Vì sao Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh quên đi thi được thi lại?

(Dân trí) - Một tình huống xử lý trong thi của Bộ GD-ĐT đã làm dư luận băn khoăn cho rằng, Bộ GD-ĐT đã vi phạm quy chế? - đó là Bộ tạo điều kiện cho phép thí sinh quên đến thi được đăng ký thi lại ở môn thi khác để xét tốt nghiệp.

Cụ thể, so sánh với một số quy định mà Bộ GD-ĐT đã đưa ra, dư luận cho rằng Bộ đã vi phạm quy chế vì Bộ quy định, thí sinh đi muộn 15 phút sau khi tính giờ làm bài sẽ không được dự thi hay như Bộ quy định về thời hạn cuối cùng nhận hồ sơ đăng ký dự thi là trước ngày 30/4, sau ngày này, thí sinh sẽ không được phép thay đổi các môn thi đã chọn. Bên cạnh đó, Bộ cho thí sinh được quyền điều chỉnh các môn thi đăng ký dự thi đến trước ngày 27/5.

Hay, có trường hợp mà dư luận tiếc nuối, xót xa là câu chuyện một nam sinh tại Đà Nẵng bị đình chỉ do không may chỉ còn vài phút hết giờ thi, điện thoại trong túi đổ chuông do bố gọi điện vì không thấy con ra.Theo đúng quy định thí sinh mang điện thoại vào phòng thi đã bị xử lý kỷ luật, dù em van khóc thế nào Hội đồng chấm thi cũng không thể làm khác đi được. Chỉ vì một chút bất cẩn của hai cha con mà chàng trai này đã phải từ bỏ ước mơ sau 12 năm đèn sách.

Nay, có thí sinh quên cả buổi thi lại được Bộ GD-ĐT phép thi lại ở môn thi khác, chính sự việc này đã gây cho dư luận băn khoăn và cho rằng Bộ GD-ĐT đã vi phạm quy chế?.

Trả lời phóng viên tại buổi họp báo kết thúc đợt thi, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng – Bộ GD-ĐT cho biết: Cho thí sinh do điều kiện, hoàn cảnh không đến dự thi, được đăng ký thi môn khác để xét tốt nghiệp là việc làm mang tính nhân văn. Tuy nhiên số thí sinh này không nhiều, chỉ có một vài trường hợp.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển giải thích thêm, thí sinh nhầm buổi thi được xếp thi một buổi khác để xét công nhận tốt nghiệp, Bộ GD-ĐT đồng ý về mặt nguyên tắc, còn giải quyết được hay không thì các Hội đồng thi xử lý. Nhưng chỉ được xử lý cho thí sinh thi nếu đó là thi để xét công nhận tốt nghiệp. Còn nếu thi để tuyển sinh đại học sẽ không được.

"Thông tin liên quan đến quyền lợi thí sinh, Bộ GD-ĐT cố gắng thực hiện kịp thời và xử lý càng nhanh càng tốt. Còn những việc vi phạm quy chế, việc xử lý cần thận trọng. Việc thu nhận thông tin nhanh là tốt, nhưng quan trọng là thông tin chính xác, kịp thời, đầy đủ để xử lý đúng, có tình, có lý." - Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho hay.

PV