Việt Nam giành giải Ba cuộc thi “Go Green in the City 2014”

(Dân trí) - Vượt qua thí sinh các nước Mỹ, Nga, Nhật, Trung Quốc…, hai sinh viên Trường ĐH Ngoại thương TPHCM đã giành giải Ba cuộc thi “Go Green in the City 2014”.

Schneider Electric vừa công bố đội vô địch toàn cầu cuộc tranh tài quốc tế “Go Green in the City 2014” (Giải pháp xanh cho thành phố 2014) mùa thứ 4. Vòng thi chung kết toàn cầu của cuộc thi về ý tưởng kinh doanh “Go Green in the City 2014” tại Paris (Pháp) từ ngày 17 đến ngày 21 tháng 6 năm 2014 cho 24 thí sinh xuất sắc nhất đến từ khắp các châu lục.

12 đội tham gia vòng chung kết năm nay đến từ các quốc gia Ai Cập, Brazil, Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, New Zealand, Mỹ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật, Canada và Pháp. Các đội trình bày ý tưởng về những giải pháp quản lý năng lượng hiệu quả cho thành phố thông minh trước BGK là các chuyên gia và quản lý cấp cao của tập đoàn Schneider Electric.

Kết quả chung cuộc, đội giành ngôi vô địch năm nay là EnerBy gồm 2 sinh viên Jin Deng Keith Chan và Man Ki Lee (Đại học Khoa học & Công nghệ Hồng Kông), giải Nhì thuộc về đội Glowing Future với các sinh viên Erik Zydervelt và Genna Boyle (Đại học Victoria của Wellington).

Đại diện Việt Nam là đội Energy Bank với hai nữ sinh Đặng Huỳnh Mai Anh và Nguyễn Thị Thùy Dương (Đại học Ngoại thương TPHCM) đã tự tin tranh tài và giành giải Ba.

Việt Nam giành giải Ba cuộc thi “Go Green in the City 2014”

Đặng Huỳnh Mai Anh và Nguyễn Thị Thùy Dương (Đại học Ngoại thương TP Hồ Chí Minh)đã tự tin tranh tài và giành giải Ba.

Giải thưởng cho đội vô địch cuộc tranh tài “Go Green in the City 2014” là một chuyến du lịch vòng quanh thế giới, đến thăm các văn phòng và giao lưu cùng đội ngũ nhân viên và quản lý cấp cao của tập đoàn Schneider Electric tại nhiều nước. Bên cạnh đó, đội chiến thắng cũng sẽ nhận được cơ hội làm việc tại Schneider Electric.

Trong 4 mùa thi, cuộc thi “Go Green in the City” đã nhận được hơn 14.000 đơn đăng ký tham gia, quy mô cuộc thi được mở rộng từ 8 quốc gia năm 2011 lên đến 159 quốc gia trong năm 2014.

Trong vòng 4 năm qua, Schneider Electric nhận thấy rằng sự quan tâm ngày càng gia tăng mạnh mẽ của sinh viên, đặc biệt là sinh viên từ các nền kinh tế mới nổi, đến cuộc thi nói riêng và các vấn đề sử dụng năng lượng hiệu quả nói chung. Năm nay, mặc dù mới tham gia lần đầu nhưng các đại diện của Ai Cập và Nigeria gây ấn tượng rất tốt. Số lượng bài dự thi từ Ấn Độ và các quốc gia Đông Á cũng tăng mạnh.

Tên dự án của hai sinh viên Nguyễn Thị Thùy Dương và Đặng Mai Anh ( ĐH Ngoại thương TP Hồ Chí Minh) là Ngân hàng Năng lượng cho Thành phố Thông minh. Đây là ý tưởng đề xuất áp dụng cơ chế hoạt động của mô hình “ngân hàng” vào quản lý điện nhằm đảm bảo mức độ ổn định về nhu cầu tiêu thụ điện cũng như khuyến khích tiết kiệm điện trên tinh thần “Càng tiết kiệm, càng có lợi”.

Khi triển khai, “ngân hàng năng lượng cho Thành phố Thông minh” sẽ giúp quản lý sự chênh lệch về tiêu thụ điện trong một công đồng nhỏ (từ 20-100 hộ dân như chung cư, khu dân cư, ký túc xá, tòa nhà văn phòng…), lấy phần điện tiệt kiệm (dưới định mức) của người này cho người sử dụng vượt quá vay và trả lãi suất. Càng nhiều người dùng điện vượt định mức, người tiết kiệm điện càng được trả nhiều tiền.

Toàn bộ hạ tầng để vận hành mô hình “ngân hàng năng lượng cho Thành phố Thông minh” bao gồm hệ thống online quản lý tài khoản sử dụng điện của từng hộ, bộ thiết kế phích cắm thông minh cho phép kết nối với bộ định tuyến. Hệ thống này có thể liên kết với smartphone/máy tính bảng thông qua mạng internet, đưa ra lời khuyên/cảnh báo cho khách hàng quản lý năng lượng một cách khoa học. Đặc biệt, mọi người có thể bật/tắt các thiết bị điện ở nhà thông qua smartphone hoặc máy tính bảng kết nối internet. Hệ thống giúp cập nhật các số liệu liên quan đến sử dụng điện trên các tài khoản đăng kí của mỗi hộ dân. Khách hàng khi truy cập vào tài khoản này sẽ biết được lượng điện năng nhà mình sử dụng.

Hồng Hạnh