Về thăm “làng hiếu học” Vĩnh Hòa

(Dân trí) -Ở xã Vĩnh Hòa thuộc huyện Ba Tri (Bến Tre), dù người dân nơi đây còn nghèo nhưng thành tích học tập của người dân rất đáng tự hào. Tính đến nay, xã có 5 tiến sĩ, nhiều thạc sĩ và 114 sinh viên đã tốt nghiệp đại học, phong trào khuyến học phát triển mạnh.

Người đi trước giúp người đi sau

Xã Vĩnh Hòa cách huyện Ba Tri (Bến Tre) 7km về hướng biển là làng quê nghèo nhưng nổi tiếng là “làng hiếu học” nhất nhì tỉnh Bến Tre. Với diện tích tự nhiên 483ha chuyên trồng cây lúa và một diện tích nhỏ trồng cỏ nuôi trâu, bò phát triển thêm kinh tế. Nhưng xét thành tích học tập thì đáng nể, đến nay xã có 5 tiến sĩ cùng nhiều thạc sĩ.

Để Vĩnh Hòa trở thành “làng hiếu học” như hiện nay phải kể đến công sức của Hội Khuyến học xã. Hội Khuyến học xã Vĩnh Hòa được thành lập 1994, ban đầu chỉ có 1 cán bộ chuyên trách ở xã và sau đó phát triển xuống rộng khắp trong xã và dần thành lập được chi Hội khuyến học ở mỗi ấp.

Ông Nguyễn Vĩnh Viễn, Chủ tịch Hội khuyến học xã cho biết: “Ban đầu Hội hoạt động cũng khó khăn lắm, vì vừa thiếu nhân lực và vật lực. Tuy nhiên, sau khi Hội đi vào hoạt động hết nhiệm kỳ đầu, chính quyền, người dân thấy lợi ích từ phong trào khuyến học nên nhiều cán bộ tự nguyện làm chi Hội trưởng ở ấp, hoặc ủng hộ vật chất. Riêng người dân thì tự nguyện đăng ký gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học và đã trở thành một phong trào xã hội học tập như hôm nay.”

Về thăm “làng Tiến sĩ” Vĩnh Hòa

Nhờ kết nối của Hội Khuyến học xã nên hàng năm vào đầu mỗi năm học, các thế hệ đàn anh trở về tăng quà, học bổng cho các em học sinh nghèo trong xã.

Ngoài ra, ông Viễn còn cho biết, quỹ khuyến học xã lúc nào cũng có khoảng 20 triệu đồng dự phòng, để kịp thời giúp học sinh nghèo hiếu học hoặc những trường hợp có nguy cơ bỏ học. Hằng năm, Hội Khuyến học xã vận động được bằng tiền và hiện vật trên 100 triệu đồng để khen thưởng, không chỉ cho học sinh mà còn cho thầy, cô có thành tích tốt trong dạy và học.

Riêng các học sinh nghèo trong xã, tùy hoàn cảnh các em, Hội hỗ trợ tiền hàng tháng, tặng xe đạp, sách vở hoặc mô hình 1 nuôi 1 (vận động các mạnh thường quân nuôi 1 học sinh khó khăn). Đặc biệt, hàng năm Hội treo giải thưởng học sinh nào thi đỗ đại học, mỗi em sẽ được khen thưởng khích lệ 500.000 đồng.

“Để có nguồn quỹ giúp các em, Hội xác định ngay từ đầu là tuyên truyền vận động như thế nào để các em nhận học bổng hôm nay thì mai sau, học hành thành tài, trở về quê hương giúp đỡ các đàn em có hoàn cảnh khó khăn. Nhờ “kế sách” này mà nguồn quỹ Hội không bị cạn vì luôn có những cựu học sinh địa phương “tiếp sức” kịp thời mỗi khi hội lên tiếng” - ông Viễn tự hào cho biết.

Cụ thể, Hội khuyến học xã có 3 nhà tài trợ chính: nhóm Vân Anh gồm những sinh viên ra trường, thành đạt trong kinh doanh; nhóm Nguyễn Phong Điền, con ông Chủ tịch Hội khuyến học xã, nhóm Phan Thị Duyên là những nhà vận động quỹ và là “mạnh thường quân” của Hội. Ngoài ra, theo ông Viễn, chính cách quản lý, chi dùng nguồn quỹ minh bạch, đúng đối tượng cũng là “tiếng nói” quan trọng để các mạnh thường quân khác nhiệt tình hỗ trợ.

Cán bộ xã, Hội đi đầu trong công tác khuyến học

Đến xã Vĩnh Hòa tìm những gia đình hiếu học không khó. Chẳng hạn như gia đình ông bà Trần Ngọc Để, Phan Thị Nhịn, một gia đình nông dân có 4 con tốt nghiệp đại học. Hiện 2 người con ông bà làm ở sân bay Tân Sơn Nhất, 1 người ở cảng Sài Gòn, 1 nữ giáo viên Lý cấp 3.

Còn nhiều tấm gương gia đình hiếu học khác ở “làng tiến sĩ” Vĩnh Hòa như gia đình ông Nguyễn Vĩnh Viễn - Chủ tịch Hội khuyến học xã. Ông Viễn là nông dân thứ thiệt, bằng mấy công ruộng ít ỏi, vợ chồng ông đã nuôi được 4 con ăn học thành tài, 2 trai 2 gái đều Tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định (1 cử nhân Kinh Tế, 1 cử nhân Tin học, 1 kỹ sư Xây dựng, 1 cử nhân Ngân hàng).

Ông Viễn chia sẻ: “Mình làm công tác Hội là đi vận động người ta cố gắng vượt lên cái nghèo, cái khó để cho con ăn học, vì chỉ có con đường học vấn mới thay đổi được số phận “chân lắm tay bùn”. Bởi vậy để người ta nghe theo lời khuyên của mình thì gia đình mình phải tiên phong, nhờ đó mà các con của tôi bây giờ mới thành tài, thoát nghèo”.

Các thầy cô trường THCS Vĩnh Hòa tham gia tích cực công tác khuyến học trong và ngoài nhà trường.

Các thầy cô trường THCS Vĩnh Hòa tham gia tích cực công tác khuyến học trong và ngoài nhà trường.

Một tấm gương để người dân làng chú tâm học hành là tấm gương hiếu học của bản thân và gia đình ông chủ tịch xã Mai Văn Ký. Bản thân ông Ký vừa công tác chính quyền vừa phấn đấu học đại học và sắp lấy bằng cử nhân. Riêng ba con gái ông, hai cô vào năm cuối ĐH Nông nghiệp, Bách khoa và cô gái út đang học năm thứ ba ĐH Kinh tế TPHCM.

Ông Mai Văn Ký - Chủ tịch xã Vĩnh Hòa chia sẻ: “Xã ít đất nông nghiệp, nên phần lớn các hộ đều ý thức, chỉ con đường cho con em học thành tài thì mới thoát nghèo được. Bên cạnh, đảng bộ, chính quyền, ban ngành đoàn thể, nhất là Hội khuyến học xã rất quan tâm cho giáo dục. Đây là hướng đầu tư lâu dài, nhưng hiệu quả rất lớn cho gia đình, địa phương. Hiện xã có nhiều nhà kiên cố, khang trang là nhờ con em họ ăn học thành tài về giúp đỡ.”.

Thầy phó hiệu trưởng Trường THCS Vĩnh Hòa Nguyễn Thanh Tòng cho biết: Trường đạt chuẩn “phổ cập THCS”, được công nhận “Trường học văn hóa” từ năm học 2005 - 2006 và Trường đạt chuẩn quốc gia từ tháng 5/2008. Hằng năm, trường có trên dưới 400 học sinh 4 khối lớp và 100% học sinh lên lớp. Điều làm thầy cô nhà trường tự hào là trong số các tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân,... đa phần đều học ở trường này. Nên đây cũng là tấm gương thiết thực để các em học sinh nhà trường noi theo phấn đấu học tốt".

Truyền thống hiếu học và hoạt động Hội khuyến học xã mang lại một thành tích tự hào cho xã Vĩnh Hòa. Không dễ để các xã trong vùng đồng bằng sông Cửu Long thực hiện và duy trì được thành tích này như “làng hiếu học” Vĩnh Hòa hiện nay.
 

Nguyễn Hành