Việt Nam trước cuộc cách mạng công nghiệp lần 4: Cần có nhân tài!

(Dân trí) - Cuộc cách mạng công nghiệp lần 4 sẽ tác động đến Việt Nam ở nhiều mặt, trong đó nổi lên vấn đề giáo dục và khoa học công nghệ. Vậy chúng ta đón nhận cơ hội và thích ứng với nó như thế nào trong tương lai?

Những nước như Hàn Quốc, Ấn độ đã tận dụng khá thành công cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là cơ hội bùng nổ cho các công ty trong ngành công nghiệp sản xuất nội địa biết tận dụng lợi thế kỹ thuật số và chuyển đổi mô hình kinh doanh kịp thời.

Nguồn lực tài chính đầu tư phát triển kỹ thuật số cho các công ty cũng không đòi hỏi nhiều, phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để người tiêu dùng trong nước được tiếp cận gần hơn với các hàng hóa, dịch vụ đa dạng với giá cả hợp lý hơn.

Tuy nhiên, các công ty nội địa đứng trước thách thức phải linh động điều chỉnh sản phẩm theo nhu cầu người tiêu dùng, tích hợp các công nghệ tiên tiến (rô bốt bán tự động, điện toán đám mây…) để giản tiện quy trình sản xuất, giảm thời gian giao hàng, rút ngắn vòng đời sản phẩm nhưng vẫn đảm bảo khả năng quản lý sản xuất và chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh khi ranh giới địa lý của các thị trường thương mại mờ nhạt dần.

Đồng thời, phát triển công nghệ tiên tiến cũng có nghĩa là ưu thế về nhân công giá rẻ của Việt Nam tại thời điểm hiện tại sẽ trở thành bất lợi lớn cho sự phát triển công nghiệp của đất nước giai đoạn mới, đồng thời đặt gánh nặng lên nền kinh tế quốc gia trong việc giải quyết việc làm cho một số lượng lớn nhân công trình độ thấp.

Việt Nam trước cuộc cách mạng công nghiệp lần 4: Cần có nhân tài! - 1

Giáo dục sẽ đối mặt với nhiều thách thức

Về mặt giáo dục, khả năng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội cũng như thách thức. Trong giai đoạn sắp tới, Việt Nam đứng trước yêu cầu đầu tư đào tạo nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực như khoa học về vật liệu mới tiên tiến, công nghệ thông tin, công nghệ nano, tự động hóa, điện tử viễn thông,lưu trữ năng lượng.

Các cơ sở đào tạo gặp khó khăn do nhu cầu nhân lực của thị trường lao động khó dự đoán, tốc độ thay đổi công nghệ diễn ra thần tốc. Tuy nhiên, Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thông qua việc thay đổi cách tiếp cận giáo dục, phát triển năng lực sáng tạo và kỹ năng khởi nghiệp của người học; hỗ trợ sự liên kết hợp tác thuận lợi giữa các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp và doanh nghiệp để cung cấp một môi trường thực hành cao giúp người học tiếp cận các xu thế phát triển cũng như đáp ứng yêu cầu công việc sau tốt nghiệp.

Chúng ta phải có một triết lý rõ ràng, dễ hiểu dễ vận dụng về giáo dục đại học (được hiểu là bao gồm các hoạt động đào tạo đại học và sau đại học).

Tháng 6.2016 vừa qua, khi dự hội nghị quốc tế ACCMS TM 2016 tại Ấn Độ, ngay tại hội trường lớn nhất của RMS University, có một khẩu hiệu lớn “LEARN, LEAP, LEAD” (tạm dịch là học, nắm bắt cơ hội và nhảy vọt, dẫn dắt và lãnh đạo). Phải chăng đó chính là triết lý giáo dục đại học của Ấn Độ? Phải chăng đó là tầm nhìn của các nhà lãnh đạo nhằmđào tạo, chuẩn bị hành trang từ trong tiềm thức đến hành động cho thế hệ trẻ tương lai của Ấn Độ?

Chúng ta cũng cần nghiên cứu các mô hình đào tạo mới gắn với việc đổi mới và cấu trúc lại chương trình đào tạo trong một số ngành và lĩnh vực. Mô hình đào tạo “kỹ sư toàn cầu” – khái niệm kỹ sư hoàn toàn mới, đã bắt đầu được đào tạo tại Nhật Bản từ 2015, tại TokyoInstituteofTechnology (GSEP: GlobalScientistsandEngineersProgram).

Chương trình đào tạo này có các kiến thức liên ngành về toán học, vật lý, cơ học cộng với nền tảng về công nghệ thông tin, ngoại ngữ và phát triển bền vững - có thể là một trong những giải pháp phù hợp đáp ứng nguồn nhân lực của tương lai?


Cần xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Việt Nam cũng cần đầu tư nghiên cứu, tiếp cận nhanh hơn nữa với xu hướng khoa học công nghệ trong các lĩnh vực như vật liệu mới, năng lượng mới, kỹ thuật số, công nghệ thông tin, tự động hóa và trí tuệ nhận tạo, công nghệ sinh học,…và xa hơn là cả những vấn đề sẽ nảy sinh trong lĩnh vực quản trị, quản lý và khoa học pháp lý.

Việt Nam cần có chiến lược để xây dựng bằng được các nhóm nghiên cứu mạnh, các viện nghiên cứu tiên tiến, các trung tâm xuất sắc trong các lĩnh vực này. Bên cạnh đó, cần sớm có chiến lược, giải pháp cụ thể để phát triển các ngành tự động hóa tích hợp với các công nghệ cao như công nghệ thông tin, chuỗi cung ứng thông minh, sử dụng hệ thống quản lý sở hữu trí tuệ mới, tối ưu hóa mô hình kinh doanh với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Suy cho cùng, mấu chốt là cần có nhân tài. Cần thu hút, bồi dưỡng, đào tạo và gây dựng để Việt Nam có những nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực này. Muốn như vậy, có lẽ chúng ta phải có những đột phá trong chính sách sử dụng và đãi ngộ nhân tài. Liệu chúng ta có mạnh dạn như Hàn Quốc đã quyết tâm và đầu tư cho Viện Khoa học Công nghệ Tiên tiến (KIST) của họ trong những năm 60 của thế kỷ XX?

Cuối cùng, sự định hướng phát triển tương lai phụ thuộc vào tư duy, cách thích ứng với thay đổi và quyết tâm chính trị của các cá nhân, lãnh đạo các tổ chức trong nền kinh tế ở cấp vi mô và các nhà lập, hành pháp, tư pháp ở cấp độ vĩ mô.

Đổi mới chiến lược phát triển, thu hút - trọng dụng và bồi dưỡng nhân tài, xây dựng các mô hình kinh doanh phù hợp, kết hợp đầu tư giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và nghiên cứu ở trình độ cao trong dài hạn có thể cho phép Việt Nam vừa bảo vệ quyền lợi người dânvừa hỗ trợ sáng tạo và tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - ĐH QGHN