Ung dung… thất nghiệp

(Dân trí) - Không phải cử nhân thất nghiệp nào cũng nỗ lực tìm kiếm việc làm. Không ít cử nhân ung dung từ chối cơ hội việc làm hoặc bỏ việc vì cho rằng công việc “không xứng” để rồi thất nghiệp.

Nằm dài kén việc

Lý do cử nhân thất nghiệp được mổ xẻ rất nhiều như kinh tế khó khăn, dự báo nguồn nhân lực chưa tốt dẫn đến chênh lệch cung cầu. Nhưng ngoài yếu tố khách quan thì không ít cử nhân chấp nhận thất nghiệp khi đánh giá mình quá cao nên nằm dài từ ngày này qua tháng khác, thậm chí từ năm này sang năm khác để chờ việc. 

Không phải cử nhân nào cũng nỗ lực hết mình để tìm kiếm việc làm.
Không phải cử nhân nào cũng nỗ lực hết mình để tìm kiếm việc làm.

Tốt nghiệp một ngôi trường nổi tiếng danh giá, L.A.Đ. từ bỏ cơ hội làm việc tại một ngân hàng ở tỉnh để bám lại thành phố. Mới đầu, Đ. chỉ gửi hồ sơ vào những doanh nghiệp nhắc tên ai cũng biết, mãi một thời cậu mới được một công ty nước ngoài nhận vào thử việc. Chưa được một tháng, Đ. uể oải vì công ty "đeo mác" lớn mà mức lương khởi điểm chỉ trên 5 triệu đồng, tương lai cũng chưa thấy nên cậu bỏ.

Đến nhiều nơi khác, Đ. chê công ty không có tiếng hoặc mức lương ban đầu quá thấp. Đ. tuyên bố, cậu sẽ chỉ đi làm khi tìm được việc phù hợp và mức lương như mong muốn. Đ. đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho rằng công việc bây giờ khó tìm, đãi ngộ không đáng với công sức nên hơn một năm nay cậu thất nghiệp, sống bằng trợ cấp từ gia đình.

Con số 72.000 cử nhân trong 900.000 người trong cả nước đang thất nghiệp làm cả xã hội sốt sắng, lo lắng, mổ xẻ… Nhưng đâu phải cử nhân thất nghiệp nào phải lo bươn chải, nỗ lực kiếm việc làm. Không hề thiếu những cử nhân thất nghiệp vẫn ung dung la cà quán cà phê, chém gió với bạn bè, sống dựa vào bố mẹ. Họ rơi vào trạng thái không việc làm khi suốt ngày than việc chán quá, môi trường chán quá, lương chán quá và nuôi mình bởi suy nghĩ thời điểm này có kiếm cũng chẳng được công việc như ý.

Đánh giá bản thân quá cao, đòi hỏi ưu đãi về mức lương, công việc là điều mà nhiều doanh nghiệp ngán ngại khi tuyển dụng sinh viên (SV) tốt nghiệp. Dù rằng công việc không dễ kiếm nhưng nhìn đâu các cử nhân cũng… chê, kén cá chọn canh, cho rằng công việc, lương bổng chưa xứng. Họ dễ dàng từ chối cơ hội việc làm hoặc bỏ việc khi gặp phải khó khăn nhỏ thì thất nghiệp là chuyện dễ hiểu.

Thất nghiệp vì không lo đói?

Tiến sĩ Đỗ Hạnh Nga, Trưởng khoa Công tác Xã hội, ĐH KHXH&NV TPHCM cho rằng, nguyên nhân thất nghiệp tùy thuộc vào từng ngành nghề và do chúng ta phân luồng không tốt. Các trường trung cấp, trường nghề được đầu tư rất nhiều lại không có người học. Nhiều SV tốt nghiệp ĐH mà không đáp ứng được yêu cầu về tay nghề cùng các kỹ năng đi kèm.

Tuy vậy, bà Hạnh Nga đặt thêm vấn đề, cử nhân kén việc, dễ dàng chấp nhận thất nghiệp vì họ vẫn có thể sống dựa, ỷ lại vào gia đình mà không quá lo lắng việc nuôi bản thân. “Tôi tin rằng nếu các bạn thật sự năng động và phải tự lo cho mình thì họ sẽ nỗ lực hơn để tìm việc chứ không ung dung được đâu”, bà Hạnh Nga bày tỏ.

Không phải cử nhân nào cũng nỗ lực hết mình để tìm kiếm việc làm.
Đánh giá đúng bản thân và thị trường trường lao động sẽ giúp cử nhân có thêm nhiều cơ hội việc làm. 

Ông Nguyễn Trọng Đức, chủ một doanh nghiệp về sản xuất bao bì ở Q. Tân Phú, TPHCM cho hay, có nhiều SV mới ra tường đến xin việc đã đưa ra mức lương ban đầu 10 - 20 triệu đồng - mức của cấp quản lý. Có bạn mới vào đã đòi hỏi ngay vị trí cao và tỏ ra bất mãn khi phải xử lý nhiều công việc mà họ cho là không phải nhiệm vụ của mình.

Nhiều cử nhân không nhìn nhận thực tế sự cạnh tranh trên thị trường lao động ngày càng cao, doanh nghiệp sẽ đưa ra những tiêu chí, đòi hỏi khắt khe để tuyển được ứng viên phù hợp, xử lý được nhiều việc. Hơn nữa, đặc điểm của thị trường Việt Nam là lương khởi điểm thấp, có mức chênh lệch lớn giữa lương nhân viên là cấp quản lý.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng cử nhân thất nghiệp và nhiều lý do không thể khắc phục trong ngày một, ngày hai. Nếu chỉ đỗ lỗi hết cho hoàn cảnh, thiếu cái nhìn thực tế về bản thân cũng như về thị trường lao động để nỗ lực hết mình thì cử nhân sẽ còn thất nghiệp dài dài.

Lời khuyên của nhiều chuyên gia nhân sự, để tránh thất nghiệp, SV ra trường cần trau dồi chuyên môn, ngoại ngữ và kỹ năng để tăng sức cạnh tranh của bản thân. Điều quan trọng không kém là các bạn đừng ngại bắt đầu từ những vị trí thấp, lương khởi điểm chưa cao để có một lộ trình công việc vững chắc.
 

Nói về nghịch lý có bằng cấp lại dễ thất nghiệp, nhà giáo dục Giản Tư Trung cho rằng, những người học trường nghề hoặc không có bằng cấp họ rất thực tế, họ hiểu về bản thân mình. Còn nhiều người có bằng cấp nhưng không có năng lực để xin việc phù hợp và cũng không chịu làm những công việc phổ thông, tay chân hay bắt đầu từ những vị trí thấp hơn. Họ đang tự “trói” mình trong trong bi kịch, khốn khổ lớn nhất của đời người là không lao động.

 
Hoài Nam