Ứa nước mắt khi nghe chuyện cô giáo mắc bệnh ung thư

(Dân trí) - Mặc dù đang mang trong mình căn bệnh ung thư nhưng cô Lê Thị Cúc - giáo viên Trường Tiểu học Hoằng Thịnh (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) vẫn cố gắng đến lớp hàng ngày. Với cô, được dạy học là niềm vui lớn để quên đi những nỗi đau về thể xác...


Khi biết chúng tôi muốn được chia sẻ về hoàn cảnh của mình, cô Lê Thị Cúc (sinh năm 1970, giáo viên Trường Tiểu học xã Hoằng Thịnh, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) chỉ biết ngậm ngùi cho số phận của mình. Trong lúc trò chuyện, đôi lúc cô Cúc chỉ biết im lặng, bùi ngùi, vì những quãng thời gian đầy đen tối trong cuộc đời mình, kể từ khi phát hiện căn bệnh ung thư quái ác.

Vừa từ trường về đến nhà, chỉ kịp cất đi chiếc cặp sách, cô Cúc lại tất bật vào bếp để chuẩn bị bữa trưa cho gia đình. Căn nhà của gia đình cô ở thôn Đông Phú, xã Hoằng Thịnh chỉ cách trường khoảng 2km. Tuy nhiên, hơn 3 năm qua, căn bệnh đã khiến cô không thể tự mình đi đến trường được bằng chính đôi chân của mình.

Bản thân cô sợ cái điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra với mình, và cô không hề mong muốn điều đó. Chính vì thế, lúc nào cô Cúc cũng luôn sống lạc quan, vui vẻ hy vọng chống chọi lại được với bệnh tật.

Dù mang trong mình căn bệnh ung thư quái ác, cô Cúc vẫn miệt mài đứng lớp.
Dù mang trong mình căn bệnh ung thư quái ác, cô Cúc vẫn miệt mài đứng lớp.

“Tôi chỉ mong sao mình được sống để nuôi các con ăn học thành người. Giờ số phận đã bắt mình như vậy rồi, tôi cũng buồn lắm. Biết làm sao được, cũng đành phải gắng để vượt qua tất cả thôi”, cô Cúc tâm sự.

Vợ chồng cô đã có hai người con, một trai và một gái. Niềm vui lớn nhất của cô lúc này là cả hai người con đều chăm ngoan và học rất giỏi. Trong đợt thi đại học vừa qua, cậu con trai đầu của vợ chồng cô là một trong những thủ khoa của cả nước. Còn con gái thứ hai nhiều năm liền là học sinh giỏi cấp huyện và học sinh giỏi cấp tỉnh.

Kể từ khi cậu con trai lớn đi học ngoài Hà Nội, trong nhà chỉ còn lại hai vợ chồng cô Cúc, người con gái đang học lớp 5 và mẹ già đã hơn 80 tuổi.

Cuộc sống sẽ không trở nên khó khăn và bi đát với gia đình cô nếu như căn bệnh hiểm nghèo không đến với cô. Đó là vào năm 2010, cô Cúc bắt đầu thấy trong ngực có một cục hạch nhỏ như hạt đậu. Cứ nghĩ chỉ là hạch bình thường nên cô cũng không đi khám và chú ý nhiều.

Nhưng bắt đầu sang năm 2011, khi thấy sức khỏe trong người ngày càng yếu hơn, thường xuyên ốm đau. Lúc này, đến bệnh viện khám và xét nghiệm, cô Cúc mới biết mình bị mắc bệnh ung thư vú. Biết tin mắc bệnh K, cô Cúc như tuyệt vọng và suy sụp hoàn toàn. Nhưng nghĩ đến gia đình, con cái và công viêc, cô phải vực dậy tìm mọi phương pháp để chữa trị, chống chọi lại với căn bệnh khi “u ác” của mình mới ở giai đoạn đầu. Chỉ sau đó không lâu, cô Cúc được các bác sĩ chỉ định phải phẫu thuật cắt bỏ đi một bên vú với hi vọng loại bỏ khối u.

Tuy nhiên, sau ca phẫu thuật, bệnh tình không những không khỏi mà sức khỏe của cô có phần yếu đi. Từ khi mắc bệnh, công việc giảng dạy của cô thường xuyên bị gián đoạn, có lúc do sức khỏe quá yếu phải nghỉ hẳn ở nhà. Tuy vậy, vì lòng yêu mến trẻ, thấy trong người có thế đứng lớp được cô Cúc lại ra lớp để đến với các em học sinh và tìm cho mình một niềm vui để quên đi những nỗi đau về thể xác.

Sau khi phẫu thuật, mỗi tháng cô Cúc phải đến bệnh viện để thăm khám một lần. Sức khỏe tốt thì chỉ lấy thuốc về nhà uống, sức khỏe mà không khả quan thì phải nằm lại bệnh viện để điều trị một thời gian sau đó mới được về nhà. Chi phí cho mỗi lần cô đi viện điều trị cũng không hề nhỏ.

Kho khăn càng thêm cực khổ hơn khi chồng cô mới nghỉ hưu chưa được nhận chế độ lương hưu lại thường xuyên đau ốm do mắc bệnh sỏi thận. Bên cạnh đó, người con trai đang học ngoài Hà Nội mỗi tháng phải chu cấp tiền ăn học... Tất cả mọi chi phí trong gia đình đều trông chờ vào đồng lương ít ỏi của cô. Dù mang bệnh nặng nhưng cô Cúc lại là lao động chính trong gia đình.

Ngày trước, khi chưa phát bệnh, cô có thể tự mình đi bộ, đi xe máy đến trường để dạy học. Nhưng từ ngày phát bệnh đến nay, sau khi đi bệnh viện về cô không thể tự đi đến trường được do lúc nào đầu cũng choáng và đau nhức, chân hay bủn rủn, đêm đến thì không sao ngủ cho ngon giấc được.

“Hôm tôi lai con gái bằng xe máy đến trường rồi đi dạy luôn, lúc gần đến cổng trường thì thấy trong người choáng váng làm chiếc xe bị đổ ra giữa đường may mà có người giúp mới không sao. Từ đó đến nay tôi không dám đi xe để đi dạy nữa. Hàng ngày, khi đến trường phải nhờ chị em đồng nghiệp hay đi qua đón. Có hôm phải nhờ người cháu hàng xóm”, cô Cúc nói.

Bệnh nặng là vậy nhưng vì lòng yêu mến trẻ, yêu nghề nên cô Cúc vẫn cố gắng lên lớp thường xuyên. Chỉ có hôm nào sức khỏe quá yếu thì cô mới xin phép lãnh đạo nhà trường cho được nghỉ ở nhà điều trị, đến khi thấy khỏe lên, cô Cúc lại trở lại lớp.

Ngoài thời gian giảng dạy và làm việc nhà, cô Cúc còn kèm cặp con gái học bài.
Ngoài thời gian giảng dạy và làm việc nhà, cô Cúc còn kèm cặp con gái học bài.

Mẹ già đau ốm, chồng cũng bị bệnh, con còn nhỏ nên mỗi khi đi dạy về cô Cúc lại phải tất bật chuẩn bị mọi công việc trong gia đình. Từ nấu ăn, giặt quần áo, đi chợ…công việc nhà xong cô lại lao vào soạn bài rồi dạy cho con gái học bài.

Mỗi khi nghĩ đến con, nghĩ đến gia đình cô Cúc như quên đi bệnh tật để sống lạc quan vượt qua mọi khó khăn. Cô Cúc bảo: “Bệnh tật là vậy, giờ tôi cũng chỉ biết sống sao để vượt qua được những tháng ngày khó khăn này, mong cho con cái học hành nên người. Khó khăn là vậy không vui vẻ để sống thì bệnh tật lại phát lên, sức khỏe lại yếu thêm, mệt mỏi không thể đi dạy được thì lại càng suy sụp hơn. Niềm vui mỗi ngày của tôi là được lên lớp để dạy học cho các em học sinh”.

Thầy Lê Văn Tiến - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoằng Thịnh cho biết: “Hoàn cảnh của cô Cúc là trường hợp vô cùng đặc biệt của nhà trường. Giáo viên trong trường ai cũng luôn cảm thông, quan tâm giúp đỡ và chia sẻ với hoàn cảnh của cô Cúc. Chúng tôi cũng đã báo cáo lên cấp trên về hoàn cảnh của cô Cúc để được sự giúp đỡ. Nhà trường trường cũng luôn dành sự quan tâm giúp đỡ đặc biệt, tạo điều kiện tốt nhất để cô Cúc có thể thuận tiện trong công các và điều trị bệnh. Dù bệnh nặng nhưng cô Cúc vẫn luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao…”.

Thái Bá