Văn Miếu một chiều “đổ lửa”

(Dân trí) - Chiều qua (3/7), sau buổi làm thủ tục dự thi hàng chục nghìn thí sinh đã đổ về Văn Miếu - Quốc Tử Giám sờ đầu rùa. Một góc Hà Nội “đổ lửa” trước sự ngơ ngác của nhiều người dân Thủ đô trước khi nhớ ra ngày bước vào kỳ thi ĐH.

Văn Miếu trong “biển người”

Ngay từ đầu giờ chiều, các ngả đường đổ về Văn Miếu - Quốc Tử Giám đều trong tình trạng tắc nghẽn. Đứng từ ngoài nhìn vào Văn Miếu có thể thấy rõ từng đoàn người dài dằng dặc. Một chiều người đổ ra, một chiều đổ vào nối đuôi nhau liên tiếp không có điểm dừng.

Văn Miếu hôm qua là “bến đỗ” của các thí sinh và phụ huynh ở các tỉnh về Hà Nội tham gia vào kỳ thi đại học. Họ đến Văn Miều sờ đầu rùa, bia tiến sĩ lấy may trước khi bước vào cuộc “vượt vũ môn” sáng nay.
 
Muốn chen chân mua vé vào Văn Miếu, có người phải chờ cả tiếng. Thí sinh đến sờ rùa lấy may hầu hết đều có bố hoặc mẹ đi cùng. Có phụ huynh sờ đầu rùa để lấy thêm may mắn cho con, cũng có người dịp này đến cho biết Văn Miếu.
 
Nguyễn Thị Ngọc (Hà Nam) thi vào ĐH Thương Mại dù thuê nhà trọ tận Cổ Nhuế nhưng hai cha con vẫn đi xe ôm đến Văn Miếu lấy may. “Em nói bố ở nhà nhưng bố không chịu. Bố em chưa đến Văn Miếu bao giờ nên nhân dịp này muốn đến một lần cho biết. Còn em không tin vào việc “sờ đầu rùa” lắm, thi cử là do mình nhưng đi vẫn thấy an tâm hơn”, Ngọc nói.
 
Văn Miếu một chiều “đổ lửa” - 1
Rùa càng lớn, càng đông thí sinh tranh nhau… chạm tay.
 
Một nhân viên bán vé vào cổng tiết lộ, riêng chiều hôm qua số lượt người đến Văn Miếu lên khoảng 15.000 đến 20.000 lượt người, đông nhất trong những ngày qua.

Sĩ tử nào đã vào đây cũng đi sờ cho bằng hết các cụ rùa và bia đá. Ai cũng xoa tay một cách thành tâm. Họ phải nhanh chân chen chúc thì mới được xoa đầu rùa sớm không thì phải đứng xếp hàng để đợi. Đầu rùa nào to, bia đá nào lớn thì càng tranh nhau để chạm tay đến. Không một ai mảy may màng đến quy định “không được sờ đầu rùa” treo khắp nơi.

Văn Miếu một chiều “đổ lửa” - 2
Quy định lúc này chỉ là… quy định.

Đến những chuyện may - rủi

Thí sinh đã thành tâm sờ đầu rùa, bia đá, các vị phụ huynh đi cùng con còn nhiệt tình hơn. Nhiều người con mang theo đầy ắp đồ lễ để cầu may cho con.

Có một người mẹ “giám sát” từng bước của cô con gái. Một lúc bà lại nhắc: “Sờ vào chữ ấy thì mai mới nhớ nhiều”. Rồi sau đó hai mẹ con tiếp tục mang đồ lễ vào cầu may tại nhà Thái Học.
 
Tại nhà Thái Học, hương khói nghi ngút. Thí sinh, phụ huynh đứng thắp hương, ai cũng nghiêm trang cầu khấn. Không nghe thì cũng biết họ mong điều gì.

Mua hết gần 20.000 đồng tiền hương và vàng, cậu học trò tên Hiếu, quê ở Nam Định thi vào ĐH Bách khoa cho biết mình điều mình khấn: “Em khấn ngày mai trúng nhiều nhiều vào phần lượng giác. Em học tủ nên chỉ mong ăn điểm vào phần này”.

Chị Mai, có con thi vào trường ĐH Kinh tế đến Văn Miếu một mình “cầu” hộ con gái vì con đến trường về mệt nên phải ở nhà dưỡng sức. Chị nói: “Nó là niềm hy vọng của dòng họ nhưng thi vào trường khó quá nên tôi phải đi cầu mới yêu tâm. Biết phải con trực tiếp đi mới thiêng nhưng không đi được thì mình đi hộ, mong các cụ thấu hiểu sự thành tâm, khao khát mong con đỗ đạt của mình”.
 
 
Văn Miếu một chiều “đổ lửa” - 3
Mẹ cầu may hộ cho con.
 
5 giờ rưỡi chiều, Văn Miếu đóng cửa trong khi vẫn rất nhiều phụ huynh, thí sinh lúc này mới đến. Họ đứng ngoài năn nỉ bảo vệ cho vào nhưng tất cả chỉ nhận được cái lắc đầu. Lúc đó trên mặt họ thể hiện rõ sự tiếc nuối, thất vọng vì mình đã “chậm chân”.
 
Chị H, đi cùng con gái buồn rười rượi: “Bị tắc đường nên mẹ con tôi mới bị muộn. Chỉ muộn vài giây nhưng họ nhất quyết không cho vào. Không vào được không biết ngày mai thi cử thế nào nữa. con gái tôi nó buồn lắm”.

Có người đã chỉ cho hai mẹ con chị không vào được Văn Miếu thì lên đền Ngọc Sơn nên chị lại tất tả cùng con bắt xe ôm lên bờ Hồ.

Mãi đến chiều tối, con đường Quốc Tử Giám vẫn còn tắc, nhiều thí sinh mệt mỏi vì phải đứng chờ để được quay về chỗ trọ nghỉ ngơi. Một thí sinh tên Huyền thở dài: “Lẽ ra chiều nay em nên ở nhà nghỉ giữ sức thì hơn. Mệt thế này không biết mai có còn đủ tỉnh táo hay không?”.

Được biết, đợt này có khoảng 30 sinh viên tình nguyện có mặt ở khu vực Văn Miếu để nhắc nhở phụ huynh và các thí sinh không được sờ vào đầu rùa, bia đá. Nhưng theo quan sát của phóng viên thì chiều qua vắng bóng màu áo sinh viên tình nguyện, chỉ có vài ba em đứng ngoài giải tỏa giao thông.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám sau một chiều “đổ lửa” lại chìm ngập trong rác và rác. Thế mới hay, mọi người đến đây đều thành tâm cầu may nhưng ý thức thì lại rất kém.
 
Văn Miếu một chiều “đổ lửa” - 4
Phải đặt hai tay lên bia tiến sĩ thế này thì trong đầu mới nhớ được nhiều chữ.
Văn Miếu một chiều “đổ lửa” - 5
Thí sinh thắp hương để mong ngày mai vượt “vũ môn” gặp nhiều may mắn.
Văn Miếu một chiều “đổ lửa” - 6
Văn Miếu sau chiều “đổ lửa” chìm ngập trong rác.

Bài và ảnh: Hoài Nam