Việt Nam đã sẵn sàng cho Olympic Vật lý 2008

(Dân trí) - Trao đổi với báo giới, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long, Trưởng ban tổ chức cuộc thi Olympic Vật Lý lần thứ 39 (IPhO) cho biết: “Các khâu chuẩn bị đã hoàn tất, đề thi đang được bảo mật một cách an toàn”.

Thứ trưởng Long cũng cho biết thêm, khác với kỳ thi Olympic Toán học được tổ chức ở Việt Nam là đề thi được lấy ra từ ngân hàng đề thi quốc tế thì IPhO sẽ do nước chủ nhà tự ra đề. Đề thi IPho sẽ gồm hai phần: Phần thi lý thuyết và phần thi thực hành.

Về mức độ của đề thi GS Nguyễn Thế Khôi, thành phân Ban tổ chức cuộc thi cho biết: “Đây là cuộc thi có sự cạnh tranh và phân loại rất cao, nên đề thi đã được nước chủ nhà đầu tư hết sức công phu.

Ban tổ chức đã mời những giáo viên, giảng viên giỏi nhất nước tham gia ra đề thi. Ngoài ra, tiểu ban ra đề đã mời tất cả giáo viên, các nhà vật lý trong cả nước tham gia đề xuất các câu hỏi cho đề thi, sau đó mới lựa chọn ra 1 bộ đề thi chính thức.

IPhO lần thứ 39 sẽ diễn ra từ ngày 20/7 đến 28/7 với sự góp mặt của 85 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia, với 390 HS và 279 cán bộ. Chi lê và En Sanvado là 2 nước lần đầu tiên tham dự.

 

Đoàn Việt Nam gồm 5 thí sinh: Nguyễn Đức Minh (Trường THPT Hà Nội - Amsterdam), Đỗ Hoàng Anh (Trường ĐH KHTN Hà Nội), Huỳnh Minh Toàn (Trường THPT Lê Quý Đôn- Đà Nẵng), Trần Anh Vũ (Trường THPT dân tộc Đào Duy Từ), Nguyễn Tất Nghĩa (Trường THPT Phan Bội Châu, Nghệ An).

 

Trưởng đoàn đội tuyển IPhO Việt Nam là GS.TSKH Vũ Quang.

Đề thi chính thức này còn được Hội đồng quốc tế cân nhắc, sửa đổi và thống nhất, sau đó mới được duyệt, dịch sang tiếng các nước để TS có thể phát huy hết khả năng của mình, mà không bị rào cản ngôn ngữ làm cho TS đó không làm được bài.

Việc chấm thi cũng được tiến hành hết sức chu đáo. Ban giám khảo và trưởng đoàn các nước được tham gia tranh luận, cả trên đáp án của TS lẫn trên giấy nháp của TS để TS không bị thiệt thòi.

Các TS sẽ làm bài thi lý thuyết vào ngày 22/7, với 3 bài, thời gian trong 5h, với điểm tối đa là 30 điểm. Ngày 24/7, TS sẽ thi bài thi thực hành, trong vòng 5h tại nhà thi đấu Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Ban tổ chức cũng cho biết, tham dự IPhO lần này có sự tham gia của GS Friedman, người từng đoạt giải Nobel Vật lý năm 1990. 

Nguyễn Hùng