ít được tỉnh Cà Mau nhìn nhận là do hạn chế về trình độ ngoại ngữ.

Bên cạnh đó, số lượng ứng viên đăng ký tham gia xét tuyển không nhiều, số sinh viên tốt nghiệp Đại học loại xuất sắc và giỏi còn ít (chiếm khoảng 20% trong tổng số ứng viên). Hầu hết các ứng viên tham gia Đề án đều tốt nghiệp Đại học loại khá và ngành nghề đào tạo phân bổ không đều nên việc xét tuyển gặp khó khăn.

Một bất cập nữa mà UBND tỉnh Cà Mau thẳng thắn nhìn nhận là khi xây dựng Đề án chưa gắn kết giữa việc đưa đi đào tạo với nhu cầu sử dụng sau khi đào tạo, nên có một số ứng viên khi hoàn thành khóa học về nước rất khó phân công, bố trí việc làm. Trong khi đó, công tác phối hợp để xác định nhu cầu đào tạo và tiếp nhận ứng viên chưa chặt chẽ, nên cơ quan, đơn vị không xác định biên chế dự phòng cho đối tượng này, dẫn đến đã bố trí việc làm cho các ứng viên nhưng chưa tuyển dụng vào biên chế được.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, trước những hạn chế trên, tỉnh sẽ tiếp tục xem xét, đánh giá một cách toàn diện và trên cơ sở đó sẽ đề xuất thực hiện nhiều phương án có hiệu quả trong việc thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và cán bộ khoa học trẻ cho địa phương.

H.H