Tuyển sinh lớp 1 ở Đắk Nông: Nơi tấp nập, chỗ đìu hiu

(Dân trí) - Trong khi nhiều trường rơi vào cảnh “quá tải” hồ sơ thì có những trường lại chịu cảnh đìu hiu, vắng bóng học sinh. Nghịch lý này đang diễn ra trong đợt tuyển sinh lớp 1 đầu năm học mới tại thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông).

Ngay trong ngày đầu tiên bán hồ sơ tuyển sinh, Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (phường Nghĩa Đức, TX. Gia Nghĩa) đã tấp nập phụ huynh đến mua và nộp hồ sơ cho con vào lớp 1. Năm học này, trường được giao chỉ tiêu tuyển sinh năm lớp 1 với 175 em, nhưng chỉ trong vòng 3 đến 4 ngày, đã bán ra gần 300 hồ sơ và nhận vào gần như đủ chỉ tiêu.


Nhiều trường tiểu học ở trung tâm thị xã Gia Nghĩa đau đầu vì số lượng hồ sơ tuyển sinh gấp nhiều lần chỉ tiêu (ảnh minh họa)

Nhiều trường tiểu học ở trung tâm thị xã Gia Nghĩa "đau đầu" vì số lượng hồ sơ tuyển sinh gấp nhiều lần chỉ tiêu (ảnh minh họa)

Theo bà Lê Thị Bé, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, những năm trước, do nhu cầu quá cao nên số lượng học sinh/lớp của khối lớp 1 luôn vượt quá so với quy định và năm nay áp lực vẫn tăng. Số lượng tuyển sinh cho phép thì hạn chế, nhưng nhu cầu cho con em vào nhập học lại vượt khả năng của nhà trường. Chỉ riêng việc nhận hồ sơ đúng tuyến nhà trường cũng đã rất vất vả. Trong khi đó, nhiều phụ huynh có hộ khẩu tại địa phương khác nhưng vẫn làm thủ tục nhập hộ khẩu hoặc tạm trú cho con trên địa bàn trường quản lý làm cho số lượng học sinh tăng lên so với thực tế.

Tuy nhiên, theo hiệu trưởng trường này, trước mắt trường sẽ ưu tiên cho những em có hộ khẩu thường trú đúng tuyến. Đối với những em có hộ khẩu tạm trú sẽ xem xét tùy theo từng trường hợp. Đối với những hồ sơ không hợp lệ, nhà trường cũng có giải thích, hướng dẫn phụ huynh về đăng ký trường đúng tuyến.

Tương tự, nhiều trường tiểu học khác ở khu vực trung tâm thị xã cũng “đau đầu” vì chuyện tuyển sinh như Trường tiểu học Thăng Long, Trường tiểu học Võ Thị Sáu, Trường tiểu học Lê Hồng Phong. Phần lớn những trường này được phụ huynh đánh giá cao về chất lượng giảng dạy và có nhà bán trú cho học sinh.

Trái ngược với không khí tấp nập tuyển sinh của một số trường tiểu học nằm ở khu vực trung tâm, công tác tuyển sinh tại Trường tiểu học N’Trang Lơng (phường Nghĩa Trung, TX. Gia Nghĩa) lại khá đìu hiu, vắng vẻ. Dù đang là thời điểm tuyển sinh, nhưng tại trường tiểu học này yên ắng, không có một bóng người. Trong trường chỉ có 2 cán bộ, giáo viên đang ngồi chờ đợi phụ huynh đến làm thủ tục đăng ký nhập học cho con.

Bà H’Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học N’Trang Lơng cho biết: “Dù thông báo bán hồ sơ từ 1/7, nhưng đến nay bộ phận tuyển sinh mới tiếp nhận được vài bộ hồ sơ xin nhập học, chủ yếu là của các hộ dân tộc thiểu số. Phần lớn khoảng thời gian trong ngày, cán bộ giáo viên ở đây chỉ đến mở cửa và ngồi chờ... hết giờ về”.

“Do trường tiểu học chưa tổ chức học bán trú, nằm ở khá xa trung tâm, cơ sở vật chất không bảo đảm như các trường ở trung tâm nên phụ huynh không mấy mặn mà ghi danh cho con học. Năm nay trường được giao chỉ tiêu tuyển 30 học sinh, nhưng rất khó đạt được chỉ tiêu đề ra”, bà H’Thủy nhận định.

Một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự chênh lệch, đối lập trong công tác tuyển sinh ở các trường tiểu học ở thị xã Gia Nghĩa đó là do thiếu cơ sở vật chất và đặc điểm về vị trí. Việc phân luồng tuyển sinh là nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý và giảm áp lực cho các trường trung tâm trong dạy và học. Trong thực tế, hầu hết phụ huynh có nhu cầu nhập học cho con vào trường trung tâm chủ yếu là do có điều kiện tốt hơn về mọi mặt, thuận đường, gần nơi làm việc, dễ đón đưa…

Chị Nguyễn Thị Vân, một phụ huynh nộp hồ sơ cho con tại Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai cho biết: “Đúng ra thì tôi cho con học ở trường gần nhà, nhưng vì công việc bận rộn nên muốn xin cho cháu học ở đây vì trường có tổ chức bán trú và đi làm cũng thuận đường đưa đón”.

Điển hình, tại Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai hiện có 30 phòng học, nhưng hàng năm số học sinh ở các lớp 1 đều vượt quy định và hiện tại vẫn còn thiếu 3-4 phòng học các bộ môn. Trường mầm non Sơn Ca ở phường Nghĩa Đức hàng năm cũng được liệt vào danh sách điểm “nóng” trong tuyển sinh do thiếu phòng học. Thậm chí, hàng năm trường còn sử dụng thêm 1-2 phòng học tạm để đáp ứng nhu cầu mở lớp.

Theo ông Nguyễn Tỵ, Phó trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo thị xã Gia Nghĩa, hàng năm thị xã vẫn được đầu tư xây mới phòng học nhưng chủ yếu tập trung ở những trường vùng lân cận. Đối với những trường vùng trung tâm, hiện tại phòng cũng đã tham mưu bố trí kinh phí xây dựng trong các giai đoạn tiếp theo.

Được biết, năm học này, địa phương tuyển 1.409 học sinh vào lớp 1, để bảo đảm khách quan, đúng đối tượng, các trường đã thành lập hội đồng tuyển sinh, có mời thêm thành viên là đại diện chính quyền địa phương để xác minh hộ khẩu. Phòng cũng chỉ đạo các trường trung tâm tăng cường tuyên truyền, giải thích cho phụ huynh hiểu về ý nghĩa của việc phân tuyến tuyển sinh. Cùng với đó, các trường vùng lân cận, khó tuyển sinh thì tiếp tục tăng cường vận động để học sinh ra lớp bảo đảm chỉ tiêu và đúng thời gian quy định.

Dương Phong