Tuyển sinh trường nghề 2005: Tăng đột biến

Trước đây, cứ đến mùa tuyển sinh, các trường trung học chuyên nghiệp lại lo lắng cảnh chợ chiều vì học sinh đăng ký dự thi quá ít, thậm chí năm ngoái một số ngành học phải ngưng đào tạo vì quá thiếu học sinh. Năm nay, tình hình đã khác.

Số lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào các trường trung học chuyên nghiệp (THCN) trong mùa tuyển sinh năm 2005 tăng đột biến, có trường tỷ lệ chọi ở mức 10/1, thậm chí ở mức 15/1. Đây là một nét mới. Xu hướng chọn ngành năm nay cũng có nhiều thay đổi, một số ngành năm trước được coi là thời thượng thì năm nay đã bị đổi ngôi…

 

Hồ sơ tăng đột biến

 

Năm nay, sau kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ bộ phận thu nhận hồ sơ ở các trường THCN tại TPHCM lúc nào cũng tấp nập. Trường nghiệp vụ Du lịch và Khách sạn dù chưa kết thúc thời gian nhận hồ sơ nhưng đã có 9.049 bộ hồ sơ đăng ký (HSĐK) dự thi (tăng hơn 2.000 bộ hồ sơ).

 

Theo ông Trần Văn Hùng, Phó hiệu trưởng Trường nghiệp vụ Du lịch và Khách sạn, với số lượng HSĐK như hiện nay tỷ lệ chọi vào trường sẽ ở mức 10/1, thậm chí 15/1 nếu HS tiếp tục nộp hồ sơ vào trường. Tương tự, hệ THCN tại Trường CĐ Kinh tế TPHCM dù năm nay chỉ tuyển 1.200 HS cho 7 ngành đào tạo nhưng số HSĐK đã lên đến 9.108 bộ, tăng 51% so với mọi năm. Lượng hồ sơ nộp vào trường cao vượt dự kiến nên trường đã kết thúc nhận hồ sơ từ tháng 6.

 

Ông Nguyễn Phước Hải, Phó trưởng phòng đào tạo Trường CĐ Kinh tế TPHCM, phấn khởi cho biết: năm nay, Trường CĐ Kinh tế TPHCM là trường tổ chức thi tuyển hệ THCN sớm nhất so với các trường khác tại TPHCM.

 

Tại Trường Trung học Công Nghiệp TPHCM, bộ phận thu nhận hồ sơ cũng đã có thống kê sơ bộ với gần 2.000 hồ sơ, trong khi đó chỉ tiêu tuyển chỉ là 600 HS. Trường TH Nghiệp vụ Nam Sài Gòn cũng đã nhận được trên 1.200 bộ hồ sơ, tăng 30% so với năm ngoái... Đối với những trường có thời hạn nhận hồ sơ đến cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8, tình hình tuyển sinh năm nay lại càng khả quan hơn.

 

Bà Đặng Thị Thùy Linh, Phó trưởng Phòng đào tạo Trường TH Kỹ thuật- Nghiệp vụ Nam Sài Gòn, cho rằng: “HS đăng ký dự thi vào học trường nghề năm nay tăng đột biến một phần do quy định mới của Bộ GD-ĐT cho phép các trường chủ động lựa chọn phương án tuyển sinh, đặc biệt là phương án xét tuyển”.

 

“Nhất kinh tế, nhì điện tử”

 

Số lượng HSĐK dự thi vào các trường THCN tăng đột biến, tuy nhiên xu hướng tăng không đồng đều ở các ngành. Tại Trường Tin học Tư thục Kinh tế Sài Gòn, trong hơn 600 hồ sơ nộp vào có đến 40% ghi nguyện vọng vào ngành kế toán tin học. Trường TH Công nghiệp TPHCM, trong 2.000 hồ sơ đăng ký, ngành chiếm ưu thế nhất là kế toán tin học (30%), kế đến là điện tử (25%), trong khi năm ngoái ngành cơ khí có tỷ lệ cao nhất. Trường TH Kỹ thuật- Nghiệp vụ Nam Sài Gòn, lượng hồ sơ tăng 30% so với mọi năm nhưng chủ yếu tăng ở các ngành: kế toán tin học, điện tử công nghiệp.

 

Tương tự, trong tổng số 700 hồ sơ nộp vào của trường Trung học Kỹ thuật và Nghiệp vụ Nguyễn Hữu Cảnh, chiếm tỉ lệ cao nhất là ngành kế toán tin học, kế đến là ngành điện tử. Theo nhận xét của các trường: Ngành kế toán tin học vẫn chiếm ưu thế, tiêu biểu như ngành kế toán tin học hệ trung cấp của Trường CĐ Kinh tế TPHCM, năm nào cũng đông thí sinh nhất, buộc trường phải khống chế về số điểm (điểm của ngành này lúc nào cũng ở mức 14 điểm). Trong khi đó nhiều ngành chiếm ưu thế ở các năm trước năm nay lại giảm rõ rệt: ngành may mặc, cơ khí, điện công nghiệp...Trường Kỹ thuật May Thời trang II năm nay lượng HSĐK của thí sinh nộp vào giảm 20%.

 

Xu hướng học nghề của học sinh (HS) tăng lên là một tín hiệu đáng mừng trong việc đào tạo nguồn nhân lực, góp phần giải quyết tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” trong thời điểm hiện nay. Theo thống kê gần đây nhất của Tổng cục Dạy nghề và thực tế đặt hàng tuyển dụng lao động của doanh nghiệp tại các trường, tỷ lệ HS tốt nghiệp các trường nghề có việc làm sau khi tốt nghiệp hàng năm ở mức 70-80%. Đặc biệt, thị trường lao động hiện nay đang thiếu nhiều ở các ngành nghề như: điện công nghiệp, may công nghiệp, hàn, luyện kim, tiện, phay, điện tử công nghiệp...nhưng các ngành nghề này vẫn còn thiếu nơi đào tạo và nếu có thì lại thiếu HS vào học.

 

Ông Phan Văn Việt, Trưởng Phòng đào tạo Trường Trung học Kỹ thuật và Nghiệp vụ Nguyễn Hữu Cảnh, cho biết: “Hàng năm các khu công nghiệp, khu chế xuất đặt hàng trước cho trường với số lượng lớn về lao động ở các ngành này nhưng chúng tôi chỉ đáp ứng được khoảng 50%”.

 

Nhu cầu thực tế về các ngành nghề đã rõ ràng, số lượng HS đăng ký vào trường nghề cũng đã khởi sắc. Thế nhưng, cách chọn ngành của HS qua tỷ lệ đăng ký chọn ngành nghề cho thấy việc định hướng nghề nghiệp cho HS ở các trường phổ thông hiện nay vẫn chưa được chú trọng đúng mức, chưa gắn với nhu cầu của thị trường lao động.

 

 Theo Lê Linh

Sài Gòn Giải Phóng