Hải Phòng:

Tuyên dương cậu học trò để lại lời xin lỗi gây sốt cộng đồng mạng

(Dân trí) - Cuộc gặp gỡ giữa cậu trò nhỏ lỡ làm vỡ gương xe ô tô và chủ xe có gương bị vỡ đã dệt lên một câu chuyện nhân văn xúc động và để lại bài học nhiều ý nghĩa về cuộc sống.

Sau sợ hãi là sự dũng cảm

Câu chuyện cậu học trò lớp 11 để lại lời xin lỗi và khẳng khái nhận trách nhiệm đền bù cho người có chiếc gương ô tô do em không may làm vỡ vẫn chưa thôi được lan truyền trên cộng đồng mạng. Tại trường THPT Trần Nguyên Hãn (TP Hải Phòng), ngôi trường nơi em theo học, hành động của em đã được vinh danh trước hàng nghìn học sinh và các thầy cô giáo.

Trước đó, vào ngày 11/11, trên đường đi học về, em Nguyễn Thế Tùng - học sinh lớp 11B1, Trường THPT Trần Nguyên Hãn, TP Hải Phòng vô tình va vào một chiếc ô tô đỗ bên đường và khiến chiếc gương bị vỡ. Với tâm lý của một học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường chưa làm ra tiền nên khi thấy mình làm vỡ đồ của người khác, em rất hoảng sợ. Nhưng lo sợ ban đầu đó cũng qua nhanh thay vào đó là suy nghĩ: “Nếu mình bỏ đi thì chủ xe sẽ phải tự bỏ tiền ra để sửa hậu quả do mình làm hỏng của họ. Em cố tình tìm kiếm chủ xe để xin được đền nhưng không thấy. Do vội về nhà để kịp đi học nên em đã lấy bút và mảnh giấy trong cặp sách ra viết lời nhắn để lại rồi dán lên xe. Khi em đạp xe đi khỏi đó, trong lòng đã không còn sợ hãi mà thấy rất thanh thản”, Tùng chia sẻ.


Lời xin lỗi gửi lại trên kính xe sau khi lỡ làm vỡ gương ô tô của Tùng gây cảm kích cho mọi người

Lời xin lỗi gửi lại trên kính xe sau khi lỡ làm vỡ gương ô tô của Tùng gây cảm kích cho mọi người

Lời xin lỗi viết vội để lại trên kính xe của người bị vỡ gương ngắn gọn có hơn 30 chữ nhưng đã gây xúc động mạnh cho cộng đồng. Nội dung lời nhắn có thông tin: “Do vô tình cháu đâm vào gương ô tô. Cháu xin lỗi. Liên hệ với cháu qua số điện thoại( 0949xxx…) để cháu đền ạ. Do cháu không biết chủ ô tô là ai”. Một lời xin lỗi nhẹ nhàng và một thái độ nhận trách nhiệm khẳng khái của cậu trò nhỏ đã bất ngờ nhận được một hành xử rất nhân văn từ chủ xe ô tô.

Sau khi ra xe nhìn thấy chiếc gương bị vỡ nhưng lại đập vào mắt ngay lời xin lỗi bên cạnh của Tùng, anh Nguyễn Hữu Chung (bác sĩ trú tại thành phố Hải Phòng, chủ chiếc xe) thay vì tức giận thì lại thấy rất vui. Anh đã gọi đó là “món quà nhỏ”. Anh Chung đã gọi điện thoại cho Tùng theo số điện thoại để lại trên tờ giấy. Tuy nhiên cuộc điện thoại đó không phải là để ra giá hay bắt đền mà là một lời khen ngợi về sự dũng cảm nhận lỗi của cậu bé.

Anh Chung đã coi lời xin lỗi của em Tùng như một món quà nhỏ.
Anh Chung đã coi lời xin lỗi của em Tùng như một món quà nhỏ.

Cuộc gặp tình cờ xúc động

Ít ai biết rằng anh Chung và cháu Tùng đều là học sinh Trường THPT Trần Nguyên Hãn, TP Hải Phòng. Một người đã rời ngôi trường này 21 năm về trước và một người rèn luyện tìm kiếm tương lai tại ngôi trường này. Trong lễ kỉ niệm 40 năm thành lập trường THPT Trần Nguyên Hãn vừa qua, anh Chung đã về lại trường, tại đây anh gặp Tùng - cậu học trò đã mang lại “ món quà nhỏ” cho anh ít ngày trước. Hai chú cháu gặp nhau trong sự xúc động. Trong niềm hân hoan, anh Chung như thấy mình bé lại bên cạnh cậu bé lớp 11 của chính ngôi trường anh đã học 21 năm về trước. Còn Tùng thì thấy mình lớn lên tự tin hơn bên cạnh người chú Chung, cựu học sinh của trường.

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng hiệu trưởng nhà trường tuyên dương hai học sinh của một ngôi trường ( ảnh Hiệu trưởng nhà trường cung cấp)
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng hiệu trưởng nhà trường tuyên dương hai học sinh của một ngôi trường ( ảnh Hiệu trưởng nhà trường cung cấp)

Việc làm của Tùng được xem như là một bông hoa đẹp dâng lên thầy cô nhân ngày hiến chương nhà giáo và cũng là dịp trường tròn 40 năm tuổi.

Chia sẻ về niềm vui bất ngờ này, thầy Nguyễn Minh Quý - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nguyên Hãn tâm sự: "Việc làm của Tùng tuy rất đơn giản nhưng lại thể hiện được tính dũng cảm nhận lỗi của em, thứ mà trong xã hội này đang trở nên hiếm. Nhưng việc làm của Chung cũng là một hành xử đẹp. Tôi tự hào về hai học trò của trường Trần Nguyên Hãn. Có nhiều lý do dẫn đến hành động đẹp của 2 thế hệ học sinh nhà trường, như giáo dục của gia đình, quá trình tự giáo dục và không thể không kể đến vai trò của giáo dục trong nhà trường. Cựu học sinh Nguyễn Hữu Chung có hoàn cảnh gia đình khá khó khăn khi bố mất sớm, mẹ làm công nhân. Tuy nhiên Chung đã nỗ lực học tập để trở thành một bác sỹ tận tâm với nghề. Người đã trải qua gian khổ nên khi chứng kiến một tư cách đẹp, Chung đã gọi thiệt hại của mình (bị vỡ gương-PV) là một món quà nhỏ. Còn em Nguyễn Thế Tùng là học sinh giỏi, ngoan ngoãn, tích cực tham gia các hoạt động của nhà trường được thầy yêu bạn mến.Tùng được nuôi dạy trong một gia đình rất nề nếp".

"Quan điểm giáo dục của nhà trường là dạy chữ phải song hành với dạy lối sống, đạo đức. Hàng tháng chúng tôi vẫn tuyên dương những tấm gương đạo đức về ứng xử về sự dũng cảm và vượt khó của học sinh trước toàn trường” , thầy Quý nói thêm.


Cuộc gặp gỡ chung ngày hội trường của bác sĩ Nguyễn Hữu Chung và em Nguyễn Thế Tùng cùng câu chuyện về chiếc gương bị gỡ đã gây xúc động cho hàng nghìn người có mặt (ảnh do Hiệu trưởng nhà trường cung cấp)

Cuộc gặp gỡ chung ngày hội trường của bác sĩ Nguyễn Hữu Chung và em Nguyễn Thế Tùng cùng câu chuyện về chiếc gương bị gỡ đã gây xúc động cho hàng nghìn người có mặt (ảnh do Hiệu trưởng nhà trường cung cấp)

Điều đặc biệt là hành động đẹp của em Nguyễn Thế Tùng, học sinh lớp 11B1 (niên khoá 2015-2018) và cựu học sinh Nguyễn Hữu Chung - lớp 12A3 (niên khoá 1992-1995) đã được Trường THPT Trần Nguyên Hãn và lãnh đạo Bộ GD-ĐT vinh danh. Tại lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập trường vừa qua, Thiếu tướng, TS. Nguyễn Thiện Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Bộ GD&ĐT đã trực tiếp mời hai “học sinh” lên khán đài tặng hoa và tuyên dương trước hàng ngàn học sinh, cựu học sinh, các thầy cô giáo và quan khách. Câu chuyện đẹp về ứng xử của chú Chung, cháu Tùng trở thành niềm tự hào, thành bài học nhân văn để cho thế hệ trẻ soi mình nhân rộng.

Thu Hằng