Tuyển sinh 2006: Trường nào “hút” thí sinh nhất?

Đánh giá sơ bộ số lượng thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ đến 10/4 (thời hạn cuối nộp hồ sơ theo tuyến sở GD-ĐT), có thể nhận thấy mùa tuyển sinh 2006 không có khác biệt lớn so với năm 2005.

Có chăng chỉ là các trường CĐ, lượng thí sinh (TS) tăng hơn đáng kể so với năm 2005...

 

Kinh tế "hút" thí sinh

 

Khảo sát trong ngày 10/4/2006 tại các điểm thu hồ sơ TS vãng lai trực thuộc văn phòng đại diện Bộ GD-ĐT  tại TP.HCM cho thấy lượng TS đổ dồn về nộp hồ sơ ngày một tăng lên. Một cán bộ thu hồ sơ tại Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM cho biết năm nay lượng TS đăng ký dự thi (ĐKDT) vào Trường ĐH Kinh tế TPHCM nhiều nhất. Tiếp theo là Trường ĐH Nông lâm TPHCM, ĐHQG TPHCM, ĐH Công nghiệp TPHCM, ĐH Ngân hàng TPHCM...

 

Trong khi đó, khối các trường CĐ cũng khởi sắc hơn khi lượng hồ sơ ĐKDT tăng lên khá rõ rệt. Cụ thể, các trường CĐ Kinh tế TPHCM, CĐ Kinh tế đối ngoại là những trường có đông lượng TS ĐKDT nhất, nếu như không muốn nói là nổi trội hơn hẳn so với các trường CĐ khác. Cho đến cuối buổi chiều 10/4, thông tin từ văn phòng đại diện của Bộ GD-ĐT tại TPHCM cho biết đã nhận được gần 40.000 hồ sơ, tương đương với mùa tuyển sinh 2005.

 

Riêng tại điểm thu ở Trường ĐH KHXH và NV (ĐHQG TPHCM)-nơi chủ yếu nhận hồ sơ của các TS dự thi khối C và D1, năm nay lượng hồ sơ lại tăng hơn so với năm 2005. Cán bộ thu hồ sơ tại điểm này cho biết vì đa số TS đến đây nộp hồ sơ là những TS đang học luyện thi tại Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa của trường nên lượng TS nộp vào trường này là đông nhất. Tuy nhiên bên cạnh đó, năm nay lượng TS dự thi khối D vào các trường ĐH Nông lâm TPHCM, ĐH Luật TPHCM, ĐH Sư phạm TPHCM cũng không ít.

 

Giờ chót tăng cao

 

Tại điểm thu nhận hồ sơ của Sở GD-ĐT TPHCM (47 Lý Tự Trọng, Q.1) ngày 10/4 đông nghịt TS. Ngay từ đầu buổi sáng, trước phòng nhận hồ sơ,TS đã chen chân nhau nộp hồ sơ trong không khí nóng bức, oi ả. Phía ngoài phòng nhận hồ sơ, nhiều TS khác chen nhau trên chiếc bàn lúi húi ghi hồ sơ dự thi.

 

Mọi chuyện đều trở nên vội vã hơn bao giờ hết trong ngày cuối cùng này. Đáng lưu ý là có khá nhiều bộ hồ sơ được ký tên đóng dấu giáp lai sẵn trước khi TS ghi đầy đủ thông tin: chỉ được ghi vài mục (tên họ, ngày tháng năm sinh, nơi sinh...) vào túi đựng hồ sơ để lên phường xác nhận, trong khi phiếu số 1 và phiếu số 2 bên trong hoàn toàn bỏ trống đến giờ chót. TS Trần Thị Thu Trang cho biết: “Tôi sợ ghi sai nên phải lên phường năn nỉ mấy chú công an đóng dấu vào hồ sơ rồi mang lên đây nhờ hướng dẫn ghi chi tiết sau”.

 

Cách đó vài mét, chiều 10/4 vẫn còn nhiều TS liên hệ mua hồ sơ dự thi ĐH, CĐ. Bộ phận thu nhận hồ sơ của Sở GD-ĐT TPHCM cho biết: do có nhiều TS làm hồ sơ sai, nhiều TS phải chứng nhận hồ sơ ở tỉnh xa chưa kịp nộp trong ngày 10-4 theo qui định của bộ nên sở vẫn giải quyết thu nhận hồ sơ cho những TS này đến cuối tuần (14-4).

 

Tương tự, Phòng Giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Tiền Giang cho biết điểm thu nhận hồ sơ tại nơi này cũng sẽ giải quyết nhận hồ sơ ĐH, CĐ đến cuối tuần. Chưa có con số thống kê sau cùng nhưng tình hình chung, số lượng hồ sơ TS tự do nộp tại các sở GD-ĐT có xu hướng giảm so với năm trước.

 

Bộ phận thu nhận hồ sơ Sở GD-ĐT Bến Tre cho biết: ngoài ĐH Kinh tế, ĐH Cần Thơ, năm nay TS tỉnh này nộp hồ sơ nhiều vào Trường ĐH Y dược TP.HCM và hai trường mới tổ chức thi tuyển lần đầu tiên là ĐH Tiền Giang và CĐ Kinh tế TP.HCM.

 

Bà Bồng Lai, phụ trách tuyển sinh của văn phòng đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM, cho biết sau khi báo chí phản ánh hiện tượng nhiều TS ghi sai ở mục số 3 trong hồ sơ ĐKDT, tại các điểm thu của văn phòng đều có dán những bản hướng dẫn rõ ràng và chi tiết để giúp TS ghi đúng hơn.

 

Bên cạnh đó, các cán bộ thu hồ sơ cũng kiểm tra kỹ từng hồ sơ của TS, giúp TS không ghi sai ở mục này, do đó tình trạng TS ghi sai ở mục số 3 hiện nay đã giảm rất nhiều. Điểm thu hồ sơ ĐKDT của văn phòng đại diện Bộ GD-ĐT tại Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM cũng gia hạn đến ngày 17/4.

5 điểm "hút" thí sinh vào ĐH Kinh tế TPHCM:

"Trường ĐH Kinh tế TPHCM có số lượng thí sinh ĐKDT đông, theo tôi, có mấy nguyên nhân:

Thứ nhất là năm nay thí sinh và phụ huynh quan tâm đến việc chọn học ở một trường có chất lượng để đảm bảo nhu cầu học tập tốt. ĐH Kinh tế là một trong 14 trường ĐH trọng điểm của quốc gia nên nhiều thí sinh và phụ huynh đã chọn ĐH Kinh tế, mặc dù ở các địa phương cũng có nhiều trường đào tạo khối ngành kinh tế.

Thứ hai là mức điểm chuẩn chung của trường đã hạn chế rất nhiều sự may rủi trong thi cử khiến thí sinh an tâm. Không lo ngành nào đông thí sinh dự thi thì điểm chuẩn cao, ít thí sinh dự thi thì điểm chuẩn thấp. Bên cạnh đó mức điểm chuẩn của trường cũng không cao lắm, không phải là rào cản lớn đối với số thí sinh khá giỏi.

Thứ ba là mức học phí của trường tương đối thấp, phù hợp với mặt bằng chung của xã hội. Thứ tư là các phong trào hoạt động của nhà trường, các cuộc thi học thuật của trường luôn có tiếng vang lớn, tạo được sự quan tâm của xã hội.

Điều này cũng thu hút thí sinh vì thí sinh ngày nay không chỉ muốn thi để học, mà còn muốn thể hiện mình qua các công tác xã hội, các cuộc thi. Và cuối cùng là công tác tư vấn của trường được tổ chức tốt hơn, được sự hỗ trợ của nhiều cơ quan truyền thông đại chúng...".

Th.S Trần Thế Hoàng
(trưởng phòng đào tạo và quản lý SV
Trường ĐH Kinh tế TPHCM)

 

 

Theo Nguyễn Phan - Phúc Điền

Tuổi Trẻ