Thứ trưởng Bành Tiến Long:

Tuyển sinh đang chạy theo số lượng

(Dân trí) - Từ năm 1976 đến nay các cơ sở đào tạo sau ĐH đã đào tạo được gần 8.400 tiến sĩ và 39.000 thạc sĩ thuộc tất cả các lĩnh vực khoa học, công nghệ.

Riêng năm 2005 đã cấp 451 bằng tiến sĩ và 7.714 bằng thạc sĩ; tuyển được 15.670 học viên cao học và 1.385 nghiên cứu sinh. Kết luận về tình hình đào tạo sau đại học trong 29 năm qua, Thứ trưởng Bộ GD- ĐT Bành Tiến Long đã cho biết như vậy.

 

Trao đổi thêm với phóng viên, Thứ trưởng Bành Tiến Long nói:

 

- Số lượng các cơ sở đào tạo sau đại học cũng như quy mô đào tạo được phát triển và mở rộng. Năm 2005, mở thêm 2 cơ sở đào tạo thạc sĩ và 4 cơ sở đào tạo tiến sĩ. Tổng số cơ sở đào tạo sau đại học trong cả nước hiện nay là 155 bao gồm 85 trường đại học và học viện, 70 viện nghiên cứu, trong đó 127 cơ sở đào tạo tiến sĩ.

 

Tuy nhiên, một số cơ sở đào tạo trong tuyển sinh còn chạy theo số lượng, chưa chú trọng tới chất lượng tuyển chọn; tổ chức thi tuyển sinh chưa nghiêm, chưa ngăn chặn được các hiện tượng vi phạm trong thi cử; các điều kiện dự tuyển được xử lý mang tính chất đối phó với quy chế để tuyển đủ chỉ tiêu mà chưa hướng tới chất lượng thực sự, đặc biệt trong việc đánh giá các công trình đã công bố và đề cương nghiên cứu của thí sinh nghiên cứu sinh.

 

Nguyên nhân chính có phải  do bất cập về quản lý, thưa thứ trưởng ?

 

Để xảy ra tình trạng này có nhiều nguyên nhân. Ở cấp quản lý nhà nước thì thiếu những chính sách cần thiết để tạo sự chủ động cho cơ sở, nhiều khâu của quá trình đào tạo còn tập trung ở cấp Bộ tạo nên sự trì trệ, kém năng động và hiệu quả. Công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động đào tạo sau đại học chưa thường xuyên; các sai phạm không được xử lý dứt điểm và kiên quyết.

 

Ở các cấp cơ sở thì nói chung thiếu chủ động, năng động, sáng tạo và tự quyết, đặc biệt trong việc thực hiện các quyền đã được giao. thiếu một đội ngũ cán bộ quản lý chuyên trách tinh thông quy chế và nghiệp vụ, chủ động và tận tâm với nghề “quản lý”, đặc biệt nhiều viện nghiên cứu không có phòng chuyên trách và cán bộ quản lý đào tạo sau đại học thường thay đổi luôn. Công tác quản lý còn nặng tính hình thức, hành chính sự vụ.

 

Bên cạnh đó, chính sách tài chính cho đào tạo sau đại học quá lạc hậu, không kịp thời điều chỉnh; kinh phí quá ít và hạn chế, không đủ để trang trải chi phí đào tạo thường xuyên, để đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo. Điều này ảnh hưởng lớn đến chất lượng và môi trường đào tạo sau đại học.

 

Đào tạo Sau đại học chỉ là mô hình có lượng không chất và với sản phẩm thực sự phần nhiều là thạc sĩ, tiến sĩ giấy như dư luận vẫn kêu ca. Ông có ý kiến gì trong nhận xét trên?

 

Thực tế thì chương trình đào tạo thạc sĩ quy định trong Quy chế đào tạo sau đại học xa rời thực tế, không phù hợp với  xu hướng chung của các nước trong khu vực và thế giới. Vì chương trình đào tạo thạc sĩ của hầu hết các cơ sở còn đơn điệu, nặng về hàn lâm, thiếu tính năng động và thực tiễn. Nội dung chương trình còn trùng lặp, nhắc lại các kiến thức của bậc đại học. Việc bổ sung, chỉnh sửa, cập nhật kiến thức mới sau từng năm học hay từng thời kỳ hầu như không được thực hiện.

 

Về đào tạo tiến sĩ thì các chương trình bổ túc, chuyển đổi ngành nghề chưa thực sự hữu ích và hiệu quả, còn nặng tính hình thức. Nội dung các chuyên đề tiến sĩ chưa đáp ứng mục tiêu đặt ra, chưa đạt được hiệu quả trong việc nâng cao kiến thức chuyên ngành hẹp, cập nhật cho nghiên cứu sinh cũng như giúp các nghiên cứu sinh giải quyết các vấn đề của đề tài nghiên cứu. Vì thế, nhìn chung chất lượng thạc sĩ, tiến sĩ của chúng ta còn tồn tại khá nhiều bất cập.

 

Vậy, theo Thứ trưởng, những “mảng tối” nhất trong đào tạo sau đại học hiện nay là gì?

 

Giảng viên yếu kém, nghiên cứu sinh yếu kém. Giảng viên yếu kém thể hiện ở khả năng và hoạt động nghiên cứu khoa học. Nhiều giảng viên có học vị nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của giảng dạy sau đại học. Đội ngũ giảng viên vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chuyên môn, nhưng lại chưa có quy hoạch kế hoạch đào tạo bồi dưỡng chuyên môn cho giảng viên...

 

Nghiên cứu sinh yếu kém thể hiện ở việc xác định đề tài nghiên cứu của nghiên cứu sinh chưa xuất phát từ yêu cầu phát triển của ngành khoa học. Rất nhiều đề tài nghiên cứu quá rộng, quá chung chung hoặc nhỏ hẹp cả về không gian và thời gian. Khâu quan trọng nhất quyết định chất lượng của một luận án tiến sĩ là hoạt động chuyên môn trong đào tạo nghiên cứu sinh luôn bị thả nổi, khi khá nhiều nghiên cứu sinh hầu như không có mặt tại cơ sở đào tạo, không có sự kiểm soát... Buổi bảo vệ luận văn, luận án trở nên hình thức, không đánh giá đúng thực chất của luận văn, luận án.

 

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

 

Mai Minh - Hồng Hạnh

(thực hiện)