Ứng xử thầy - trò vào đề tài nghiên cứu khoa học của nữ sinh

(Dân trí) - Hiện nay thời gian ở trường của học sinh chiếm đến một nửa quỹ thời gian trong ngày. Học sinh không chỉ học ở thầy cô về kiến thức mà còn bị tác động bởi lối ứng xử, quan điểm sống… Đó chính là lý do khiến Thanh Huyền và Phương Trầm chọn đề tài NCKH của mình.

Phạm Thị Thanh Huyền (
Phạm Thị Thanh Huyền (trái) và Phan Phương Trầm chia sẻ với PV Dân trí.

Tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học khu vực phía Bắc năm 2015, đề tài “Nhu cầu của học sinh về ứng xử của thầy, cô giáo trong trường THPT” của hai nữ sinh Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) đạt giải Nhì lĩnh vực Khoa học xã hội và giải Ba toàn cuộc. Tác giả của đề tài duy nhất trong lĩnh vực KHXH này chính là hai nữ sinh Phạm Thị Thanh Huyền (lớp 12C1) và Phan Phương Trầm (lớp 11D5) - Trường THPT chuyên Phan Bội Châu.

Phạm Thị Thanh Huyền chia sẻ về lí do chọn lựa đề tài này: “Với sự đổi mới phương pháp giáo dục như hiện nay thì thời gian ở trường của học sinh chiếm đến một nửa quỹ thời gian trong ngày. Bởi vậy, sự tiếp xúc giữa người thầy và trò, giữa trò và trò là rất lớn. Học sinh không chỉ học ở thầy cô giáo của mình kiến thức và còn bị tác động bởi lối ứng xử, quan điểm sống…

Tuy nhiên, mối quan hệ thầy - trò đang có dấu hiệu biến tướng, kéo theo những tiêu cực phát sinh. Giữa thầy và trò đã xuất hiện sự thiếu tôn trọng lẫn nhau. Chúng em mong muốn được thầy cô giáo hiểu mình. Thầy cô không chỉ là người thầy trên bục giảng mà còn là người bạn tâm giao, đủ tin cậy để học sinh có thể chia sẻ”.

Phạm Thị Thanh Huyền (
Phan Phương Trầm: "Mối quan hệ thầy - trò vẫn đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ của hành vi ứng xử tiêu cực".

Cuộc thi được phát động từ tháng 6/2014 nhưng phải đến tháng 8, Huyền và Trầm mới có thể bắt tay vào triển khai ý tưởng. Cũng đã có những tranh luận gay gắt thì 2 bộ câu hỏi trắc nghiệm đối với 2 đối tượng thầy - trò mới được hoàn thành. “Cũng may là cả hai chị em đều được bố mẹ, thầy cô giáo ủng hộ nên công việc cũng thuận lợi hơn”, Trầm cho biết.

Sau khi hoàn thành 2 bộ câu hỏi, Huyền và Trầm liên hệ qua Hội đồng khoa học của các trường để thực hiện việc khảo sát. Tiếp đó là những ngày bắt xe cả trăm cây số ra Quỳnh Lưu hay lên tận huyện vùng biên Quế Phong của Nghệ An để tìm hiểu nhu cầu của học sinh đối với ứng xử của thầy cô hay những mong muốn của thầy cô đối với học sinh của mình.

Các câu hỏi đều hướng vào những vấn đề “nóng” trong quan hệ thầy - trò hiện nay và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía các bạn học sinh của 10 trường thuộc vùng thành phố, nông thôn, miền núi và trường ngoài công lập. 900 bộ câu hỏi phát ra chưa đủ để nắm bắt hết tâm tư, tình cảm, mong ước của các học sinh đối với giáo viên của mình, Huyền và Trầm phải trực tiếp trò chuyện để hiểu sâu hơn về mong muốn của các bạn cùng lứa.

Phan Thị Thanh Huyền: Học sinh phải là người chủ động cải thiện mối quan hệ với thầy, cô giáo.
Phan Thị Thanh Huyền: "Học sinh phải là người chủ động cải thiện mối quan hệ với thầy, cô giáo".

Trong số 900 bạn học sinh được khảo sát, có 540 bạn (chiếm 57%) cho rằng trong trường THPT hiện nay mối quan hệ giữa thầy, cô giáo là gần gũi và bình đẳng. 247 học sinh (chiếm 30%) lại cho rằng quan hệ thầy - trò hiện nay có khoảng cách. 297 học sinh (chiếm 33%) thiếu tự tin và 225 học sinh (chiếm 25%) không thoải mái khi tiếp xúc với thầy, cô giáo của mình. “Từ số liệu này cho thấy mối quan hệ giữa thầy và trò vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ của các hành vi ứng xử tiêu cực”, Phương Trầm nhận xét.

Huyền và Trầm cũng đã khảo sát ý kiến của 100 thầy, cô giáo tại 10 trường nói trên. Thanh Huyền cho biết: “Cũng có một vài thầy cô giáo né tránh hoặc e ngại khi bọn em khảo sát nhưng phần lớn là các thầy cô giáo rất ủng hộ, nhiệt tình giúp đỡ hai chị em, đặc biệt là Hội đồng khoa học nhà trường cũng như cô giáo Trần Thị Thủy, người trực tiếp hướng dẫn chúng em thực hiện đề tài”.

Không chỉ đưa ra được một phần thực trạng ứng xử trong mối quan hệ thầy - trò tại các trường THPT hiện nay mà Thanh Huyền và Phương Trầm đã tìm ra được nguyên nhân để từ đó mạnh dạn đề ra các giải pháp để góp phần thắt chặt tình thầy - trò. Trong các nhóm giải pháp được đưa ra thì đối tượng học sinh vẫn là trung tâm, là người “tháo” nút thắt trong ứng xử với thầy, cô giáo. Học sinh phải là người chủ động cải thiện mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh. Việc cải thiện mối quan hệ này có thể bằng cách nói chuyện trực tiếp, chia sẻ qua điện thoại hay mạng xã hội… để chia sẻ với các thầy, cô những khó khăn, vướng mắc trong học tập cũng như trong cuộc sống.

Hai em Huyền và Trầm báo cáo kết quả thực hiện đề tài trước Hội đồng giám khảo. (Ảnh: NVCC).

Hai em Huyền và Trầm báo cáo kết quả thực hiện đề tài trước Hội đồng giám khảo. (Ảnh: NVCC).

Trầm và Huyền cũng kiến nghị nhóm giải pháp cho phía giáo viên, nhà trường, gia đình và xã hội. “Chúng em mong muốn thầy cô giáo chủ động tiếp cận, gần gũi với học sinh hơn để nắm bắt được tâm lý lứa tuổi học trò. Chúng em cũng mong nhận được nhiều sự khích lệ, động viên của các thầy cô để có thể phát huy được thế mạnh của bản thân. Về phía nhà trường, chúng em mong muốn được tăng cường giáo dục kỹ năng sống bằng các hoạt động ngoại khóa, hoạt động ngoài giờ lên lớp… để thầy và trò có nhiều cơ hội và thời gian để gần gũi, thấu hiểu nhau hơn”, Phan Phương Trầm chia sẻ.

Và nhu cầu của Huyền, của Trầm, của các bạn học sinh được khảo sát đối với thầy cô cũng hết sức đơn giản. Chỉ cần một lời khen ngợi, khích lệ đúng lúc của người thầy, một lời hỏi thăm, động viên mỗi khi bị tổn thương hay phạm lỗi… cũng khiến các em thấy ấm lòng, thấy được quan tâm, chia sẻ và được thầy cô giáo tôn trọng, yêu mến.

Với giải Ba toàn quốc từ đề tài này, Phương Trầm và Huyền Trang được tuyển thẳng vào đại học. Hai cô bạn vẫn đang ấp ủ triển khai và hoàn thiện đề tài trên phạm vi lớn hơn để đề tài thực sự đi vào thực tế, góp phần thắt chặt hơn mối quan hệ thầy - trò.

Hai em Huyền và Trầm báo cáo kết quả thực hiện đề tài trước Hội đồng giám khảo. (Ảnh: NVCC).
Thanh Huyền và Phương Trầm tại buổi lễ nhận giải Ba toàn quốc cho đề tài nghiên cứu khoa học của mình (Ảnh: NVCC).

Trao đổi với chúng tôi, cô Trần Thị Thủy - giáo viên Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu cho biết: “Trên phương diện là giáo viên hướng dẫn đề tài cho các em thì tôi thấy đây là một đề tài hay, độc đáo. Thực ra thì vấn đề ứng xử cùa thầy và trò không phải là mới nhưng hai em là người đầu tiên đề cập tới vấn đề này dưới góc nhìn của học sinh. Huyền và Trầm đã dám mạnh dạn lên tiếng về những vấn đề “nóng” nhưng cũng khá nhạy cảm.

Còn trên phương diện là người giáo viên, tôi nghĩ không phải chỉ riêng tôi mà rất nhiều giáo viên khác khi đọc báo cáo khoa học của hai em sẽ nhìn nhận lại bản thân mình. Chúng tôi chú trọng vào công tác chuyên môn nên có những lúc đã bỏ quên những nhu cầu chính đáng của học trò đó là được quan tâm, được chia sẻ, được đối xử bình đằng và được tôn trọng”.

Hoàng Lam
 

Thông tin, bài viết về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!