Tỷ lệ học sinh học thêm ở Việt Nam rất cao

70% số người trong độ tuổi 14-21 được hỏi đều trả lời rằng có tham gia các lớp học thêm. Tỷ lệ này ở khu vực thành thị và dân tộc Kinh có xu hướng cao hơn nông thôn, dân tộc miền núi (78% thành thị, 66% ở nông thôn và 74,3% dân tộc Kinh, 31,7% dân tộc thiểu số).

Đó là kết quả điều tra quốc gia mới nhất về vị thành niên và thanh niên Việt Nam được Bộ Y tế, Tổng Cục thống kế, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố ngày 26/8.

Hiện tượng học thêm tại Việt Nam ở mức độ cao là do sự cải thiện điều kiện kinh tế của gia đình, sự gia tăng sức ép cạnh tranh về thành tích học tập ở trường, chất lượng học của học sinh và dạy thêm là một cách để tăng thu nhập cho giáo viên.

Sở dĩ có sự chênh lệch giữa nông thôn và thành thị, các vùng miền là do yếu tố kinh tế, giáo viên sẵn sàng dạy thêm, và sự khác nhau ở mức độ ưu tiên và nhận thức về giá trị của học tập chính quy.

Cũng theo kết quả điều tra, trình độ học vấn của thanh thiếu niên Việt Nam chỉ ở cấp trung học cơ sở, với tỷ lệ gần 50%; tỷ lệ đến trường đúng độ tuổi đi học đã đạt 95%. Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ đến tuổi đến trường ở vùng nghèo, nông thôn, dân tộc vẫn thấp.

Theo Lệ Hà
Vietnamnet