Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu:

Tuyên dương 123 gia đình, dòng họ hiếu học tiêu biểu năm 2013

(Dân trí) - Ngày 4/7, Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu tổ chức Đại hội "Tuyên dương các gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học" tiêu biểu lần II năm 2013.

Tham dự Đại hội có ông Phạm Thanh Phong- Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng các Sở, Ban ngành và 123 gia đình, dòng họ tiêu biểu đại diện cho hơn 11.750 gia đình hiếu học (GĐHH), dòng họ hiếu học (DHHH) của tỉnh Bạc Liêu.

Quang cảnh Đại hội GĐHH, DHHH tỉnh Bạc Liêu năm 2013.
Quang cảnh Đại hội GĐHH, DHHH tỉnh Bạc Liêu năm 2013.

GĐHH, DHHH tăng nhanh qua các năm

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Kiên Nhẫn - Ủy viên BCH Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu- cho biết, cuộc vận động xây dựng GĐHH, DHHH đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, cổ vũ; các cấp Hội Khuyến học tỉnh đã tích cực triển khai cuộc vận động tới từng cơ sở. “Do nội dung cuộc vận động phù hợp với tình cảm và ý nguyện của mọi nhà nên cuộc vận động xây dựng GĐHH, DHHH đã và đang được các gia đình toàn tỉnh hoan nghênh và hưởng ứng”, ông Nhẫn nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu, vào năm 2008 toàn tỉnh chỉ có 4.200 GĐHH, 30 DHHH thì đến nay đã có 11.500 GĐHH, 251 DHHH, 23 CĐKH (tăng 7.300 gia đình, 221 dòng họ và 23 CĐKH). Một số địa phương có số lượng GĐHH, DHHH nhiều như: huyện Hòa Bình (2.942 GĐHH, 72 DHHH), huyện Phước Long (2.361 GĐHH, 48 DHHH), huyện Giá Rai (1.676 GĐHH, 60 DHHH), huyện Đông Hải (1.652 GĐHH)…Cũng theo Hội Khuyến học tỉnh, hiện toàn tỉnh có 1.374 chi hội, 76.396 hội viên (đạt tỷ lệ 8,6% dân số trong tỉnh), tăng 484 chi hội và 38.896 hội viên so với năm 2008.

Bà Nguyễn Thị Quế Phượng - phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu khẳng định, từ con số trên cho thấy, phong trào xây dựng GĐHH của tỉnh Bạc Liêu đã đi vào chiều sâu và phạm vi ảnh hưởng của nó đến chất lượng cuộc sống ở địa bàn dân cư đã có nhiều tác dụng rõ nét. Do hoạt động tích cực của các GĐHH nên tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học cũng giảm đáng kể; sự quan tâm của các gia đình đến việc học tập của con cháu đã được chú ý sát sao hơn, chất lượng giáo dục văn hóa và đạo đức cũng được nâng cao; các thành viên trong gia đình có kế hoạch tự học hoặc tham gia học tập ở các TTHTCĐ hoặc đọc sách, báo, xem đài nhằm nâng cao kiến thức, trình độ kỹ năng trên nhiều lĩnh vực. "Việc tự học cho mình và cho con cháu noi theo đã tạo nên không khí cả nhà học tập, người người học tập, nhà nhà học tập", bà Phượng nêu rõ.

Quang cảnh Đại hội GĐHH, DHHH tỉnh Bạc Liêu năm 2013.
Những gia đình nghèo nhưng nuôi con ăn học thành đạt góp phần xây dựng GĐHH, DHHH tiêu biểu của tỉnh Bạc Liêu.

Tham dự Đại hội lần này là những GĐHH với cuộc sống rất nghèo khó nhưng vẫn quyết tâm vượt lên hoàn cảnh, tạo điều kiện cho con cháu học hành thành đạt. Đó là hoàn cảnh của gia đình ông Lê Mãnh Liệt làm nghề vá xe, đưa đò có 4 người con, đã nuôi 3 người vào ĐH; gia đình ông Trần Xuân Đức có 7 người con thì đã có 6 người là bác sĩ; hay gia đình ông Nguyễn Minh Lý có 4 người con ruột, 5 người con nuôi phải sống trong cảnh thiếu thốn, ở nhờ suốt 24 năm và thay đổi chỗ ở 16 lần nhưng ông đã cưu mang đùm bọc 5 đứa trẻ mồ côi, khuyết tật vượt qua khó khăn để cho các con được đến trường, đến nay có 2 người tốt nghiệp đại học, 3 người tốt nghiệp Cao đẳng, 3 người tốt nghiệp THPT, 1 người có bằng cấp II chữ Braille- chữ nổi cho người khuyết tật…

Bên cạnh đó, nhiều GĐHH đã góp phần xây dựng DHHH có bề dày truyền thống như gia đình ông nông dân Nguyễn Công Trứ có 20 người thì có 15 người có việc làm ổn định; dòng học Hoàng Đăng tự thành lập Chi hội khuyến học, giáo dục con cháu vươn lên học tập thành đạt, đến nay có 17 người tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng, 10 cháu đạt học sinh giỏi và 3 cháu đạt danh hiêu học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh…

Bà Nguyễn Thị Quế Phượng chia sẻ, điều đáng quý là phong trào xây dựng GĐHH không chỉ tập trung đầu tư cho con em học tập và rèn luyện để thành đạt mà còn tạo điều kiện cho mọi người lớn trong gia đình cũng được học tập, học liên tục, học không ngừng, vừa làm gương cho thế hệ trẻ, vừa nâng cao kiến thức, nâng cao tay nghề cho bản thân góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Cùng với việc tổ chức vận động xây dựng phong trào GĐHH, DHHH, Hội Khuyến học các cấp tỉnh Bạc Liệu cũng tích cực vận động xây dựng Quỹ Khuyến học và tăng cường đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục để có điều kiện chăm lo giúp những hoàn cảnh khó khăn. Tính từ năm 2008 đến nay, các cấp Hội đã vận động Quỹ Khuyến học và xã hội hóa giáo dục trên 33 tỷ đồng, trong đó vận động Quỹ Khuyến học trên 11,2 tỷ đồng, vận động xã hội hóa trên 22 tỷ đồng. Hội đã cấp học bổng cho hơn 10.000 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ giáo viên khó khăn an tâm dạy tốt.

Với những việc đã làm được trong thời gian qua, Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu vinh dự được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng 2 cờ thi đua xuất sắc cho 2 đơn vị, 116 kỷ niệm chương, 86 bằng khen cho tập thể và cá nhân, 21 bằng khen cho GĐHH, DHHH tiêu biểu và nhiều bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh và các cấp. Đặc biệt, đơn vị Hội Khuyến học huyện Hồng Dân được nhận giải thưởng Khuyến học Việt Nam.

Quang cảnh Đại hội GĐHH, DHHH tỉnh Bạc Liêu năm 2013.
Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu nhận cờ thi đua xuất sắc giai đoạn 2008- 2012 của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam trao tặng.

Quan tâm hơn nữa gia đình có ý chí vươn lên học tập

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu, bên cạnh những mặt đã làm được, phong trào xây dựng GĐHH, DHHH vẫn còn những mặt hạn chế như phong trào này ở một số địa phương chưa phát huy hết vai trò, tiềm năng của cộng đồng dân cư; công tác tuyên truyền xây dựng GĐHH, DHHH chưa được thường xuyên, liên tục dẫn đến tỷ lệ gia đình, DHHH ở một số địa phương còn thấp; một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác khuyến học, khuyến tài, chưa tạo điều kiện về mọi mặt để các Hội cơ sở hoạt động từ đó hiệu quả chưa đạt theo mong muốn.

Bà Nguyễn Thị Quế Phượng cho biết, một trong những khó khăn hiện nay là những người làm công tác khuyến học chủ yếu là kiêm nhiệm dẫn đến không có nhiều thời gian cho công tác khuyến học. Ngoài ra, chế độ, chính sách ở một số nơi chưa được giải quyết, trong khi cơ sở vật chất, phương tiện làm việc còn thiếu thốn nên người làm công tác này không có nhiều điều kiện đi cơ sở kiểm tra, đôn đốc, uốn nắn kịp thời. Mặt khác, cũng theo bà Phượng, một số cán bộ là lãnh đạo Hội thiếu nhạy bén trong việc liên kết, phối hợp lồng ghép nội dung công tác khuyến học mà nhất là việc xây dựng GĐHH, DHHH với nhiệm vụ chính trị ở địa phương; chưa tích cực làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác khuyến học, khuyến tài, từ đó làm phong trào chậm phát triển.

Trong giai đoạn tới, lãnh đạo Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu cho biết, mục tiêu phấn đấu đến 2015 toàn tỉnh có 50% hộ gia đình được công nhận đạt chuẩn GĐHH, 10% DHHH so với số hộ trong toàn tỉnh. Hội sẽ phối hợp chặt chẻ với ngành giáo dục cùng các tổ chức đoàn thể phát huy vai trò khuyến học hơn nữa. Trong đó, coi trọng việc giáo dục gia đình, đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng GĐHH, DHHH, CĐKH góp phần xây dựng xã hội học tập. Quan tâm các đối tượng là gia đình dân tộc ít người, gia đình tôn giáo, lao động nghèo có ý chí vươn lên thoát nghèo bằng con đường học tập.

Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Phạm Thanh Phong phát biểu chỉ đạo tai đại hội.
Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Phạm Thanh Phong phát biểu chỉ đạo tai đại hội.

Phát biểu chỉ đạo tại đại hội, ông Phạm Thanh Phong - phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam- đã nhiệt liệt biểu dương những việc làm được của Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu trong thời gian qua trong công tác xây dựng GĐHH, DHHH. “Toàn tỉnh với hơn 11.700 GĐHH, DHHH mà tiêu biểu là 123 gia đình, dòng họ được tuyên dương trong đại hội này, đây là những tấm gương sáng, xuất sắc nhất của Hội khuyến học tỉnh nhà”, ông Phong nhấn mạnh.

Để phong trào xây dựng GĐHH, DHHH phát triển thêm, ông Phạm Thanh Phong đề nghị Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền xây dựng GĐHH, DHHH đến từng gia đình; đề nghị các cấp Hội tích cực phát triển xây dựng GĐHH, DHHH bằng cách nhân rộng những mô hình tiên tiến và mong các gia đình, dòng họ hãy tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần hiếu học của mình.

Những GĐHH tiêu biểu được tuyên dương. (Ảnh: Huỳnh Hải)
Những GĐHH tiêu biểu được tuyên dương. (Ảnh: Huỳnh Hải)

Cũng tại đại hội, Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu vinh dự nhận cờ thi đua xuất sắc của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam trao tặng; 16 GĐHH, 5 DHHH được Trung ương Hội tặng Bằng khen; 24 GĐHH, 12 DHHH được UBND tỉnh tặng Bằng khen và 61 GĐHH, 5 DHHH được nhận Giấy khen của Hội Khuyến học tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng GĐHH, DHHH trong giai đoạn 2008- 2013.

Ngoài ra, đại hội cũng bầu 4 GĐHH và 1 DHHH đại diện cho các gia đình, dòng họ hiếu học của tỉnh Bạc Liêu đi dự đại hội GĐHH, DHHH cấp toàn quốc vào cuối năm 2013.

                           Huỳnh Hải