Giữa học kỳ 1, các trường thí điểm phân ban:

Vẫn chờ… thiết bị

Sách về trước, thiết bị tà tà về sau. Đó là tình cảnh của các trường THPT ở TPHCM khi bước sang năm thứ 3 thí điểm phân ban.

Năm thứ nhất triển khai thí điểm, cuối học kỳ 2 học cụ mới về đến trường. Năm thứ 2 học cụ về sớm hơn một chút  (đầu học kỳ 2), còn năm thứ 3? Bộ hứa là cuối tháng 10. 

 

Ông Đào Văn Lợi, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, bức xúc: “Năm nào họp góp ý với Bộ GD-ĐT, chúng tôi đều phản ánh tình hình thiết bị chậm trễ đã gây khó khăn cho trường, bộ đều hứa sẽ khắc phục, nhưng rồi mọi việc vẫn đâu vào đó”.

 

Một giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn cho biết: Thiết bị cung cấp cho các trường không chỉ chậm mà còn thiếu. Do vận chuyển từ Bắc vào Nam khiến một số thiết bị hỏng hóc, không sử dụng được. Trong khi đó, phương pháp giảng dạy ở chương  trình thí điểm phân ban chú trọng thực hành, nhiều bài giảng bắt buộc giáo viên phải sử dụng học cụ đi kèm. Các trường mong thiết bị như lúc nắng hạn mong mưa.

 

Trong trả lời chúng tôi trước đây, ông Phạm Ngọc Phương, Vụ phó vụ Tài chính Bộ GD-ĐT cho biết: Theo kế hoạch, ngày 15/9/2005 thiết bị lớp 12 phải về đến các trường thí điểm. Nhưng kế hoạch bị trục trặc là do năm nay có sự điều chỉnh 1 bộ thiết bị sử dụng chung cho cả 2 bộ sách (mọi năm, ở một số môn có 2 bộ sách sử dụng 2  bộ thiết bị).

 

Về việc các trường sẽ phải dạy trong điều kiện không có học cụ, ông Phương khẳng định: Chương trình tháng 9 rất ít sử dụng trang thiết bị. Các trường nên chủ động trang bị thiết bị dạy học, mặt khác, khi nào thiết bị về trường thì giáo viên sẽ tổ chức dạy bù lại cho học sinh (?!).

 

Hãy tự cứu lấy mình là điều các trường đã rút ra được sau mấy năm tiên phong thí điểm. Một mặt các trường tận dụng một số đồ dùng dạy học đã có, khuyến khích giáo viên tự làm  những học cụ đơn giản, mặt khác các trường chủ động dành kinh phí mua sắm thiết bị.

 

Trường THPT Mạc Đĩnh Chi bỏ ra gần nửa tỉ đồng, Trường THPT Nguyễn Hiền dành khoảng 300 triệu đồng đầu tư mua sắm thiết bị. Nhưng đối với những đồ dùng phức tạp giáo viên không làm được, thị trường không sản xuất thì sao? Hiệu trưởng các trường bộc bạch: Không có thiết bị thì đành phải “dạy chay”.

 

Dẫu sao điệp khúc chờ thiết bị cũng nằm trong chuỗi bất cập của thí điểm phân ban: chương trình nặng nề, quá tải, học phân ban phải đi học thêm… cũng không đáng sợ bằng tâm lý mặc cảm là “con chuột thí điểm” đang khá phổ biến ở các trường phân ban hiện nay. Nỗi bức xúc đã “nguội lạnh” dần (càng than, càng cảm thấy… ngán ngẩm) đã thay bằng cảm giác “có sao làm vậy” và một thái độ ứng phó thí điểm. Điều này Bộ GD-ĐT có biết?

 

 

Theo Sài Gòn Giải Phóng