Vẫn đau đầu với hồ sơ “ảo”, trả tiền… thật

(Dân trí) - Dù đã biết sẽ không tránh khỏi lượng lớn thí sinh dự thi “ảo”, song nhiều trường cũng không khỏi bất ngờ khi tỷ lệ dự thi vào trường năm nay quá thấp.

Nhiều trường đã phải rút ngân sách hàng trăm triệu đồng để bù lỗ cho mùa tuyển sinh, gánh nặng lại đè trên vai mỗi giáo viên, sinh viên trước mùa học mới… 

Sống chung với… hồ sơ ảo

Trước mỗi kỳ tổ chức tuyển sinh đại học, cao đẳng, hầu hết các trường đều canh cánh nỗi lo lượng “hồ sơ ảo” đăng ký dự thi vào trường. Những trường đại học có lượng hồ sơ đăng ký dự thi lớn thì nỗi lo này càng lớn.

Tiến sĩ Bùi Duy Cam, Hiệu trưởng ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: “Chỉ riêng lượng hồ sơ dự thi vào khối A của trường là 16.873 hồ sơ, tăng 150% so với năm 2007. Thế nhưng số lượng dự thi thực tế chỉ có 8.869 em, đạt tỷ lệ khoảng 53%, giảm hơn 11% so với năm 2007”.

Điều đáng nói rằng, để tránh lãng phí từ lượng thí sinh đăng ký dự thi “ảo”, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên đã cho thống kê những thí sinh có từ hai hồ sơ đăng ký dự thi vào trường trở lên và đã loại được hơn 1.000 thí sinh ảo, tương đương với giảm chi phí cho khoảng 30 phòng thi. Tuy nhiên, với lượng thí sinh còn lại, nhà trường vẫn phải đảm bảo đầy đủ về phòng ốc, đề thi, cán bộ coi thi.

“Chúng tôi biết lượng ảo cũng sẽ chừng 30% như mọi năm, nhưng không dám cắt giảm, bởi cắt giảm mà chỉ cần có một phòng thi, một điểm thi có thí sinh dự thi từ 90 - 100% là hư sự hết. Vậy mà năm nay lượng ảo lên đến 47%, lãng phí lớn quá”, thầy Cam than thở.

Vậy là, riêng khối A, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên đã thuê 30 điểm thi với hơn 900 phòng thi, thuê hơn 1.000 cán bộ coi thi, nhưng với tỷ lệ 53% thí sinh có mặt dự thi, số tiền lãng phí của nhà trường tuy chưa thống kê nhưng cũng không dưới trăm triệu đồng.

Ông Vũ Quang Thọ, Trưởng ban Chỉ đạo tuyển sinh ĐH Công đoàn Hà Nội cũng chia sẻ: “Tỷ lệ thí sinh dự thi chỉ đạt hơn 60%, nhà trường phải chấp nhận lãng phí hàng trăm triệu đồng. Thi “3 chung” còn thêm 1 cái chung nữa là chung… lãng phí”.

Theo thống kê, nhiều trường đại học có tỷ lệ thí sinh dự thi rất thấp, như ĐH Kinh tế quốc dân (52,37%), ĐH Luật Hà Nội (58,61%); ĐH Thương mại (57%), ĐH Ngoại thương 53,51%, Học viện Tài chính (44,49%), ĐH Kiến trúc TPHCM (51,17%), ĐH Ngân hàng TP.HCM (58%)…

Chưa có lời giải cho bài toán “ảo”

Hồ sơ “ảo” gia tăng nên lãnh đạo các trường đại học kiến nghị cần có một giải pháp triệt để nhằm giảm thiểu sự lãng phí từ kỳ thi này. Tuy nhiên, giảm thiểu bằng cách nào thì chưa ai đưa ra được đáp án khả thi và chưa có được sự thống nhất chung.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải tăng tiền lệ phí đăng kí dự thi để hạn chế lượng hồ sơ ảo vào các trường. Với mức 45.000 đồng/bộ hồ sơ là còn quá thấp, nên nhiều thí sinh chẳng tiếc gì “rải” hồ sơ đến 6, 7 bộ. Tuy nhiên, nhiều cán bộ quản lý các trường không đồng tình với ý kiến này bởi làm như thế chỉ “đánh” vào con nhà nghèo. Nếu hạn chế mỗi thí sinh chỉ được nộp một hồ sơ, với cơ chế, qui trình tuyển sinh như hiện nay, sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi, hạn chế sự lựa chọn của thí sinh.

Ông Ngô Thế Chi, Giám đốc Học viện Tài chính đề xuất: “Có thể qui định mỗi thí sinh chỉ nộp một bộ hồ sơ trong đó đăng ký nhiều nguyện vọng. Như vậy ta vừa không hạn chế sự lựa chọn của thí sinh vừa kiểm soát được số lượng thí sinh thật, số lượng hồ sơ thật”.

Tuy nhiên, giải pháp được đa số đồng tình nhất là kết hợp “2 trong 1” kỳ thi tốt nghiệp THPT với tuyển sinh đại học. Cách làm này sẽ giúp các trường vừa tiết kiệm được chi phí tổ chức tuyển sinh vừa giảm được áp lực căng thẳng của kỳ thi cho cả xã hội. “Vấn đề là chúng ta có tổ chức tốt được kỳ thi “2 trong 1” này như mong muốn hay không, bởi ai cũng thấy với phương thức tổ chức thi cử, quản lý thi tốt nghiệp ở các địa phương hiện nay còn quá lỏng lẻo, chưa đủ căn cứ để xét chọn người giỏi vào bậc đại học”, tiến sĩ Bùi Duy Cam bày tỏ.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Thứ trưởng Bành Tiến Long chia sẻ: “Lãng phí là điều không tránh khỏi, bởi chẳng ai có thể đạt được lợi ích gì mà không mất chi phí. Ít nhất thì với cách thi “3 chung” như hiện nay, chất lượng đầu vào của các trường đại học đã được sàng lọc tương đối chuẩn, và đó cũng là mục tiêu lớn nhất đối với kỳ thi đại học, cao đẳng hiện nay”.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, kỳ thi ĐH đợt 1 tổng cộng có 598.134 thí sinh có mặt trong tổng số 916.405 thí sinh ĐKDT, đạt tỷ lệ 65%. Số thí sinh đến làm thủ tục thi vào các trường ĐH “top” trên giảm mạnh so với năm 2007.

 

Trong đợt thi này, cả nước có gần 5.000 phòng thi bị bỏ trống với số tiền lãng phí lên đến hàng tỷ đồng.

 

Kỳ thi ĐH đợt 2 số thí sinh đến làm thủ tục dự thi cũng chỉ đạt 66,79%, nghĩa là vẫn có gần 300.000 hồ sơ “ảo”, tương đương với đợt thi đầu tiên. Bộ GD-ĐT cho biết, ở kì thi tuyển sinh ĐH đợt 2 có 965 điểm thi với 23.417 phòng thi, tỷ lệ ảo cũng xấp xỉ đợt 1 và số tiền lãng phí cũng không kém.

Sông Lam