Tuyển sinh ĐH 2006: Chọn nghề hay chọn trường?

Việc chọn ngành học để thi của học sinh chủ yếu là do các bậc phụ huynh quyết định. Tuy nhiên, do thiếu thông tin về các nghề nên nhiều khi dẫn đến sự lựa chọn sai lầm, hoặc bỏ qua những sự lựa chọn phù hợp cho con em mình.

Hiểu biết về đầu mục nghề nghiệp còn quá ít

 

Nếu yêu cầu viết cụ thể ra trên giấy câu trả lời họ biết gì về các nghề để chọn thì một người lớn "am hiểu xã hội" cũng không viết được quá 50 đầu mục các nghề nghiệp trong xã hội. Còn đối với phần lớn các bậc phụ huynh khác thì con số trung bình chỉ khoảng một, hai chục. Đó là một con số quá ít ỏi trong danh sách những nghề nghiệp có trong xã hội.

 

Nếu thống kê theo chữ cái “từ A đến Z” thì người ta có thể liệt kê ra được 5.984 nghề khác nhau. Tuy nhiên đây cũng mới là con số tương đối bởi vì hàng năm trên thế giới có khoảng 500 nghề “bị chết" và khoảng 600 nghề mới ra đời. Tuy nhiên, trong thực tế cuộc sống, khái niệm nghề cũng trở nên trừu tượng bởi trong mỗi nghề có rất nhiều chuyên môn khác nhau.

 

Một ví dụ dễ hiểu, khi thi vào trường sư phạm ai cũng nói chọn “nghề dạy học”. Nhưng trên thực tế trong ngành giáo dục có rất nhiều chuyên môn khác nhau. Chỉ nói riêng “đi dạy” đã có thể có hàng chục vì dạy môn nào phải có chuyên môn về ngành đó. Theo một thống kê, ở Mỹ hiện nay có khoảng 40.000 chuyên môn khác nhau.

 

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT thì hiện nay nước ta có khoảng 250 trường đại học, cao đẳng đào tạo khoảng 300 nghề và hàng nghìn chuyên môn khác nhau. TS. Quách Tuấn Ngọc - GĐ Trung tâm tin học (Bộ GD-ĐT) cho biết: Nếu các bạn học sinh sử dụng chức năng "Tìm nguyện vọng" trong Cổng thông tin thi và tuyển sinh mới của Bộ GD-ĐT thì sẽ được “tận mắt chứng kiến sự đa dạng" của thế giới nghề nghiệp. Chỉ cần đánh vào mục tìm kiếm "Công nghệ thông tin" thì máy sẽ liệt kê ra khoảng bốn trang giấy về những ngành học liên quan đến lĩnh vực này.

 

Tất nhiên, không nhất thiết mỗi người phải biết tất cả các nghề nghiệp để chọn lựa. Tuy nhiên, nếu như càng mở rộng được hiểu biết về thế giới nghề nghiệp thì  sẽ có được cái nhìn đúng đắn hơn và cơ hội lựa chọn đúng nghề nghiệp phù hợp với bản thân sẽ cao hơn.

 

Người nào nghề đó

 

Mỗi nghề, mỗi chuyên môn lại có những yêu cầu những kiến thức và kỹ năng khác nhau. Dựa vào yêu cầu của nghề đối với người lao động, người ta phân thành tám nhóm nghề nghiệp khác nhau là: Những nghề thuộc lĩnh vực hành chính (cần đức tính thận trọng chu đáo, tỉ mỉ); Những nghề thuộc lĩnh vực tiếp xúc với con người (năng khiếu giao tiếp, tinh ý); Nghề thợ (tư duy kỹ thuật, tưởng tượng không gian, khéo tay); Lĩnh vực kỹ thuật (đầu óc tổ chức, trí nhớ tốt); Những nghề trong lĩnh vực văn học nghệ thuật  (sáng tạo, tâm hồn phong phú); Những nghề thuộc lĩnh vực nghiên cứu khoa học (tư duy logic, làm việc độc lập thích tìm tòi sáng tạo); Những nghề tiếp xúc với thiên nhiên (Yêu thích thiên nhiên/ có sức khỏe); Những nghề có điều kiện lao động đặc biệt (ý chí kiên định, ưa thích mạo hiểm).

 

Từ góc nhìn ngược lại, những người có những khả năng khác nhau thì phù hợp với những nhóm công việc khác nhau. Những người có sở thích làm việc với công cụ máy móc, động thực vật; thích làm việc ngoài trời thì phù hợp các ngành nghề về kỹ thuật: nông nghiệp thủy lợi lâm nghiệp, dầu khí, giao thông vận tải quản lý đất đai, kỹ thuật và quản lý môi trường, quản lý công nghiệp, điều khiển máy móc thiết bị, điều khiển các phương tiện giao thông - lái xe, tàu, bảo hộ an toàn lao động, các ngành nghề sản xuất thủ công, cảnh sát, thể dục thể thao.

 

Những người có khả năng quan sát, khám phá, mang tính nghiên cứu hoặc thí nghiệm. phân tích đánh giá, giải quyết các vấn đề sẽ phù hợp các ngành về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, y dược, toán học, thống kê, khảo cổ, công nghệ thông tin, kinh tế học.

 

Nhưng người có khả năng nghệ thuật, khả năng về trực giác, tưởng tượng cao, thích nghi nơi phát huy ngẫu hứng, không ràng buộc bởi khuôn mẫu sẽ phù hợp hơn với các ngành nghề về văn chương, báo chí, điện ảnh, sấn khấu, mỹ thuật, âm nhạc, múa, kiến trúc, thời trang, hội họa.

 

Những người có khả năng trong giao tiếp, sử dụng ngôn ngữ tốt, thích hùng biện, làm việc quan hệ với con người, thích công việc đào tạo, hướng dẫn nếu chọn những ngành nghề như sư phạm, huấn luyện viên, tư vấn, hoạt động xã hội... sẽ phù hợp hơn.

 

Những người thích kinh doanh, mạnh bạo, dám nghĩ dám làm; có khả năng quản lý chỉ đạo nên chọn các ngành nghề về quản trị sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ khách hàng, marketing.

 

Những người có khả năng làm việc, vận dụng những con số, số học, thích thực hiện những công việc chi tiết, thích làm việc với dữ liệu hoặc thích làm theo chỉ dẫn của người khác, thích công việc bàn giấy yên tĩnh, ngại thay đổi nên lựa chọn ngành nghề về hành chính quản trị văn phòng, thư ký, văn thư lưu trữ - thư viện, thống kê phân tích, kế toán-kiểm toán...

 

Theo Gia đình và Xã hội