Tuyển sinh đại học: Cần phải tiếp tục cải tiến

Sang năm, chúng ta chưa thể đổi ngay cách tổ chức thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học- cao đẳng được mà vẫn phải thi chung như năm nay, nhưng phải có một số cải tiến.

GS Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã khẳng định như vậy khi trao đổi với VOV.VN về một số vấn đề liên quan đến tuyển sinh đại học, cao đẳng 2015.

tuyen sinh dai hoc: can phai tiep tuc cai tien hinh 0

GS Nguyễn Minh Thuyết

PV: Thưa ông, đến thời điểm này, nhiều thí sinh đạt điểm cao trong kỳ thi THPT Quốc gia nhưng vẫn thấp thỏm, lo lắng sẽ không đỗ được nguyện vọng 1. Với cách tuyển sinh mới, nhiều người cảm thấy sự trói buộc lại trở nên nặng nề hơn trước. Ông có cho rằng, mọi người đang quá lo lắng không?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Thực ra, nếu tuyển sinh theo cách làm ở những năm trước thì vẫn sẽ có nhiều trường hợp các em học sinh đạt điểm cao nhưng không vào được trường mình yêu thích. Ví dụ, có những năm thi vào Đại học Y Hà Nội, thí sinh đạt 27 điểm vẫn có khả năng trượt. Chuyện đó năm nào cũng có thể xảy ra. Chỉ có điều khác biệt là, các năm trước, học sinh muốn thi vào trường nào thì ghi tên vào đúng trường ấy. Các em sẽ thi tại các cụm thi của trường, nên các em có thể xem phổ điểm của trường đó để tự xác định vị trí của mình, nếu thấy khả năng không trúng thì có thể chuyển ngay sang nguyện vọng 2.

Năm nay, các trường tuyển sinh trên phạm vi toàn quốc với kết quả thi chung, học sinh chỉ ghi nguyện vọng sau khi đã biết điểm… cho nên việc xác định danh sách cạnh tranh là khó. Học sinh không biết mình ở vị trí nào, nên vào trường nào.

Nhưng Bộ GD-ĐT cũng đã quy định các trường 3 ngày phải công bố tình hình tuyển sinh của mình để thí sinh biết, lựa chọn. Tôi cho rằng, bước đầu thí sinh và cả các trường sẽ gặp phải một số khó khăn, nhưng thí sinh và phụ huynh có thể yên tâm là Bộ GD-ĐT và các trường bao giờ cũng đặt quyền lợi của thí sinh lên trên hết. Nếu xảy ra tình huống gì khó khăn sẽ phải có cách giải quyết.

PV: Nhiều em không dám nộp hồ sơ vì sợ sẽ có nhiều “đối thủ” mạnh hơn mình. Điều này sẽ dẫn tới tình trạng quá tải hồ sơ trong một vài ngày, thưa ông?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Thi theo cách năm nay thì diện tuyển sinh quá rộng, thí sinh cũng như các trường không biết được là những ai sẽ vào trường mình. Nhưng hiện nay, theo tôi biết, một số trường đã công bố điểm chuẩn rồi. Những trường top đầu (Đại học Bách khoa, Ngoại thương…), điểm chuẩn chỉ từ 21 -23 - 24 điểm. Có lẽ lúc đầu việc tuyển sinh sẽ gặp khó khăn, nhưng có thể sau 1-2 tuần sẽ ổn định.

PV: Các trường cập nhật tình hình tuyển sinh 3 ngày/lần. Với thí sinh ở tỉnh xa, vùng sâu, vùng xa thì việc này là khó khăn vì phải đến nộp hồ sơ trực tiếp. Theo ông cách làm này có quá nhiều bất cập?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Tôi nghĩ rằng, chúng ta đã quản điểm thi, thông báo điểm thi trên mạng rồi thì cũng nên để học sinh nộp hồ sơ đăng ký trên mạng. Khi nào các em đã lọt vào danh sách trúng tuyển rồi thì chuyển hồ sơ của mình đến trường, có thể trực tiếp hoặc qua bưu điện. Tôi nghĩ cần có sự thay đổi để thí sinh thuận lợi hơn, không nên để thí sinh chạy hết trường này đến trường khác.

PV: Với cách tuyển sinh mới thì sẽ dễ cho các trường top trên hơn còn các trường top dưới sẽ khó khăn cho việc tuyển sinh, thưa ông?

GS Nguyễn Minh Thuyết:Thực ra, tuyển sinh theo hình thức nào thì các trường top trên bao giờ cũng thuận lợi hơn. Họ sẽ có thể chọn được ngay được những thí sinh có điểm cao nhất. Còn các trường top dưới bao giờ cũng khó khăn, thường phải chờ các trường top trên tuyển xong hết rồi mới đến lượt mình. Chuyện này năm nào cũng xảy ra. Năm nay, các trường top giữa và top dưới có thể còn lúng túng hơn, vì các trường đều tuyển thí sinh từ tất cả các cụm trong toàn quốc. Mọi năm, thí sinh đăng ký ngay vào một số trường, kể cả một số trường không phải là top trên cũng đã có người đăng ký rồi, nên chủ động hơn. Năm nay, các trường sẽ phải chờ đợi dài hơn. Đấy là khó khăn của hình thức tuyển sinh chung. Cho nên, cần phải thay đổi cách làm này chứ không thể duy trì mãi được.

PV: Theo ông, với một kỳ thi như thế này thì có gọi là thành công hay không khi mà sự lo lắng của thí sinh và phụ huynh cứ dai dẳng?

GS Nguyễn Minh Thuyết:Thường là cái mới bao giờ lúc đầu cũng gặp nhiều khó khăn, cũng làm cho người ta lo lắng, hồi hộp; nhưng tôi sợ rằng, nếu còn thi theo kiểu này thì sang năm những khó khăn sẽ còn nguyên. Bởi vậy, dù sang năm chúng ta chưa thể đổi ngay cách tổ chức thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học- cao đẳng được mà vẫn phải thi chung như năm nay, nhưng phải có một số cải tiến.

Thứ nhất: Phải để cho thí sinh tự chọn cụm thi của mình, tránh quy định các cụm thi cứng theo ranh giới hành chính. Vì nếu quy định như hiện nay thì sẽ có nhiều thí sinh ở cuối tỉnh, cuối huyện lẽ ra thi ở cụm B sẽ thuận lợi hơn nhưng các em lại buộc phải thi theo cụm A vì các em ở tỉnh thuộc cụm thi đó; nghĩa là phải di chuyển xa hơn.

Thứ hai, phải để cho các trường đại học, cao đẳng được quyền công bố ngay từ đầu phạm vi tuyển sinh của mình. Ví dụ, Đại học Bách khoa Hà Nội xác định chỉ tuyển những thí sinh thi ở cụm Đại học Bách khoa Hà Nội, cụm ĐH Bách khoa TP HCM hay ĐH QG Hà Nội và ĐHQG TPHCM... Như thế thì các trường mới có thể có được một số lượng thí sinh xác định, thí sinh cũng có thể biết được là triển vọng của mình như thế nào. Tuyển sinh như thế cũng sẽ công bằng hơn, vì trên thực tế có cụm coi thi lỏng tay, chấm thi cũng lỏng tay, trong khi có cụm, nhất là cụm do các trường top trên phụ trách coi thi chặt hơn, chấm thi chặt hơn.

Thứ ba, việc công bố điểm nên để cụm thi nào thì công bố điểm cho cụm thi ấy chứ không nên đưa tất cả về Bộ như năm nay. Nên tiếp tục công bố điểm thi của toàn bộ thí sinh. Năm nay, thí sinh chỉ biết điểm của mình, không biết điểm của các bạn khác. Như vậy, các em sẽ khó xác định được vị trí của mình để chọn trường. Bên cạnh đó, vì thực tế vẫn còn hiện tượng xuê xoa, dễ dãi, bệnh thành tích, thậm chí có cả tiêu cực nữa…, cho nên, công bố điểm của toàn bộ thí sinh cũng là cách để xã hội giám sát. Qua thông tin công khai, nếu người dân thấy có những cụm thi quá dễ dãi thì dư luận sẽ lên tiếng, Thanh tra sẽ vào cuộc, cụm thi ấy sang năm sẽ phải thay đổi. Còn nếu vì một điều gì đó mà mình giấu sự thật thì sang năm các vi phạm vẫn sẽ tái diễn.

Về lâu dài, việc thi tốt nghiệp nên giao cho các Sở Giáo dục-Đào tạo tổ chức và không nhất thiết cả nước phải thi vào cùng một ngày.

Còn việc tuyển sinh đại học, cao đẳng thì nên để các trường đại học, cao đẳng tự xác định phương án tuyển sinh. Trường có thể tổ chức thi tuyển sinh riêng, liên kết với trường khác tổ chức thi tuyển sinh theo cụm hoặc không tổ chức thi mà chỉ cần xét tuyển theo kết quả tốt nghiệp THPT…

PV: Xin cảm ơn ông!/.

Theo VOV

 

Tuyển sinh đại học: Cần phải tiếp tục cải tiến - 2