Ứng phó khi con bị xâm hại tình dục

Việc quấy rối, xâm hại, bạo lực tình dục hiện nay không chỉ xảy ra ở trẻ em gái mà cả bé trai.

Chiều 30-11, Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM phối hợp cùng Tổng Lãnh sự quán Canada và Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) đã tổ chức tọa đàm về Xóa bỏ bạo lực giới với phụ nữ và trẻ em gái.

Đừng để điều bất thường thành bình thường

Tại tọa đàm, chương trình đã chiếu bộ phim tư liệu Đừng khóc một mình (Don’t cry alone) về những trường hợp có thật bị xâm hại tình dục trong gia đình, nhà trường, nơi công cộng… Trong đó, đáng chú ý là câu chuyện của một phụ nữ bị chồng xâm hại tình dục, người chồng này còn có thói quen mở phim sex ngay trong nhà để xem. Bé trai trong gia đình cứ đi qua đi lại xem và cho đến một ngày em cũng bắt chước cha tự mở phim như thế để xem.

TS Nguyễn Bảo Thanh Nghi, Trưởng bộ môn Xã hội học Trường ĐH Mở TP.HCM, cho rằng việc thay đổi nhận thức trong suy nghĩ hằng ngày của nhiều thế hệ về vấn đề tính dục rất quan trọng cho hành trình chống xâm hại tình dục ở trẻ em. “Cho con trẻ tiểu tiện tự do ngoài đường với lý do con còn bé; ông bà nội ngoại trong nhà, người thân… sờ, khều, hôn bộ phận sinh dục của con với lòng yêu thương… Những hành động đó với nhiều gia đình đến giờ vẫn là điều bình thường. Nếu chúng ta vẫn suy nghĩ bình thường như thế thì khi trẻ bị người lạ sờ vào chỗ kín, nhìn vào chỗ kín trẻ cũng thấy đó là bình thường chứ không ý thức rằng đó là xâm hại tình dục” - TS Thanh Nghi cảnh báo.


Bà Marie Watson, người sáng lập tổ chức Home of Hope, chia sẻ với những người tham dự tọa đàm. Ảnh: Q.TRANG

Bà Marie Watson, người sáng lập tổ chức Home of Hope, chia sẻ với những người tham dự tọa đàm. Ảnh: Q.TRANG

Dạy con không đụng vào người khác

Bà Marie Watson, người sáng lập tổ chức Home of Hope (tổ chức chuyên bảo vệ trẻ em và phụ nữ bị xâm hại tình dục trên thế giới), cho rằng ngay tại các nước phương Tây, không có một chương trình nào dạy riêng biệt về xâm hại tình dục. Trong mỗi môn học hay các chương trình giáo dục đều tăng cường giúp các em hiểu biết thêm về vấn đề này. Khi bị xâm hại tình dục ở trường lập tức các em phải báo với giáo viên, hay bị xâm hại ở nơi khác các em phải báo ngay với người nhà. “Tôi có ba con trai và tôi dành rất nhiều thời gian để dạy cho con tôi về vấn đề xâm hại tình dục, một mặt dạy con không đụng vào người khác, mặt khác con cũng không để người khác đụng vào mình. Từ ba tuổi bạn nên dạy con về những điều này bởi đó là tuổi con bắt đầu đến trường, rời xa cha mẹ. Khi con nhận thức đúng thì con sẽ làm điều đúng, không để người ta quấy rối và cũng không quấy rối người khác” - bà Marie Watson nhấn mạnh.

Tất cả chuyên gia đều khuyên rằng khi bản thân bị quấy rối, hay nhìn thấy người khác có hành vi quấy rối dù là người lớn hay trẻ em thì việc lên tiếng là điều quan trọng và nhanh nhất để ngăn chặn.

Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam định kiến xã hội là nguyên nhân chính làm những người sau khi bị quấy rối tình dục, cưỡng hiếp… chọn phương án im lặng. “Ở nông thôn lẫn thành thị, người đã bị bạo lực tình dục nếu là trẻ em và các thiếu nữ sau này sẽ khó lấy chồng. Nhiều trường hợp họ bị đánh giá ngược là lẳng lơ, ăn mặc hở hang… mới bị quấy rối. Vấn đề quan trọng nhất là làm sao để chính những nạn nhân dám nói lên câu chuyện của mình” - bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc CSAGA, nói. Vấn đề quan trọng nhất vẫn là cha mẹ phải luôn gần gũi con để hướng dẫn cho trẻ những kỹ năng phòng, chống bị xâm hại.

Những điều cha mẹ lưu ý để giúp con

Thời gian qua, trang mạng của Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) ở Việt Nam đã đưa ra lời khuyên cho các phụ huynh cách phòng tránh về nguy cơ xâm hại tình dục đối với trẻ em.

1. Dạy cho con biết được những điều cấm:

- Dạy cho trẻ báo động khi có người lạ đang nói/nhìn/sờ vùng kín của trẻ nhỏ hoặc dụ dỗ các em nói/nhìn/sờ vùng kín của họ.

- Dạy cho con biết như thế nào là ôm bế không đứng đắn.

- Dạy con báo động khi ai đó đưa con đến khu vực vắng mà không có sự cho phép của cha mẹ, có thể con bạn sắp bị bắt cóc hoặc xâm hại tình dục.

2. Nếu thấy một trong các báo động trên, cha mẹ cần:

- Thông báo với gia đình và chính quyền liên quan.

- Tuyệt đối không được đổ lỗi cho trẻ nhỏ.

80% tổng số vụ xâm hại trẻ em là xâm hại tình dục. Năm 2014, cả nước có 1.544 vụ xâm hại tình dục trẻ em, trong đó 85% trẻ bị xâm hại tình dục bởi những người quen biết.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an năm 2014

Theo Pháp luật TP.HCM