Vị giáo sư lỗi lạc người Việt của Đại học Memorial

(Dân trí) - Ở ĐH Memorial, Canada, Trần Trọng Giễn được phong tặng danh hiệu “Giáo sư ĐH lỗi lạc trong nghiên cứu” (University Research Professor). Ngoài say sưa với Vật lý, mối quan tâm lớn nhất của ông là đào tạo cho quê nhà những cán bộ khoa học sánh vai được với bạn bè quốc tế.

Vị giáo sư lỗi lạc người Việt của Đại học Memorial - 1

Giáo sư Trần Trọng Giễn

Năm 1960, là sinh viên xuất sắc của Đại học Khoa Học Tự Nhiên Sài Gòn, đoạt giải thưởng Vật Lý toàn miền Nam lúc bấy giờ, chàng trai Trần Trọng Giễn lên đường di du học cao học chuyên ngành Vật Lý tại Mỹ.

Tốt nghiệp Thạc sĩ với thành tích học tập xuất sắc, Trần Trọng Giễn theo học tiếp và bảo vệ thành công luận văn Tiến sĩ Vật Lý nguyên tử, rồi sang Pháp giảng dạy tại Đại Học Bordeau. Tại Paris, Giáo sư Trần Trọng Giễn lập gia đình với bà Xuân Lan, người từng là học trò của ông. Năm 1966, Giáo sư Trần Trọng Giễn sang Canada, tham gia giảng dạy tại Đại học Memorial cho tới tận bây giờ. Vợ ông, bà Trần Giễn Lan, cũng trở thành Giáo sư ngành điều dưỡng của đại học này.

Là một giáo sư về Vật Lý lý thuyết, lĩnh vực nghiên cứu chính của Giáo sư Trần Trọng Giễn là Vật Lý nguyên tử. Chương trình nghiên cứu của ông chú trọng về tính toán, giải quyết các hiện tượng va chạm của các hạt nguyên tử (atomic collisions). Trong những năm qua, các lý thuyết ông đề ra để tính toán các va chạm nguyên tử và giải thích về các hiện tượng thiên văn học đã được các nhà nghiên cứu thế giới đánh giá cao, và được ứng dụng để thiết kế các dụng cụ cực kỳ chính xác, như những thiết bị lasers, đồng hồ điện tử (atomic clocks)..., và các dụng cụ chẩn đoán và chữa bệnh trong ngành Y.

Nhà khoa học uy tín trên thế giới

Đến nay, Giáo sư Trần Trọng Giễn đã có khoảng 200 báo cáo và công trình khoa học đựợc xuất bản trong các tạp chí khoa học uy tín trên thế giới, hoặc được mời trình bày tại các hội nghị quốc tế về Vật Lý. Với những thành công trong nghiên cứu, Giáo sư Giễn thường xuyên được các đại học nổi tiếng, như Đại học Harvard, Massasschusett Institute of Technology (Mỹ), University of London (Anh), Đại học Paris (Pháp), Đại học Tokyo (Nhật)... mời đến tham gia các seminar để trao đổi ý kiến và kinh nghiệm. Các kết quả tính toán của ông rất chính xác, rất được tín nhiệm và các nhà khoa học Vật Lý nguyên tử trên thế giới thường dùng kết quả  của ông làm mẫu để so sánh với kết quả của chính mình.

Giáo sư Trần Trọng Giễn đã được Đại học Memorial phong là Giáo sư thực thụ (Full Professor) vào năm 1974. Đây là học vị cao nhất của giáo sư tại các trường đại học theo hệ thống Anh - Mỹ, cũng là học vị có uy tín chỉ dành cho một số rất ít giáo sư. Giáo sư thực thụ là người có quyền giữ công việc của mình ở trường đại học cho đến khi nào không muốn nữa mới thôi. Năm 2002, Giáo sư Giễn còn được Đại học Memorial tôn vinh trao danh hiệu Giáo sư Đại học lỗi lạc trong nghiên cứu (University Research Professor) về các đóng góp cho sự phát triển các phương pháp lý thuyết dùng trong lĩnh vực Vật Lý hạt nhân của ông. Danh hiệu Giáo sư Đại học lỗi lạc trong nghiên cứu dành để tôn vinh những nhà khoa học có nhiều công trạng khảo cứu chất lượng cao được các đồng nghiệp trên thế giới tín nhiệm, khâm phục.

Tìm cơ hội giúp giúp đỡ quê hương
Vị giáo sư lỗi lạc người Việt của Đại học Memorial - 2
Giáo sư Giễn cùng vợ - bà Trần Giễn Lan, và gia đình

Năm 1991, hai vợ chồng Giáo sư Trần Trọng Giễn trở về thăm quê hương. Đó là lần trở về Việt Nam đầu tiên sau hơn 20 năm sống xa Tổ quốc. Về nước đúng vào thời điểm đất nước đang có nhiều khó khăn, ông mãi trăn trở khi thấy mình chưa đóng góp được gì cho quê hương. Là các trí thức Việt kiều yêu nước đã thành công ở những quốc gia có nền khoa học phát triển, Giáo sư Trần Trọng Giễn cùng vợ ông đều mong muốn làm một điều gì đó cho quê nhà. Từ đó, hằng năm họ đều trở về Việt Nam để tìm hiểu và tìm cách đóng góp khả năng và chất xám của mình để giúp đất nước vượt qua những khó khăn sau chiến tranh.

Năm 1999, Giáo sư Trần Trọng Giễn đã đứng ra cùng Viện Khoa học Việt Nam tổ chức Hội nghị Vật Lý Nguyên tử quốc tế  tại Hà Nội. Với nhận xét rằng "trong giới nghiên cứu Vật Lý quốc tế nhỏ bé này mọi người đều biết về công việc của nhau", Giáo sư Trần Trọng Giễn cho biết ông hy vọng nhiều vào các công trình mà đồng nghiệp ở trong nước đang thực hiện.

"Sinh viên Việt Nam có nhiều khả năng về toán nên ngành Vật Lý lý thuyết của mình rất khá. Khi về Việt Nam, tiếp xúc với Viện Vật Lý Hà Nội và trường Đại học Khoa học tự nhiên thành phố Hồ Chí Minh, tôi đã đưa một số người sang làm nghiên cứu sinh sau Tiến sĩ", Giáo sư Trần Trọng Giễn cho biết.

Tuy đã về hưu từ năm 2004, nhưng Giáo sư Trần Trọng Giễn vẫn tiếp tục giảng dạy và giúp đỡ các nghiên cứu sinh. Cũng như nhiều giáo sư đầu ngành xuất sắc khác của Canada, vì là người có nhiều công trình khoa học, ông được Trung tâm nghiên cứu quốc gia Canada cung cấp kinh phí hằng năm để nghiên cứu khoa học. Hàng trăm công trình nghiên cứu của Giáo sư vẫn đang được các nhà khoa học tại các trung tâm nghiên cứu hàng đầu trên thế giới, như Đại học Wayne State ở Detroit (Mỹ), áp dụng trong nghiên cứu, giảng dạy về lĩnh vực Vật lý Nguyên tử. Giáo sư Giễn đã dành nhiều học bổng Thạc sĩ, Tiến sĩ, sau Tiến sĩ để đưa những sinh viên Việt Nam sang Canada học tập với sự mong mỏi người Việt Nam tiếp thu được nhiều hơn những thành tựu mới của khoa học.

Giáo sư Trần Giễn Lan, vợ ông cũng có những "chương trình" riêng của mình. Bà thường xuyên về Việt Nam với những dự án hỗ trợ đào tạo nhân viên công tác xã hội, y tế cộng đồng và điều dưỡng - lĩnh vực chuyên môn của bà. Họ là cặp vợ chồng dường như sinh ra là để bù trừ cho nhau: một người mà niềm yêu thích lớn nhất là đắm mình trong các công trình nghiên cứu khoa học và truyền đạt kiến thức cho những thế hệ đi sau, còn một người sôi nổi với các hoạt động xã hội. Nhưng họ lại luôn có tiếng nói chung là đều muốn làm những gì tốt đẹp nhất cho quê hương.

Có thể sẽ trở về Việt Nam trực tiếp dạy học

Mối quan tâm lớn nhất hiện nay của Giáo sư Trần Trọng Giễn vẫn là việc làm sao để có thể đào tạo được đội ngũ cán bộ khoa học Việt Nam sánh vai cùng bạn bè quốc tế và ông đã dành nhiều công sức, tâm huyết của mình cho công việc này.

Với mong muốn đất nước nhanh chóng tiếp thu những thành tựu khoa học của thế giới và thế hệ trẻ Việt Nam có điều kiện để giúp quê hương phát triển, Giáo sư Trần Trọng Giễn cho biết trong tương lai, khi có nhiều thời gian hơn, có thể ông sẽ trở về Việt Nam, trực tiếp dạy đại học và cao học trong nước, đồng thời hướng dẫn nghiên cứu sinh làm luận án Thac sĩ, Tiến sĩ tại quê nhà để góp phần xây dựng các đại học Việt Nam chất lượng tầm cỡ quốc tế. Giản dị và chân thành, ông cho rằng những việc làm của ông là vì "những người làm khoa học bao giờ cũng nghĩ đến cần đào tạo thế hệ trẻ - người sẽ thay thế mình tiếp tục con đường đó".

Kết thúc bài viết về Giáo sư Trần Trọng Giễn, tôi chợt nghĩ đến hình ảnh cấu trúc của những nguyên tử mà ông nghiên cứu. Tuy sống xa đất nước, nhưng vợ chồng ông, cùng với nhiều trí thức Việt kiều khác, giống như những hạt điện tử lúc nào cũng quay xung quanh và gắn bỏ với một hạt nhân là quê hương Việt Nam. Sự gắn bỏ ấy đã được tạo ra bởi một lực hút vô hình: đó chính là nỗi khao khát muốn được trở về làm việc gì đó giúp đỡ cho quê nhà sau những năm tháng gặt hái thành công trên xứ người. Bên cạnh các chính sách thu hút những tài năng người Việt ở nước ngoài về với quê hương của nhà nước, vấn đề quan trọng hơn là tạo điều kiện như thế nào để bầu nhiệt huyết của họ được phát huy một cách hiệu quả nhất trong sự phát triển chung của đất nước.

Vũ Anh Tuấn
Theo mun.ca và báo chí trong nước