Tuyển sinh vào lớp 10: Áp lực và nỗi lo “lệch tủ” môn Văn

(Dân trí) - Mặc dù kì thi tuyển sinh vào lớp 10 đã đến rất gần nhưng thời điểm này nhiều thí sinh vẫn căng mình ôn luyện. Không chỉ lo lắng về tính cạnh tranh khốc liệt của kì thi mà nhiều thí sinh còn ôm ấp nỗi lo “lệch tủ” môn Văn.

Hiệu trưởng của một trường THCS thuộc địa bàn quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) chia sẻ: “Thời gian kết thúc năm học là cuối tháng 5 nên công việc ôn tập cho các em chỉ còn hơn một tháng. Do kiến thức các em mới được học nên về phần cơ bản tương đối yên tâm. Công tác ôn tập của nhà trường chủ yếu tập trung vào luyện đề".

Hiệu trưởng này cũng tiết lộ, tất cả học sinh của trường đều được ôn luyện 4 bài văn và 11 bài thơ. Đây là những tác phẩm hay được đưa vào đề thi lớp 10 hàng năm. Công tác ôn tập của trường kết thúc cách đây vài ngày để các em tập trung củng cố lại kiến thức.

Mặc dù rất vất vả với việc ôn tập tại trường nhưng nhiều thí sinh chưa thực sự yên tâm nên vẫn tìm đến các lò riêng. Những địa chỉ được học sinh tìm đến để “luyện” phần lớn là của thầy cô nổi tiếng, lâu nay được mệnh danh luyện “trúng tủ” với đề thi.

Ôn tủ nên rất nhiều thí sinh lo lắng bị lệch tủ.
Ôn tủ nên rất nhiều thí sinh lo lắng bị "lệch tủ".

Diệu Linh, một học sinh lớp 9 vừa kết thúc kì thi tuyển sinh vào lớp 10 của một trường THPT chuyên thuộc khối trường ĐH nhưng kết quả không khả quan nên tiếp tục “thiêu thân” vào lò luyện với hi vọng sẽ đạt điểm số cao môn Văn. Ngoài việc ôn tập ở nhà, cứ đến chiều tối, Diệu Linh lại lao vào lò luyện cho đến 9 giờ tối. Sau một thời gian ngắn nghỉ ngơi, Linh tiếp tục tự ôn tập đến 11-12 giờ đêm.

“Mặc dù em rất yêu thích môn Ngữ văn nhưng nếu đề rơi vào phần mình đã ôn luyện thì bản thân sẽ thấy tự tin hơn. Em rất lo bị “lệch tủ”, kì thi tuyển sinh vào lớp chuyên vừa qua em gặp rất nhiều khó khăn khi câu hỏi không rơi vào phần kiến thức mình được ôn tập” - Linh chia sẻ.

Đồng cảm với Linh, Hải Đăng cũng vừa dự kì thi vào trường chuyên nhưng kết quả khá tệ khi bị “lệch tủ” hoàn toàn. Thấm thía với cảnh này, Hải Đăng tâm sự: “Rút kinh nghiệm của kì thi vừa qua, trong thời gian ít ỏi này em đang tập trung đọc lướt lại hết tất cả các tác phẩm trong sách giáo khoa, kể cả phần đọc thêm”.

Phụ huynh cũng “căng” như dây đàn

Không chỉ có thí sinh mà ngay cả phụ huynh có con thi vào các trường THPT cũng "mất ăn, mất ngủ", đặc biệt là những gia đình cho con dự thi vào các trường chuyên của Hà Nội thì nỗi lo lại thêm phần tăng gấp bội.

Cô Trần Thị Hồng Hà có con đăng ký dự thi vào trường chuyên bày tỏ sự lo lắng: “Cháu nhà tôi đã có mong muốn vào được trường chuyên từ lâu, thấy con quyết tâm nên ngoài giờ học trên lớp, chúng tôi cũng tạo điều kiện cho cháu đi học thêm bồi dưỡng ở ngoài, có con đi thi mới biết các cháu căng thẳng, vất vả như thế nào”.

Nét lo lắng thể hiện rõ nét trên gương mặt của phụ huynh mỗi khi kì đến.
Nét lo lắng thể hiện rõ nét trên gương mặt của phụ huynh mỗi khi kì đến. Trong ảnh: Tâm trạng của một phụ huynh khi chờ đợi con dự thi ở trường
 THPT chuyên Ngữ - ĐH Ngoại ngữ (ĐHQGHN).

Đồng cảm với sự lo lắng của các bậc sinh thành, em Nguyễn Thu Trang học sinh Trường THCS Đông Yên tâm sự: Năm nay em chọn khi vào Trường THPT Minh Khai, mong muốn thi đỗ vào trường này nên em đã lập thế hoạch ôn thì từ nhiều tháng nay nhiều lúc ôn thi vất vả lại lo thi rớt em chán lắm nhưng thấy bố mẹ luôn ở bên lo lắng, động viên cho em thì em hiểu bố mẹ đặt hi vọng ở mình rất nhiều, lúc đó em lại có thêm động lực và giảm bớt căng thẳng để tiếp tục “chiến đấu” với kỳ thi này.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội, tổng số học sinh đăng ký dự tuyển vào các trường THPT không chuyên trên địa bàn thành phố Hà Nội năm học 2015-2016 là 79.653 học sinh. Trong khi đó tổng chỉ tiêu chỉ là 50.185. Như vậy việc cạnh tranh vào lớp 10 năm nay vô cùng căng thẳng.

Chính vì thế, việc các bậc phụ huynh lo lắng là điều dễ hiểu bởi đây là một bước ngoặt quan trọng trên con đường học vấn của con em họ, nếu không đỗ trường công lập sẽ bắt buộc phụ huynh phải tìm một trường dân lập hoặc tư thục nào đó. Tuy nhiên, ngoài vấn đề học phí cao thì một yếu tố quan trọng khác mà phụ huynh băn khoăn là chất lượng của các trường ngoài công lập.

“Thi chuyển cấp lên lớp 10 còn quan trọng hơn thi ĐH, trượt ĐH các cháu còn có cơ hội đi học cao đẳng, trung cấp hay kiếm một ngành nghề nào đó. Còn ở độ tuổi trăng tròn này nếu không được theo học ở một môi trường tốt là rất nguy. Vì vậy, cứ đến mùa tuyển sinh vào lớp thì nỗi lo lắng, hồi hộp luôn thấp thỏm hiện rõ trên gương mặt của những người làm cha làm mẹ. Đúng là con đi thi bố mẹ cũng đi thi” - chị Lê Hằng (quận Hai Bà Trưng) có con chuẩn bị thi vào lớp 10 trải lòng.

Nguyễn Hùng - Lan Anh