Vài thập kỷ nữa Việt Nam mới có trường ĐH đẳng cấp quốc tế

(Dân trí) - “Theo tôi, thời gian có lẽ cần phải vài thập kỷ nữa, chứ không phải 10-15 năm để Việt Nam có trường đại học đạt đẳng cấp quốc tế. Trong thời điểm hiện tại, đó là một điều hoàn toàn viển vông”, Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng (ĐH Toulouse, Pháp) nhận định.

GS đánh giá thực trạng giáo dục đại học Việt Nam hiện nay như thế nào? Theo GS, chúng ta đang đứng ở vị trí nào so với thế giới?

 

Về nền giáo dục nói chung, theo tôi Việt Nam mới đạt mức trung bình yếu, còn riêng giáo dục Đại học thì là yếu. Hiện Việt Nam đang nằm trong số 60 nước có nền giáo dục Đại học yếu nhất thế giới. Điều đó phản ánh thực trạng yếu kém của giáo dục đại học Việt Nam so với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới.

 

Không nói đâu xa, chỉ so sánh ngay với Thái Lan và Malaysia trong khu vực Đông Nam Á, hai nước này hiện cũng phát triển nhanh hơn Việt Nam về giáo dục đại học. Thậm chí là ở lĩnh vực toán học, ngành khoa học mà Việt Nam vốn thường tự hào. Theo số liệu mới đây mà tôi được biết, Thái Lan và Malaysia đã vượt qua Việt Nam về số lượng công trình toán học được xuất bản.

 

Theo GS, tại sao cho tới thời điểm này, Việt Nam chưa có một trường ĐH nào lọt Top 400 hay 500 của các BXH danh tiếng như Times Higher Education World University Rankings hay Academic ranking of world universites do ĐH Giao thông Thượng Hải (Shanghai Jiao Tong University)?

 

Theo tôi, đây là điều phản ánh đúng thực tế, dù là một thực tế đáng buồn. Nếu Việt Nam có trường đại học lọt vào những Top như bạn liệt kê ở trên, đó mới là điều đáng ngạc nhiên. Không thể phủ nhận Việt Nam có nhiều nhà giáo dục, nhà khoa học tài năng và tâm huyết với sự nghiệp giáo dục. Tuy nhiên, do còn quá nhiều rào cản về cơ chế, thể chế, đầu tư cho nghiên cứu khoa học… nên những nhà khoa học này chưa thể toàn tâm, toàn ý và có đủ điều kiện để đóng góp cho nền giáo dục một cách tốt nhất.

 

Hiện tại theo tôi, chúng ta không nên đặt ra vấn đề là làm sao có được trường đại học đạt một thứ hạng nào đó trên các bảng xếp hạng của thế giới mà trước hết, cần phải xây dựng một nền tảng cơ sở tốt để các trường đại học có cơ hội phát triển. Như người ta thường nói bạn không thể xây một tòa lâu đài trên cát.

 

Khi chúng ta hướng tới chuẩn quốc tế, tức là chúng ta nhìn nhận được trường đại học đẳng cấp quốc tế nó như thế nào thì mới có thể dựa vào đó, biết chúng ta cần phải thay đổi những gì. Theo tôi, thời gian có lẽ cần phải vài thập kỷ nữa, chứ không phải 10-15 năm để Việt Nam có trường đại học đạt đẳng cấp quốc tế. Trong thời điểm hiện tại, đó là một điều hoàn toàn viển vông.

 

Vài thập kỷ nữa Việt Nam mới có trường ĐH đẳng cấp quốc tế
Giấc mơ lọt vào Top các bảng xếp hạng đại học uy tín của thế giới vẫn còn xa vời với các trường ĐH Việt Nam



Một trường đại học phải bao gồm những điều kiện gì và dựa trên tiêu chí nào thì được coi là đạt đẳng cấp quốc tế, thưa GS?

 

Để đánh giá một trường đại học đạt đẳng cấp quốc tế, người ta thường dựa vào hai tiêu chí chính là thành tích về giảng dạy và nghiên cứu. Thành tích về giảng dạy ở đây bao gồm uy tín của bằng cấp, tỷ lệ sinh viên ra trường tìm được việc làm, cựu sinh viên có nắm những vai trò quan trọng trong xã hội, hay các tổ chức quốc tế… Còn thành tích về nghiên cứu là số công trình được xuất bản, trích dẫn, giải thưởng…

 

Tuy nhiên, tôi cho rằng để đánh giá một trường đại học đạt tiêu chuẩn quốc tế thì việc xét các điều kiện mà trường đó có quan trọng hơn là đánh giá về thành tích. Nói một cách nôm na, “không có bột thì sao gột nên hồ”, nếu điều kiện của ta tồi thì khó mà đạt được thành tích cao.

 

Tôi xin đưa ra một số điều kiện để một trường đại học đạt đẳng cấp quốc tế:

 

- Điều kiện về Đầu tư tài chính: Trên thế giới, có những trường đầu tư hàng tỷ USD một năm cho giảng dạy, nghiên cứu... Trong khi đó, một trường đại học Việt Nam tính theo tổng đầu tư trong 10 năm chỉ mới đạt 200 triệu USD, một mức còn quá khiêm tốn. Bởi vậy, chúng ta chưa nên đặt ngang bằng với quốc tế mà đặt mục đích đảm bảo chất lượng cho phù hợp với điều kiện kinh tế của VN.

 

- Điều kiện về con người: Một trường đại học dù trang bị tốt đến mấy, đầu tư nhiều đến mấy mà không có nhân lực giỏi thì cũng khó mà phát triển và đạt tầm quốc tế. Đội ngũ giảng viên của các trường đại học Việt Nam hiện tại còn quá mỏng. Tôi lấy ví dụ về ngành Toán, được coi là ngành khoa học phát triển tốt nhất ở VN hiện tại. Nếu so sánh cả nền toán học của Việt Nam và Viện Toán Toulouse nơi tôi đang làm việc, về số lượng thì người làm toán ở Việt Nam đông hơn nhưng số lượng công trình thì còn thấp hơn, đó là chưa nói tới chất lượng.

 

Nếu chúng ta tập hợp tất cả những nhà toán học giỏi ở Việt Nam thì còn có thể đủ điều kiện để xây dựng một trường đại học đạt đẳng cấp quốc tế nhưng nếu làm như vậy thì những trường còn lại sẽ phát triển ra sao. Bởi vậy, theo tôi đó là một giải pháp không khả thi.

 

- Cơ chế đài thọ cho những nhà khoa học: Những trường đại học nổi tiếng như Harvard, Yale, Oxford đều có cơ chế đài thọ cực tốt cho đội ngũ giáo sư, giảng viên của họ. Các trường đại học Mỹ nổi tiếng không chỉ bởi họ tuyển mộ được những nhà khoa học giỏi ở mọi nơi trên thế giới mà còn luôn có cơ chế đài thọ xứng đáng. Trong tình hình hiện tại của Việt Nam thì đây là điều cực kỳ khó khăn và là một trong những rào cản khiến các trường đại học chúng ta khó có được những giáo sư hàng đầu thế giới tham gia giảng dạy.

 

Những khó khăn đối với giáo dục đại học Việt Nam để xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế là gì? GS đánh giá đâu là khó khăn lớn nhất và cần phải làm gì để tháo gỡ?

 

Theo tôi, giáo dục đại học Việt Nam đang đối diện rất nhiều khó khăn để có thể đạt được mục tiêu xây dựng một trường đại học đẳng cấp quốc tế. Đó là những rào cản về cơ chế, thể chế, nguồn lực giảng viên, quyền tự chủ cho các trường đại học, cơ chế tuyển chọn cán bộ… Cơ chế quản lý trói buộc khiến nhiều nhà khoa học có tâm huyết và tài năng nhưng lại không có đủ thời gian và điều kiện dành cho nghiên cứu.

 

Một điều rất quan trọng để các trường đại học phát triển là phải được tự chủ về tài chính. Khi về công tác ở Việt Nam, tôi được biết rằng ở một số trường đại học được tự chủ về tài chính, họ trả lương giáo viên thậm chí còn cao hơn nhiều so với các trường khác, dù họ không được nhà nước đầu tư nhiều bằng.

 

Điều đó cho thấy không phải các trường không có tiền trả cho giảng viên mà là cơ chế khiến các trường không thể trả lương xứng đáng cho giảng viên hoặc có tiền nhưng tiền đó dành cho các công việc, mục đích khác, không phục vụ công việc nghiên cứu. Hướng cho các trường đại học được phép tư chủ về tài chính, và theo tôi, minh bạch hóa là yếu tố quan trọng cần thiết để trường đại học phát triển.

 

Để tiến bước và dần bắt kịp với các nền giáo dục tiên tiến trong khu vực, châu lục cũng như thế giới, chúng ta có nên “học tập” theo một mô hình nào không?

 

Mỗi quốc gia có một môi trường giáo dục riêng. Nếu chúng ta copy nguyên xi một mô hình nào đó thì sẽ khó mà phù hợp bởi nền tảng, văn hóa, môi trường, cơ chế… ở Việt Nam hoàn toàn khác. Cái mà chúng ta có thể học tập được là phân tích những điểm tốt của các mô hình đó và áp dụng cho phù hợp với thực tế, điều kiện ở Việt Nam. Tuy nhiên, để làm được điều đó, cần phải có những người có trình độ và tâm huyết để vạch ra và xây dựng thành chiến lược cụ thể.

 

Xin cảm ơn GS đã trả lời phỏng vấn của Dân trí!

 

Mạnh Hải