“Vấn nạn” học trò xài “dế” vô tội vạ

(Dân trí) - Nhắn tin trong giờ học, dùng điện thoại để quay bài hay luôn sẵn sàng “chộp” những khoảnh khắc sơ hở của giáo viên... Việc học trò sử dụng thiếu hợp lý, điện thoại di động đang làm “nhiễu sõng” không ít lớp học.

“Thủ phạm” phá bĩnh

Trong một chương trình kỹ năng sống cho học sinh (HS) tại một trường THPT ở Q.5, TPHCM, các chuyên gia tư vấn mới đầu rất hồ hởi vì thấy HS tham dự rất đông. Nhưng chỉ một vài phút sau, khi chương trình chưa chính thức bắt đầu, các chuyên gia đã “mất hứng” trò chuyện khi nhìn cảnh học trò ngồi lôm côm ở phía dưới. Thứ các em “ưu ái” nhất là “chú dế” trên tay mình.

“Vấn nạn” học trò xài “dế” vô tội vạ

Mặc thầy cô chia sẻ ở trên, nhiều học trò quay người để "nghịch" điện thoại.

Nhiều HS cắm đầu vào điện thoại (ĐT) bấm bấm, nhắn nhắn; nhiều em quay hẳn lưng lại với sân khấu, chụm đầu vào với bạn “nghiên cứu” nội dung gì đó trong ĐT của bạn, hoặc để trầm trồ chiếc ĐT mới, lâu lâu lại cùng cười ầm lên; cũng có em một lúc lại rời khỏi vị trí để “tám” ĐT… Rất ít HS chú ý đến chương trình diễn ra với những nội dung rất bổ ích cho mình.

Những hình ảnh trên là những cảnh dễ gặp trong những chương trình tuyển sinh, tư vấn tâm lý, thậm chí trong những buổi lễ quan trọng như khai giảng, tổng kết học kỳ tại các trường THPT ở TPHCM. Hầu hết, các em chỉ ngồi cho đủ chỗ, còn mọi chú ý của các em dồn hết vào chiếc ĐT trên tay. Có trường, thầy cô phải liên tục đi nhắc nhở HS cất ĐT nhưng họ vừa quay đi, các em lại lôi máy ra để tiếp tục “công việc” của mình.

Khi đến các trường phổ thông, dễ dàng thấy hình ảnh ĐT “đeo bám” HS mọi lúc mọi nơi. Ở sân trường, bài gửi xe, cổng trường, hành lang… Thấy HS là thấy “kèm” ĐT. Thậm chí giờ học cũng bị ĐT di động “phá bĩnh” khi GV lo giảng bài còn một số HS ngồi dưới lại bận... nhắn tin.

GV dạy Toán một trường THPT ở Q.1 cho hay, cô từng phát hiện có HS nhắn cả chục tin nhắn trong tiết học. Tiết học nhiều khi bị đứt quãng ảnh hưởng không tốt đến kết quả dạy học. Tuy nhiên, cô chỉ có thể nhắc nhở những trường hợp bị phát hiện hoặc tạm thời giữ ĐT. Còn nhiều HS khác vẫn “lén” nhắn tin trong giờ học mà không phải lúc nào GV cũng bắt được tại trận.

Dùng chưa đúng mục đích

Cô Hoàng Phương Anh (đường Nơ Trang Long, Q. Bình Thạnh, TPHCM) cho biết, khi con lên lớp 10, bố mẹ không còn đưa đón đến trường nên cô sắm ĐT cho con để tiện quản lý việc học và sinh hoạt của cháu.

Nhưng rồi, cháu hiếm khi liên lạc để thông báo lịch học hay vui chơi đột xuất với bố mẹ. Thậm chí không ít hôm con gái cô “mất tích” đi chơi với bạn chẳng thèm báo tin mà còn tắt luôn ĐT. 

Cô Anh kể rằng, ngồi học một tay con cầm viết, tay kia cầm ĐT. Học vài phút lại lấy ĐT nhắn tin. “Lên giường đi ngủ nó cũng “ôm” ĐT. Có đêm cháu vừa xin 20 nghìn nạp thẻ nhắn tin mà sáng mai chẳng còn đồng nào. Chỉ nhắn tin cho bạn bè thôi mà tháng nào cũng hết hơn 200.000 đồng. Nói thế nào cũng không xong, nó còn nhăn nhó mình”, cô Anh nói.

“Vấn nạn” học trò xài “dế” vô tội vạ

Điện thoại xuất hiện mọi lúc mọi nơi cùng với các em HS.

Anh Nguyễn Quang ở Gò Vấp, TPHCM, có con đang theo học lớp 9 cho biết, tuy ở trường cấm HS sử dụng ĐT nhưng gia đình anh vẫn buộc phải sắm chon con vì cháu ở trường cả ngày, bố mẹ rất cần liên lạc để nắm tinh hình.

Đã rất nhiều lần cháu bị GV nhắc nhở vì nhắn tin trong ĐT nhưng mới đây, GV thông báo cho gia đình, anh Quang mới hay có hôm chỉ trong một tiết học cháu nhắn đến… 18 tin nhắn. 

Theo quy định, các trường đều cấm HS không được sử dụng trong giờ học nhưng thực tế các em vẫn dùng lén. Các GV phàn nàn, học trò sử dụng ĐT nhiều vào mục đích trò chuyện, hẹn hò hoặc là để cãi vã với bạn bè. Hiện đại hơn là để chát chít, lướt “nét” và luôn sẵn sàng… quay lại những tình huống nào đó của GV để tung lên mạng.

Cô Nguyễn Hoàng Thị Kim Trâm, GV trường THPT Phú Nhuận (TPHCM) chia sẻ, hiện nay 100% HS lớp cô có ĐT và toàn trường chắc cũng đạt con số đó. Việc sử dụng ĐT làm nhiều em rất lơ là nghe giảng. Cô đã từng bắt gặp có những HS không chép bài, dùng ĐT chụp lại bài giảng cho nhanh. Các kiến thức, bài giảng được các em lưu, chụp trong ĐT để làm tài liệu quay cóp. Nguy hiểm hơn là các em có thể lướt nét tại chỗ, nên các kiến thức thầy cô giảng dạy, nhiều HS coi nhẹ vì cho rằng chỉ cần vào Google để kiểm chứng là xong. 

GV này nhấn mạnh, một vấn đề rất đáng bàn là HS luôn sẵn tinh thần ghi lại những sơ hở của GV ở góc độ "chọn lọc" chưa chắc đã đúng với bản chất sự việc. "Những vấn đề xuất phát từ phương tiện công nghệ làm GV đôi khi trở nên lệ thuộc vào học trò. GV đứng lớp rất e ngại và điều đó có thể làm họ không phát huy được hết khả năng, nhiệt huyết để giảng dạy, uốn nắn học trò. Tinh thần tôn sư trọng đạo cũng vì thế mà giảm đi phần nào", cô Trâm lo ngại. 

Tuy vậy, nhiều GV vẫn cho cho rằng cấm HS dùng ĐT là không thể vì cái gì cũng có hai mặt, chiếc ĐT không có lỗi mà lỗi ở người sử dụng. Khi mà gần như 100% HS THPT ở các thành phố đều có điện thoại, HS bậc THCS cũng dùng nhiều, thậm chí HS ở tiểu học cũng được bố mẹ sắm "dế" như hiện nay thì các em cần được chỉ dẫn một cách nghiêm túc về văn hóa sử dụng ĐT, dùng đúng mục đích đó là phương tiện công nghệ hỗ trợ.

Hoài Nam