Tuyển sinh 2006: Ngành nào hấp dẫn thí sinh?

Cái thời "nhất y, nhì dược..." dường như đã đi qua. Một xu hướng chọn ngành thi tuyển sinh ĐH mới đang được hình thành. Xu hướng ấy được một số cán bộ có kinh nghiệm trong công tác tuyển sinh đúc kết là "nhất công, nhì kỹ, tam nông...".

Công nghệ lên ngôi

 

Một lần trả lời cho các thí sinh (TS) tại Đà Nẵng, Vụ phó Vụ ĐH và sau ĐH (Bộ GD-ĐT) Ngô Kim Khôi nhận định hiện tại nhóm ngành công nghệ đang có một sức hút lớn nhất đối với TS. Không chỉ trong một vài năm vừa qua mà trong mùa tuyển sinh 2006 này, xu hướng này chắc chắn vẫn tồn tại.

 

Loại bỏ yếu tố theo phong trào, việc TS chọn lựa nhóm ngành này cũng có thể lý giải được. Thực tế cho thấy nhóm ngành khoa học công nghệ đang và sẽ có đóng góp không nhỏ vào công cuộc phát triển của đất nước.

 

Nắm bắt được điều đó, trong những năm qua nhóm ngành công nghệ luôn "hút" được một lượng TS đăng ký vừa nhiều lại vừa "tinh", khiến điểm chuẩn được đẩy lên cao ngất nghểu. Chẳng hạn năm 2005, điểm chuẩn các ngành công nghệ của Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TPHCM) đều từ 25 trở lên.

 

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là không còn cửa để vào các ngành công nghệ. Năm 2006, ngoài những ngành "tên tuổi" đã lên ngôi như công nghệ thông tin, công nghệ điện tử viễn thông, công nghệ hóa học... còn có một số ngành công nghệ khác vừa được mở.

 

Tiêu biểu như ngành công nghệ kỹ thuật ôtô của Trường ĐH Nông lâm TP.HCM. Ngành sẽ đào tạo kỹ sư có trình độ thiết kế và kỹ năng thực hành về công nghệ sản xuất phụ tùng, phụ kiện và lắp ráp ôtô, khai thác sử dụng, kiểm định và dịch vụ kỹ thuật ôtô, đồng thời có năng lực quản lý điều hành sản xuất, kinh doanh và lập các dự án liên quan đến ngành.

 

Hay như Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) cũng mở thêm ba ngành học mới thuộc khối ngành công nghệ thông tin, nâng số chỉ tiêu của khối ngành này lên đến 550 sinh viên.

 

Ngoài ra, nếu TS tự tin với sức học và quyết tâm thực hiện dự định của mình thì vẫn hoàn toàn có thể tìm một chỗ học ở các ngành khác thuộc nhóm ngành công nghệ. Số chỉ tiêu của nhóm ngành này không nhỏ, như hai ngành công nghệ thông tin và công nghệ điện tử viễn thông của Trường ĐH Công nghệ (ĐHQG Hà Nội) tuyển lần lượt 300 và 130 chỉ tiêu.

 

Tương tự, tại Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), chỉ tiêu của ngành công nghệ thông tin cũng lên đến 330; công nghệ hóa thực phẩm là 310 và công nghệ vật liệu là 200.

 

Và nếu muốn chọn một ngành trong nhóm công nghệ dễ thở hơn không phải không có. Các ngành như công nghệ sinh học, công nghệ dệt may, công nghệ môi trường, công nghệ nhiệt lạnh, công nghệ thực phẩm... trong những năm qua điểm chuẩn cũng không đến nỗi quá cao.

 

Kỹ thuật, nông lâm nghiệp, thủy sản: nhiều cơ hội

 

Không phải ngẫu nhiên mà người ta đánh giá kỹ thuật là một trong những nhóm ngành có tiềm năng nhất. Theo định hướng phát triển của một số địa phương, các ngành công nghiệp chủ lực được tập trung là cơ khí chính xác, chế tạo, điện tử tin học chủ lực về lắp ráp hệ thống thiết bị, cấu kiện, linh kiện điện tử phục vụ xuất khẩu...

 

Và có lẽ vì thế, nhóm ngành này trong thời gian qua luôn có sức hút ổn định đối với TS. Dù hầu hết chỉ tuyển một khối là khối A nhưng số lượng ngành để chọn lựa đăng ký không phải ít. Có thể kể một số tên ngành quen thuộc: điện - điện tử, cơ khí, vật lý kỹ thuật, cơ điện tử, điện công nghiệp...

 

Trong đó, nhiều ngành được đào tạo với nhiều chuyên ngành hẹp giúp TS dễ dàng cân nhắc khi hạ bút khai hồ sơ đăng ký dự thi. Chẳng hạn liên quan đến ngành cơ khí, những trường khác nhau đào tạo theo những hướng khác nhau như cơ khí chế tạo (Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TPHCM); cơ khí chế tạo máy, cơ khí động lực (Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM); cơ khí nông lâm, cơ khí bảo quản chế biến thực phẩm (Trường ĐH Nông lâm TPHCM); cơ khí tàu thuyền, cơ khí điện tử (Trường ĐH Thủy sản); cơ khí chuyên dùng (Trường ĐH Giao thông vận tải); cơ khí chính xác và quang học, kỹ thuật hàng không... (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội)...

 

Ngoài ra, TS cũng có thể chọn một số ngành khác thuộc nhóm ngành kỹ thuật mà điểm chuẩn trong những năm gần đây thường thấp hơn 20 điểm như kỹ thuật địa chất, kỹ thuật nhiệt, trắc địa, vật lý kỹ thuật (Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP.HCM), kỹ thuật môi trường (Trường ĐH An Giang), kỹ thuật in, kỹ thuật công nghiệp, thiết kế máy (Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM).

 

Cùng với sự đa dạng về ngành tuyển, nhóm ngành kỹ thuật là một trong những nhóm có chỉ tiêu thuộc vào loại nhiều nhất so với các nhóm ngành khác. Điều đó dễ nhìn thấy đối với ngành điện - điện tử của Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TPHCM) với 600 chỉ tiêu. Hay như ở Trường ĐH bán công Tôn Đức Thắng, ngành có chỉ tiêu nhiều nhất chính là kỹ thuật điện - điện tử với 250 chỉ tiêu.

 

Trong khi đó, nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng đã dần lấy lại được ưu thế vốn có trước đây của mình. Bằng chứng là tỉ lệ chọi và điểm chuẩn của những ngành thuộc nhóm này đang ngày càng tăng lên. Năm 2005, điểm chuẩn của ngành nuôi trồng thủy sản của Trường ĐH Cần Thơ là 19 điểm với tỉ lệ chọi là 1/17,4 trong khi các ngành khác cùng trường điểm chuẩn thấp hơn đến 3-4 điểm.

 

Theo Hùng Thuật

Tuổi Trẻ