Vì sao có tới 72.000 cử nhân thất nghiệp?

(Dân trí) -Theo bản tin cập nhật thị trường lao động do Bộ LĐ-TB&XH cùng Tổng cục Thống kê công bố, trong quý IV-2013, cả nước có 900.000 người thất nghiệp, trong đó có tới 72.000 cử nhân, thạc sĩ. Vậy, vì sao số lượng cử nhân thất nghiệp nhiều như vậy?

Dự báo năm 2014, tình trạng thất nghiệp vẫn chưa được cải thiện
Dự báo năm 2014, tình trạng thất nghiệp vẫn chưa được cải thiện.
 
Ngày càng tăng tỷ lệ thất nghiệp trình độ đại học

Theo đánh giá tổng quan của Bản tin, tăng trưởng kinh tế năm 2013 còn thấp nhưng đã có tín hiệu phục hồi. Cùng với đà phục hồi kinh tế, thị trường lao động có dấu hiệu tích cực: Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động tăng, tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật tăng… so với năm 2012, việc làm cả nước vẫn tăng nhẹ. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm chưa được cải thiện.

Trong quý IV-2013, cả nước có 900.000 người thất nghiệp (tăng 48.000 người so với cùng kỳ 2012) và hơn 1,2 triệu lao động trong độ tuổi thiếu việc làm. Ở nhóm lao động có trình độ cao đẳng nghề, tỷ lệ thất nghiệp là 7,68%, tăng 1,3 lần so với IV-2012 (tương đương 8.300 người); tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm lao động có trình độ cao đẳng là 6,74%, tăng 1,3 lần (khoảng 19.200 người); tỷ lệ thất nghiệp của nhóm lao động có trình độ đại học trở lên là 4,25%, tăng 1,7 lần. Như vậy, có khoảng 72.000 lao động thuộc nhóm này bị thất nghiệp so với số thất nghiệp ở quý IV-2012.

Đặc biệt, nhóm thanh niên từ 20-24 tuổi tốt nghiệp cao đẳng và đại học trở lên (sinh viên mới ra trường) có tỷ lệ thất nghiệp rất cao, lên tới 20,75%. Tỷ lệ này ở nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao hơn nhiều so với không có chuyên môn kỹ thuật: 54,4% so với 39,6%.

Lý giải một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp của nhiều cử nhân, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhưng quan trọng nhất là chất lượng đào tạo trong các trường ĐH, CĐ chưa cao nên lao động mới tốt nghiệp đa số không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các cơ quan, doanh nghiệp. Mặt khác, sự chuyển dịch mô hình, cơ cấu kinh tế khiến cho cung và cầu trong lao động thay đổi, trong khi các ngành đào tạo trong nhà trường chưa bắt kịp được xu thế sử dụng lao động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc thiếu công khai, minh bạch thông tin tuyển dụng phần nào hạn chế khả năng tiếp cận, tìm kiếm việc làm của nhóm lao động này”.
 
Dự báo năm 2014, tình trạng thất nghiệp vẫn chưa được cải thiện
Nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng, bán buôn bán lẻ, dịch vụ lưu trú, ăn uống... khởi sắc hơn.

3 sai lầm dẫn đến cử nhân thất nghiệp

Trao đổi với PV Dân trí, GS. TSKH Nguyễn Minh Đường - Ủy viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực cho biết: “Đúng là đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực của xã hội. Hiện nay hàng vạn học sinh, sinh viên tốt nghiệp không có việc làm trong khi đó các doanh nghiệp đang cần rất nhiều công nhân nhưng không tuyển dụng được. Ngược lại phải tuyển lao động, công nhân, kỹ sư nước ngoài đó là một nghịch lý vì hiện nay 2 bộ phận đào tạo và tuyển dụng của chúng ta đang tách rời nhau, đào tạo một nơi, sử dụng một nẻo. Ở nhiều nước, muốn xây dựng một nhà máy hay phát triển một ngành sản xuất, họ phải có kế hoạch phát triển nhân lực từ trước đó ba bốn năm để tự đào tạo hoặc đặt hàng cho các cơ sở đào tạo.

Ở nước ta, các cơ quan quản lý nhân lực của cả nước, của từng địa phương cũng như các doanh nghiệp chưa đưa ra được kế hoạch phát triển nhân lực theo các ngành nghề và trình độ trong từng kế hoạch 5 năm, nên đào tạo không thể đáp ứng được nhu cầu sử dụng nhân lực. Vì vậy, Nhà nước phải đứng ra chủ trì xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực 5 năm. Khi đó, bên đào tạo mới biết được chứ cứ hô hào đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội nhưng nhu cầu đào tạo xã hội như thế nào thì chưa ai biết”.

Vậy vì sao nhiều doanh nghiệp chê sinh viên Việt Nam, cái đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp là cái gì? GS Đường lý giải: “Chất lượng là đầu tiên, chất lượng là sống còn trong cơ chế thị trường. Hiện nay chúng ta thừa cử nhân kỹ sư do chất lượng không đáp ứng. Số lượng, quy mô và cơ cấu ngành nghề không phù hợp như kế toán, quản trị, kinh doanh đang thừa nhiều còn ngành thiếu thì không đào tạo. Những ngành này do dạy không tốn kém, nên các trường ào ạt mở để thu lợi nhuận. Trong khi đó kinh phí cấp nhà nước cấp cho các ngành nghề như nhau. Cho nên sắp tới cần phải thay đổi về định mức kinh phí đào tạo cho từng ngành nghề, ngành kinh tế, luật khác với ngành kỹ thuật, cơ khí, ngành công nghệ ô tô…

GS Đường cho rằng: “Tổng kết lại có 3 sai lầm dẫn đến cử nhân thất nghiệp là nhà trường chạy theo lợi nhuận, không biết về nhu cầu; nhà nước đầu tư không cân đối, không sát thực tế ngành nghề đào tạo; mất cân đối nguồn nhân lực”.

Trong 5 năm tới, liệu có thay đổi được vấn đề này? GS Đường nhận định: “Rất khó. Khó vì phải thay đổi cả tư duy lẫn hành động vốn đã ăn sâu nhiều năm trong mỗi chúng ta. Tuy nhiên, sớm muộn gì cũng sẽ phải thay đổi, nhưng điều này phụ thuộc vào sự chỉ đạo quyết liệt của Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo. Bên cạnh đó, ngành giáo dục cần điều chỉnh quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo cho phù hợp với nhu cầu phát triển nhân lực của cả nước cũng như từng vùng, từng địa phương. Đồng thời, cần xây dựng lại quy chế cũng như vận dụng các phương pháp và công cụ kiểm tra đánh giá hiện đại để đảm bảo chất lượng đầu ra cho nhà nước và cho xã hội. Các bộ ngành cần xây dựng chuẩn năng lực từng chức danh lao động, xây dựng lại quy chế tuyển dụng, sử dụng nhân lực theo năng lực là chủ yếu, bằng cấp chỉ là điều kiện cần.
 

Dự báo tình trạng thất nghiệp sẽ không được cải thiện

Dự báo về triển vọng thị trường lao động Việt Nam năm 2014, Bản tin nhận định: Tăng trưởng GDP dự báo cho năm 2014 là 5,8% cao hơn mức tăng của năm 2013 là 5,4%. Lực lượng lao động sẽ đạt 54,87 triệu người vào năm 2014. Quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa tạo điều kiện thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, tỷ lệ việc làm trong nông nghiệp tiếp tục giảm. Ngược lại, lao động không có chuyên môn kỹ thuật và lao động làm nghề giản đơn sẽ giảm. Khả năng tạo việc làm của nền kinh tế sẽ tốt hơn so với năm 2013, nhất là ở nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng, bán buôn bán lẻ, dịch vụ lưu trú, ăn uống.

Tuy nhiên, cơ hội tìm kiếm việc làm của những lao động có trình độ cao chắc chắn vẫn rất khó khăn và dự báo tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên cũng như tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị trong năm 2014 sẽ duy trì mức ổn định, không cải thiện.


Cũng theo bản tin trong quý IV-2013, việc làm trong ngành nông-lâm-thủy sản chiếm 45,8% tổng cơ cấu việc làm (giảm 1 điểm %), ngược lại việc làm trong ngành công nghiệp xây dựng và dịch vụ đều tăng so với cùng kỳ năm 2012. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế này khiến nhu cầu sử dụng lao động có trình độ cao sẽ tăng lên.

Hồng Hạnh