Vẫn còn 700.000 trẻ khuyết tật chưa từng đến trường

(Dân trí) - Hiện cả nước có khoảng 4 triệu người khuyết tật, trong đó có trên 1 triệu trẻ em khuyết tật. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn khoảng 700 nghìn trẻ khuyết tật chưa từng được đến trường và 32,99% trẻ khuyết tật bỏ học.

Con số trên được Ban Chỉ đạo giáo dục trẻ khuyết tật, Bộ GD-ĐT thông báo ngày 18/3, tại Lễ tuyên dương và giao lưu giáo viên giỏi trẻ khuyết tật toàn quốc lần thứ II.
 
Vẫn còn 700.000 trẻ khuyết tật chưa từng đến trường  - 1
Chăm sóc trẻ khuyết tật. (Ảnh minh họa)

Giải thich vì sao số trẻ khuyết tật chưa được đến trường nhiều như vậy, ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Phó ban chỉ đạo giáo dục trẻ khuyết tật cho biết: “Trong suốt thời gian dài, hoạt động giáo dục trẻ khuyết tật chưa có sự chỉ đạo đồng bộ ở các cấp các ngành nên việc triển khai ở địa phương còn lúng túng, mang chất tự phát.

Mặc dù giáo dục hòa nhập được xác định là hướng đi chính trong các trường phổ thông nhưng hiện nay vẫn chưa có sự thống nhất giữa các bộ, ban ngành như chính sách cho học sinh, cho giáo viên.

Bên cạnh đó từ cơ sở giáo dục, chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng còn cho đối tượng trẻ khuyết tật này còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu.

Một số cộng đồng dân cư vẫn chưa tin tưởng vào khả năng học tập và hòa nhập cộng đồng của trẻ khuyết tật. Nhiều người vẫn cho rằng trẻ khuyết tật chỉ nên học ở các trường lớp chuyên biệt, không thể hòa nhập trong hệ thống giáo dục phổ thông và một bộ phận giáo viên, cán bộ quản lí cũng có quan niệm như vậy.

Do vậy, chỉ tiêu giáo dục trẻ khuyết tật trong Chiến lược giáo dục Việt Nam giai đoạn 2001 - 2010 xác định đến 2010 đảm bảo 70% trẻ khuyết tật đi học khó có thể đạt được và cần phải kéo dài đến 2015 - ông Thành khẳng định.

 

Tuyên dương 184 giáo viên và cán bộ quản lý trẻ khuyết tật

Sáng nay 18/3, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT đã khen thưởng 184 giáo viên và cán bộ quản lý có thành tích xuất sắc dạy trẻ khuyết tật, trong đó 164 người là nữ và 20 người là nam.

Các thầy giáo, cô giáo đã không quản ngại khó khăn vất vả, dành hết tâm huyết, tình thương yêu và tinh thần trách nhiệm của mình cho các em học sinh bị thiệt thòi.

Tiêu biểu cho phong trào này là thầy giáo Vũ Xuân Tâm, Trường tiểu học Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội có 16 năm liên tục tham gia công tác về trẻ khuyết tật, là thành viên sang lập Hội cứu trợ trẻ em tàn tật Hà Nội; cô giáo Nguyễn Thị Đậm, Trường tiểu học Tân Kỳ, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương 14 năm dạy trẻ khuyết tật, có học sinh khiếm thị là Phạm Thị Thu Hà tham gia Para Game 22 đạt huy chương đồng môn bơi lội; cô giáo Nguyễn Thị Thúy Hòa, Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội có 22 năm dạy trẻ khiếm thị…

Đặc biệt, cô giáo Đinh Thị Lan, Trường tiểu học Cao Xanh, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh có học sinh Phạm Thị Hoài Thương, là trẻ khuyết tật vận động, vào lớp 3 khi đã 14 tuổi. Tầm vóc bé Thương chỉ nhỏ như đứa trẻ lên 6 tuổi, dị tật toàn thân, vận động rất nặng nề do di chứng chất độc màu da cam để lại, không thể tự làm gì được chỉ nằm và ngồi. Mọi sinh hoạt cá nhân phải dựa vào người mẹ và ông bà nội đã già yếu. Hoàn cảnh gia đình lại rất khó khăn, bố mất sớm, mẹ lại không có công ăn việc làm, trong khi đó Thương lại có em trai cũng tật nguyền như em. Bằng cả tình thương yêu và tinh thần trách nhiệm, cô giáo Lan đã dày công chăm sóc, dạy dỗ em Thương đạt kết quả đáng khâm phục: Giải nhất cuộc thi chữ đẹp cấp trường, giải đặc biệt trong hội thi “Viết chữ và trình bày đẹp cấp thành phố”.

 
Hồng Hạnh