Chất lượng giáo dục đại học nhìn từ người thầy:

Tuyển giáo viên trẻ: con thầy ưu tiên số 1!

(Dân trí) - “Con vua thì lại làm vua. Con thầy thì cứ thi đua vào trường”, đó là hai câu tổng kết của nhiều nhà giáo có thâm niên ở các trường đại học trước câu hỏi của chúng tôi: “Thầy giáo trẻ, họ là ai?”.

Không ở nơi nào lại có quan hệ “con ông, cháu cha, họ hàng xa, họ hàng gần” nhiều như ở các trường đại học nước ta…

Bùng nhùng “dây mơ rễ má”

Ngành mới mở ra, chỉ tiêu sinh viên hàng năm tăng chóng mặt, nhu cầu tuyển dụng cán bộ giảng dạy ở các trường đại học cũng theo đó tăng cao. Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh vào vị trí giảng dạy ở các khoa, các trường lại không phải ưu tiên cho những người giỏi mà là cho những người “thân quen” của các thầy cô tại các trường đại học.

Anh M.D, nguyên sinh viên Trường đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội kể, tốt nghiệp loại ưu nên anh rất hào hứng đăng kí xin về giảng dạy tại một trường đại học ở Huế khi biết ở đây đang có 2 chỉ tiêu tuyển dụng. 2 chỉ tiêu nhưng chỉ có 3 người đăng ký hồ sơ, và anh tin chắc rằng mình sẽ đỗ bởi kết quả tốt nghiệp cao hơn hẳn 2 người kia. Vậy nhưng, khi thông báo kết quả, anh rất ngạc nhiên khi biết mình bị loại, cho dù đợt thi anh là một ứng viên được đánh giá xuất sắc nhất.

Sau này anh mới vỡ lẽ, 2 ứng viên cạnh tranh kia đều là người thân các thầy cô trong trường. “Nhất thân, nhì quen, thứ 3 mới cần đến giỏi, người ta tuyển dụng cán bộ vậy đấy”, anh M.D cười buồn.

Nhưng giờ thì anh đã xin được vào làm một công ty của nước ngoài, thu nhập khá, môi trường làm việc năng động. “Dù sao mình cũng tiếc là không được phát huy năng lực cho quê hương, mấy năm trời học hành cuối cùng đi làm thuê cho người nước ngoài cũng uổng”, anh M.D nói thêm.

Còn T.H, hiện đang là giảng viên Luật ở một trường đại học thì kể, việc được trở thành giảng viên của cô cũng là một việc khá may mắn. Tốt nghiệp loại giỏi, T.H đăng ký hồ sơ xin ở lại giảng dạy, song bạn bè khuyên đừng nộp hồ sơ vô ích vì 2 suất của khoa đã “có chân” từ trước. Dù những người kia không giỏi hơn cô, nhưng lại là con em của các thầy, một lợi thế mang tính “độc quyền” ít người có.

Quả nhiên, ngày khoa tổ chức tuyển dụng, dù có nộp hồ sơ đăng ký nhưng hội đồng tuyển dụng không hề gọi H.T đi thi mà chỉ có 2 “người nhà” của các thầy cô là được gọi đi thi. Thế là H.T đánh liều đem sự việc trên lên gặp thẳng thầy hiệu trưởng. Thật may, xem hồ sơ của H.T xong, thầy hiệu trưởng đã chấp thuận cho thêm 1 chỉ tiêu cho khoa Luật để có được cán bộ giỏi.

Hồ sơ tuyển dụng cần bằng tốt nghiệp THPT?!

Khi chúng tôi trao đổi vấn đề nhạy cảm “gốc gác” của các cán bộ trẻ ở các trường đại học, nhiều giáo viên đồng tình khẳng định một lượng lớn là con em các thầy cô trong trường. Chuyện này không chỉ xảy ra ở một trường đại học mà có ở nhiều trường đại học trong cả nước. Mối quan hệ dây mơ rễ má, lằng nhằng ở các trường đại học phổ biến đến mức nó thành chuyện “bình thường” ở mỗi kỳ tuyển dụng giảng viên.

Giáo sư Vũ Duy Giảng, nguyên giảng viên Trường đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội nêu lên một thông tin khá thú vị, khi ứng viên nộp hồ sơ đăng ký tuyển dụng, ông đề xuất thêm một điều kiện là các ứng viên phải nộp thêm bằng tốt nghiệp THPT bên cạnh bằng tốt nghiệp đại học.

“Nếu ứng viên có quá trình học THPT giỏi thì tôi tin đó là người giỏi, chứ bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi thì chưa chắc khẳng định đó là người giỏi”, GS Vũ Duy Giảng nói. Hóa ra, nói như thầy Giảng, để có bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi đối với một số con em các thầy cô trong trường không khó. Chuyện xin điểm, nâng điểm các học phần đối với con em các thầy cô dễ như trở bàn tay, và tấm bằng giỏi ấy vẫn chưa phản ánh đúng năng lực thực sự của ứng viên.

Nhận xét về đội ngũ giảng viên trẻ ở một số trường đại học, thầy Giảng cho hay, số giảng viên giỏi, có năng lực chuyên môn cũng có nhưng chỉ khoảng 30%, 70% còn lại thuộc diện trung bình. “Lẽ ra con số này phải ngược lại ở mỗi trường đại học, nhưng cứ truyền thống tuyển dụng “dây mơ, rễ má” thì đội ngũ giảng viên của chúng ta vẫn cứ thiếu và yếu như hiện nay”, thầy nói.

Lo nhất ở các trường mới, ngành mới

Theo khảo sát của chúng tôi, nhiều trường đại học đã có bề dày “thương hiệu” như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Khoa học Tự nhiên-ĐH Quốc gia Hà Nội… thì chất lượng đội ngũ giảng viên rất tốt. Đặc biệt là cách tuyển dụng giảng viên trẻ của họ cũng chặt chẽ, khác hẳn với những trường đại học có “tuổi đời” chỉ đếm trên đầu ngón tay.

TS Bùi Duy Cam, Hiệu trưởng ĐH Khoa học Tự nhiên-ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, hiện trường có 20 giáo sư, 120 phó giáo sư, 265 tiến sĩ, hơn 100 thạc sĩ. Số cử nhân chưa đầy 100 người và số này hầu hết đang được nhà trường cho đi đào tạo cao học.

“Trường chúng tôi tuyển dụng cán bộ trẻ chỉ lấy những người đã có trình độ tiến sĩ trở lên. Còn những người có bằng thạc sĩ, hoặc cử nhân thì kết quả tốt nghiệp phải đạt xuất sắc (9.0) trở lên”, TS Bùi Duy Cam khẳng định.

Trả lời vấn đề có ưu tiên nào của nhà trường cho những ứng viên là con em của cán bộ giảng dạy trong trường, thầy Cam khẳng định mọi ứng viên đều bình đẳng, chỉ có ưu tiên dành cho những người có trình độ và năng lực thực sự mà thôi. “Đến con của Chủ tịch Công đoàn trong trường của chúng tôi mà vẫn thi rớt đấy thôi”, thầy Cam nói.

Điều mà các thầy giáo lo lắng, là đối với những trường đại học còn non trẻ hoặc những ngành mới mở, việc tuyển dụng cán bộ khó lòng đạt được sự chặt chẽ cần thiết. Những sinh viên giỏi, có học vị cao thì không mặn mà ở lại trường vì thu nhập quá thấp. Do nhu cầu cán bộ trẻ quá bức thiết, nên buộc các trường phải lấy đầu vào thấp hơn so với mong muốn. Nhu cầu tuyển dụng nhiều, lượng ứng viên có chất lượng, trình độ đăng ký dự thi ít, nên những mối quan hệ “dây mơ, rễ má” ở các trường này cũng có cơ hội phát triển hơn hẳn các trường có bề dày truyền thống.

Tình cờ, tôi gặp một giảng viên Trường đại học Nông lâm Huế đưa con ra Hà Nội thi đại học. Ông bảo cho con ra học để nó được học đúng chuyên môn, chuyên ngành nó thích, và hơn cả là nó không phải dẫm chân theo bố về trường để rồi mang tiếng về sau. “Tôi lo lắm, thế hệ những thầy giáo có chuyên môn ở khoa tôi hai, ba năm nữa đồng loạt về hưu. Mà thế hệ trẻ xem ra vẫn không cáng đáng nổi. Chúng chỉ xem đi dạy để kiếm cơm, quan niệm thế làm sao mà giỏi được”, ông giáo buồn bã tâm sự.

Sông Lam