Ứng xử của cha mẹ khi con “bập” vào yêu ở tuổi học trò

(Dân trí) - Chuyện các cháu bập vào yêu đương, gia đình khó lòng mà ngăn cấm hoặc dùng mọi cách trừng phạt khi con yêu. Những rung động đầu đời của tuổi học trò cần được cha mẹ đồng cảm và khéo léo định hướng...

Ngày 14/2 năm nay, tôi không hề nhớ là ngày Valentine, tôi chỉ nhớ hôm đó là mùng 7 Tết, ngày mai tụi nhỏ sẽ quay lại trường học. Cứ nghĩ thương cô bé trong xóm, bố mất sớm, mẹ em tảo tần đi làm nuôi hai con ăn học. Buổi tối hôm trước sang chơi, cháu buột miệng nói rất thích đeo vòng tay, mẹ mới mua tặng cháu đôi khuyên tai bạc lóng lánh. Mẹ cháu bảo dịp khác mẹ sẽ mua tặng. Tôi biết có cửa hàng đồ lưu niệm dưới trung tâm thị trấn mà lũ học trò rất mê, tôi xuống đó chọn mua tặng cô bé chiếc vòng đá xinh xắn.

Hai cô cháu trò chuyện cùng nhau buổi trưa, mẹ cháu đi vắng. Cháu ồ lên sung sướng và cảm ơn tôi rối rít. Cháu đang soạn lại quần áo, tôi ngồi gấp quần áo và hỏi chuyện "Cháu đã yêu chưa?". Cháu cười bẽn lẽn, sau vài phút ấp úng cháu thổ lộ "Cháu có yêu anh hơn vài tuổi, cô ạ". Nhìn gương mặt hồng phấn của tuổi 17 thật đáng yêu, tôi bảo cô ngày xưa cũng từng yêu tuổi học trò đấy, ngày ấy cô cũng nghịch ngợm, thích làm theo ý mình. Nhưng yêu phải biết yêu an toàn, cháu nhé.

Cô bé cứ cười bẽn lẽn, tôi vừa cười đùa vừa trêu cháu: Không được đi cùng người yêu ra chỗ vắng, có thể ôm hôn nhưng không được làm "chuyện ấy". Tôi cũng chỉ cho cháu vài tấm gương yêu sớm, có thai rồi phải bỏ học, lấy chồng sinh con sớm, lỡ dỡ ước mơ, gia đình mang tai tiếng với xóm làng. Cháu bảo cháu rất hiểu điều ấy.

Tôi bảo cháu hãy cố gắng học hành, thời gian còn lại giúp mẹ việc nhà, hướng dẫn em trai học bài.

Cô bé này có tiếng ngang ngạnh, từng được phong là "tay anh chị" trong lớp. Nhiều cô bác trong khu tập thể còn cấm đoán, dè chừng không cho con cái giao du cùng cô bé.

Tôi nghĩ nếu ai cũng xa lánh cháu thì cháu rất cô đơn và cháu càng lún sâu vào lỗi lầm. Nhẹ thì bắt nạt, nặng thì kéo bè phái đánh nhau với các bạn.

Tôi biết hết chuyện không hay của cô bé, tôi không giáo huấn cháu mà chỉ trò chuyện cùng cháu như một người bạn, gợi cho cháu những suy nghĩ : đâu là tốt, đâu là xấu.

Chuyện các cháu bập vào yêu đương, gia đình khó lòng mà ngăn cấm hoặc dùng mọi cách trừng phạt khi con yêu. Những rung động đầu đời của tuổi học trò cần được cha mẹ đồng cảm và khéo léo định hướng.

Thời tôi đi học, bạn tôi yêu suốt 3 năm cấp ba, một tình yêu trong sáng mộng mơ, hai người đều đỗ đại học và kết thúc bằng một đám cưới như mơ. Nhiều bạn yêu, dẫu tan vỡ nhưng cái nắm tay, bức thư tình hay nụ hôn đầu tiên đều trở thành kỉ niệm đẹp theo suốt cuộc đời.

Vậy thì cớ gì khi chúng ta trở thành cha mẹ, việc con cái biết yêu lại khiến bố mẹ nóng tiết đến mức mất ăn mất ngủ, chửi bới con cái này kia rồi đánh đập, dọa "tống cổ khỏi nhà".

Phải chăng cuộc sống đầy đủ sung túc hơn, con cái chúng ta biết nhiều hơn lại khiến bố mẹ bất an, luôn ra sức bảo vệ con tránh xa mọi cạm bẫy đời thường? Con mà biết yêu được xem là chuyện tày đình, không thể chấp nhận được. Phụ huynh thường không giữ nổi bình tĩnh để trò chuyện cùng con mà thường làm ầm ĩ lên khiến con cái xấu hổ, không bao giờ dám hỏi bố mẹ kiến thức về giới tính, tình yêu.

Bố mẹ thời @ cần học thêm rất nhiều thứ để có thể trở thành người bạn tin cậy của con cái, hướng dẫn con yêu một cách an toàn chứ không phải lúc nào cũng hô khẩu hiệu "việc của con là phải học, những việc khác sau này con khắc biết".

Thanh Mai

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!