Dạy thêm, học thêm tràn lan:

Ung bướu cần cắt bỏ

Sinh thời, NGND Nguyễn Lân đã phát biểu: "Cấm tiệt cái việc dạy thêm". Ông phản đối, lên án kịch liệt tình trạng in ấn xuất bản quá nhiều sách "ăn theo" SGK đưa vào nhà trường nhất là sách toán, văn, tiếng Việt ở bậc tiểu học.

Kẻ ăn không hết...

 

Bộ GD- ĐT có chỉ thị số 15/CT về việc dạy thêm, học thêm, song đi vào cuộc sống, chỉ thị này không được thực hiện mà nó lại bị lợi dụng để hợp pháp hoá việc dạy thêm tràn lan. Chỉ thị cho phép bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém, cho dạy thêm nhóm học sinh 5-6 em, cho dạy thêm học sinh cuối cấp đi thi đã làm cho việc dạy thêm phát triển như một phản ứng dây chuyền.

 

Từ một lớp, người ta có thể chia thành 2 lớp nhỏ: Lớp học sinh khá, lớp học sinh kém để dạy thêm. Rồi từ các lớp nhỏ người ta lại chia thành các nhóm để dạy thêm ở nhà học sinh, hay nhà của giáo viên.

 

Trong khi các môn học để đi thi học thêm tràn lan, có trường đã cắt bớt cả giờ chính khoá phân phối theo chương trình của bộ, của sở những môn giáo dục thể chất, giáo dục công dân. Giáo dục thể chất ở THPT 2 tiết/tuần chỉ còn 1 tiết/tuần, giáo dục công dân 1,5 tiết/tuần chỉ còn 1 tiết/tuần.

 

Việc cắt tiết học nội khoá nói trên còn ảnh hưởng đến thu nhập của giáo viên trường ngoài công lập vì lương của họ được trả theo giờ dạy. Cùng trong một trường, giáo viên dạy toán, lý, hoá, ngoại ngữ thì dạy cả sáng, chiều, tối, ngày nghỉ... giáo viên dạy công dân, kỹ thuật, thể chất thì chẳng có dạy thêm, dạy chính khoá cũng bị cắt xén giờ lên lớp, đúng là kẻ ăn không hết, người lần không ra...

 

Theo một đề tài nghiên cứu khoa học về dạy thêm, người ta đã công bố tỉ lệ học sinh học thêm như sau: Tiểu học 96% toán, tiếng Việt; THCS: 98,9% toán, 92,2% ngoại ngữ, 73,3% văn - tiếng Việt; THPT: 98,8% toán, 95,1% lý, 95,1% hoá. Thời gian học thêm: 54,3% học thêm từ 6 đến 15 giờ/tuần; 20,2% học thêm 16 giờ/tuần trở lên.

Ba tác hại

 

1. Dạy thêm, học thêm tràn lan đã phá vỡ giáo dục toàn diện, đặc biệt là coi nhẹ về giáo dục chính trị, đạo đức, giáo dục thể chất. Điểm thi môn sử vào các trường đại học vừa qua là một ví dụ đáng báo động.

 

2. Một nguy cơ lớn nhất là việc dạy thêm, học thêm tràn lan đã phá vỡ phương pháp giảng dạy và học tập khoa học tích cực như học sinh không còn thì giờ học tập cá nhân, tự nghiên cứu, tự học tập, không tiêu hoá được kiến thức, hiểu lơ mơ, nhầm lẫn, khi làm bài kiểm tra thì tìm cách quay cóp, dùng phao khi thi.

 

Giáo viên thì không còn thời gian để chuẩn bị bài thí nghiệm, thực hành dẫn đến dạy chay, học chay, không ít giáo viên dạy giỏi phải chạy sô, là thợ dạy, không phát huy được tính tích cực chủ động của học sinh.

 

3. Việc dạy thêm, học thêm tràn lan đã trở thành một cuộc chạy đua ngày càng quyết liệt của đông đảo cha mẹ học sinh, đặc biệt là những gia đình khá giả. Một bộ phận cha mẹ học sinh khác cũng không muốn cho con em mình phải học thêm như vậy, một mặt vì phải tốn kém tiền của, một mặt lo sức khoẻ cho con nhưng lại sợ con mình thua bè bạn, sợ giáo viên phân biệt đối xử nên cũng phải gồng sức rượt đuổi.

 

Hậu quả tai hại mà ai cũng thấy là trẻ em bị bệnh về mắt ngày càng nhiều, cong, vẹo cột sống ngày càng tăng, suy nhược về tinh thần, mắc bệnh trầm cảm. Một bộ phận không chịu nổi cách học nặng nề gò bó sinh ra quậy phá, trốn học đua đòi sa ngã vào tệ nạn xã hội, gây án...

 

Nước ta đã phổ cập giáo dục tiểu học, đang phổ cập giáo dục THCS, giáo dục đại học đã về tới các tỉnh. Hội Khuyến học đang cổ vũ cho việc xây dựng một xã hội học tập. Khi 100% dân cư đến trường thì sự tồn tại và hưng thịnh của một đất nước được quyết định bởi nền giáo dục. Vì vậy phải tìm mọi cách cắt bỏ ung bướu dạy thêm, học thêm tràn làn càng sớm càng tốt.

 

 

Nhà giáo Trần Hữu Trù

Nguyên chuyên viên cao cấp - Bộ GD- ĐT

Theo Lao Động