Tuyển sinh 2007: Những ngành học “kén người”

Họa sĩ, diễn viên, đạo diễn, ca sĩ... luôn là những nghề hấp dẫn đối với các bạn trẻ. Thế nhưng đây là những nghề rất “kén người”. Chính vì thế, kỳ thi tuyển vào các trường ĐH, CĐ nhóm ngành mỹ thuật, sân khấu - điện ảnh, âm nhạc luôn có những qui định riêng.

Không phải là “hào quang”

 

Mỹ thuật ứng dụng, đồ họa - những ngành học ngày càng hấp dẫn bởi ứng dụng ngành học này vô cùng phong phú. Từ những mẫu thiết kế danh thiếp, thiệp mời, bìa sách, băng đĩa, các loại bao bì sản phẩm... đến các mẫu trang trí trên gốm, sứ, trang trí nội ngoại thất, thiết kế thời trang, thiết kế sân khấu... Nôm na, ngành này đào tạo những người sáng tác, thiết kế mẫu và thực hiện các mẫu thiết kế ấy. Cùng nhóm ngành mỹ thuật còn có các ngành chuyên sâu hơn: hội họa, điêu khắc.

 

Theo ngành này, hẳn nhiên bạn phải là người có khiếu hội họa, đam mê mỹ thuật, giàu ý tưởng sáng tạo. Các ngành hội họa, điêu khắc, mỹ thuật... có rất ít chỉ tiêu nhưng không khó để tìm trường có đào tạo ngành (hoặc chuyên ngành) liên quan đến mỹ thuật ứng dụng, mỹ thuật công nghiệp. Những ngành này có đào tạo ở rất nhiều trường ĐH, CĐ và cả TCCN.

 

Thầy Lê Tuyên, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Mỹ thuật TPHCM, cho biết: “Đây thật sự là ngành học khổ luyện, người học (thậm chí cả gia đình họ) phải chấp nhận đầu tư, tốn kém rất nhiều cả thời gian, công sức, vật chất suốt quá trình học. Phải khổ luyện nhiều mới biến kỹ thuật thành kỹ xảo, mọi ý tưởng thành tác phẩm. Và quan trọng hơn hết, không có năng khiếu thật sự sẽ không thể theo học ngành này và đây là dạng năng khiếu bẩm sinh”.

 

Không chỉ có nhóm ngành mỹ thuật, nhóm ngành âm nhạc, sân khấu, điện ảnh cũng là những ngành học mà năng khiếu là yêu cầu số một trong thi tuyển đầu vào và là yếu tố quyết định thành công trong nghề nghiệp sau này. Chẳng hạn như đối với ngành thanh nhạc, theo ông Hồ Ngọc Chinh, phó phòng đào tạo Nhạc viện TPHCM, là chất giọng đầy, hay, có triển vọng phát triển.

 

Còn đối với các ngành diễn viên, điện ảnh, khả năng diễn xuất là điều kiện đầu tiên để theo nghề. Đó là khả năng nhập vai, thể hiện nhân vật ở từng trạng thái: khóc, cười, đau khổ, vui sướng, trầm tư, giận dữ... Ngoài năng khiếu, thí sinh (TS) dự thi các nhóm ngành mỹ thuật, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh phải có kiến thức, am hiểu nhất định trước khi dự thi vào các trường này.

 

- Trường CĐ Sân khấu - điện ảnh TPHCM: TS dự thi ngành này phải đạt chiều cao theo qui định: nam 1,60m, nữ 1,55m trở lên. Nhận hồ sơ tại trường đến hết ngày 10-6-2007.

 

- Thi vào Nhạc viện TPHCM (cả hệ ĐH và trung cấp): đều nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi chuyển phát nhanh về trường. TS nhận phiếu báo danh tại trường từ 28-6 đến 3-7.

 

- ĐH Mỹ thuật TPHCM: chỉ nhận hồ sơ trực tiếp tại trường đến hết ngày 20-5. Khi nộp hồ sơ, TS dự thi ngành hội họa, đồ họa, sư phạm mỹ thuật và mỹ thuật ứng dụng phải nộp kèm một bức hình họa trắng đen bằng bút chì đen; một phác thảo bố cục màu bằng màu bột hoặc màu nước, khổ nhỏ nhất là 30x40cm. TS dự thi ngành điêu khắc phải nộp một bức tượng cao 30cm hoặc một bức chạm nổi nhỏ nhất là 30x40cm. Đây là các bài thi sơ khảo theo qui định của trường, sau ngày 20-5 trường sẽ chấm bài thi sơ khảo và thông báo kết quả đến TS vào cuối tháng năm.

Vào dễ hay khó?

 

Năm 2006, có khoảng 1.200 TS đăng ký dự thi vào ngành diễn viên kịch - điện ảnh Trường CĐ Sân khấu - điện ảnh TPHCM, trong khi chỉ tiêu tuyển ngành này chỉ có 60 SV. Nghĩa là 20 thí sinh mới có một người trúng tuyển.

 

Ngành học đang “lên ngôi” này ngày càng khó vào. TS sẽ phải vượt qua hai vòng thi: ở vòng sơ tuyển TS sẽ hát một bài hát, đọc diễn cảm một bài thơ hoặc đoạn văn (để kiểm tra giọng nói) và diễn một tiểu phẩm (tự chọn) không quá sáu phút.

 

Những TS qua vòng sơ tuyển mới được dự thi chung tuyển gồm các môn văn, phân tích phim (TS xem phim và sau đó viết bài phân tích phim), môn năng khiếu (hệ số 2): diễn tiểu phẩm hoặc trích đoạn, kiểm tra thể hình với trang phục thể thao. Trong đó, điểm diễn xuất được xem là quan trọng nhất ở cả hai vòng thi vào ngành diễn viên kịch - điện ảnh. Còn ngành diễn viên cải lương dễ thở hơn: một chọi hai hoặc một chọi ba.

 

Riêng đối với nhóm ngành mỹ thuật thi khối H, các môn thi năng khiếu (hình họa, trang trí, bố cục tranh màu, chạm nổi...) được yêu cầu trình độ cao hơn môn vẽ tĩnh vật (hoặc đầu tượng) ở khối V. Do vậy, TS phải qua các lớp đào tạo hội họa trước khi dự thi nhóm ngành này.

 

Các ngành âm nhạc, thanh nhạc vẫn luôn là ngành có đông TS nhất. Thế nhưng hầu hết ứng cử viên dự tuyển vào hệ ĐH này ở Nhạc viện TPHCM không phải là HS vừa tốt nghiệp THPT. Phần thi vấn đáp ngành này yêu cầu TS trả lời các câu hỏi về nhạc lý cơ bản, lịch sử âm nhạc, hình thức âm nhạc. Phần thực hành: thi xướng âm, ký âm. Phần chuyên ngành: hát một bài luyện thanh. Đây là một nội dung “khó xơi’ đối với tất cả TS chưa qua các trường lớp âm nhạc.

 

Nếu bạn có năng khiếu và đam mê ngành này nhưng chưa được đào tạo, có thể theo học chương trình hệ trung cấp tại trường hoặc nhóm các trường CĐ khác có ngành thanh nhạc.

 

Theo Phúc Điền

Tuổi Trẻ