Đắk Lắk:

Vụ hàng trăm giáo viên bị chấm dứt hợp đồng: Sẽ tiếp tục xin chỉ tiêu biên chế

(Dân trí) - Liên quan đến vụ việc 208 giáo viên bị thông báo chấm dứt hợp đồng lao động, UBND huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) đã có công văn tạm ngừng việc chấm dứt hợp đồng và tiếp tục xin các cấp ngành chỉ tiêu biên chế để giải quyết tốt nhất cho các giáo viên này.

Vợ chồng giáo viên chia sẻ với phóng viên về việc dạy hợp đồng 8 năm

Tìm hướng giải quyết tốt nhất

Sáng 12/3, trao đổi với PV Dân trí, bà Ngô Thị Minh Trinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) – cho biết huyện đã ban hành công văn số 353 về việc triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh về vấn đề liên quan đến việc chấm dứt hợp hợp đồng giáo viên không được phân bố chỉ tiêu tuyển dụng năm 2017.

Bà Ngô Thị Minh Trinh – Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk trao đổi với báo chí
Bà Ngô Thị Minh Trinh – Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk trao đổi với báo chí

Theo đó, huyện sẽ tạm ngưng chấm dứt hợp đồng lao động với 208 trường hợp ngoài chỉ tiêu biên chế không có vị trí tuyển dụng năm 2017. Và giao cho các phòng, ban tham mưu UBND huyện: Rà soát, xây dựng phương án, để xuất với UBND tỉnh xem xét bổ sung thêm chỉ tiêu xét tuyển đối với giáo viên có hợp đồng lao động ngoài chỉ tiêu biên chế nhưng không có vị trí việc làm để tuyển dụng.

Bà Trinh cũng cho biết thêm, tổng số các giáo viên hợp đồng hiện tại của huyện là 578 giáo viên, trong đó có 370 trường hợp được tham gia xét tuyển sắp tới với chỉ tiêu là 83 người. Riêng 208 giáo viên còn lại do không có chỉ tiêu nên huyện sẽ tiếp tục xin các cấp ngành các chỉ tiêu biên chế.

“Huyện sẽ rà soát, phân tích rõ từng loại hợp đồng loại nào là ngắn hạn, loại nào là dài hạn để có đề xuất, hướng giải quyết tốt nhất cho các em. Hiện tại các giáo viên này vẫn sẽ tiếp tục được giảng dạy bình thường”, bà Trinh phân tích.

Các giáo viên tập trung trước UBND huyện để chờ gặp lãnh đạo huyện
Các giáo viên tập trung trước UBND huyện để chờ gặp lãnh đạo huyện

Vị Phó Chủ tịch UBND huyện cũng cho biết, hiện huyện còn khoảng 75 chỉ tiêu biên chế (chủ yếu là giáo viên cấp THCS) nên đang xin các cấp ngành xem xét bổ sung chỉ tiêu để cho số giáo viên này có việc làm.

Trước câu hỏi của PV rằng việc ký hợp đồng với các giáo viên có dấu hiệu tiêu cực hay không, bà Trinh khẳng định chưa nhận được bất kỳ phản ánh nào liên quan. “Đến nay huyện chưa nhận được bất cứ phản ánh hay đơn thư tố cáo tiêu cực trong vụ việc này. Nếu phát hiện có tiêu cực nhất định chúng tôi sẽ đề nghị các cơ quan chức năng điều tra xử lý những cá nhân tập thể vi phạm”, bà Trinh nhấn mạnh.

Hàng trăm giáo viên vẫn nuôi hi vọng

Ghi nhận của PV vào sáng nay, hàng trăm giáo viên đã tập trung tại UBND huyện để được huyện chính thức lên tiếng về vụ việc. Cô giáo V. (trường THCS Ea Yiêng) cho biết nghe được thông tin tạm ngưng chấm dứt hợp đồng cô vẫn không thôi hi vọng sẽ được tiếp tục giảng dạy.

“Em bị ung thư tuyến giáp 2 năm nay rồi cũng nhờ đi dạy mà em có đồng ra đồng vào thuốc men, họ mà chấm dứt hợp đồng thì không biết em phải sống ra làm sao. Sức khỏe của em như vậy ai thuê em làm đây, mong là các cấp có hướng xử lý hợp tình hợp lý cho những người chúng em”, cô V. nghẹn ngào.

Bà Đặng Thị Ngọ lo lắng khi ba người con đều đang là giáo viên hợp đồng
Bà Đặng Thị Ngọ lo lắng khi ba người con đều đang là giáo viên hợp đồng

Riêng với vợ chồng thầy giáo Nguyễn Đức Thọ và cô Nguyễn Thị Thúy Hằng (đều là giáo viên trường THCS Ea Yiêng) chia sẻ suốt 8 năm trời 2 vợ chồng thầy cô đi dạy ở vùng xa, đường sá đi lại vô cùng khó khăn nhưng vẫn không quản ngại nỗ lực cống hiến cho nghề.

“Nghe tin chấm dứt hợp đồng vợ chồng tôi như sét đánh ngang tai, cứ nghĩ thời gian tới phải nghỉ dạy đi tìm việc làm khác chúng tôi thấy không công bằng. Chúng tôi hôm nay đến huyện để được giải thích và được bày tỏ tâm tư nguyện vọng với lãnh đạo để họ hiểu giúp cho chúng tôi với”, cô Hằng bày tỏ.

Cũng tới UBND huyện để nghe ngóng tình hình, bà Đặng Thị Ngọ (53 tuổi) đang hết sức lo lắng cho ba người con đều là giáo viên hợp đồng, trong đó có hai người con nằm trong diện được thi tuyển sắp tới và một người con còn lại ở diện bị chấm dứt hợp đồng. “Chúng tôi lao động vất vả để nuôi các con ăn học nên người rồi được vào ngành giáo dục đó là niềm vui, hãnh diện của gia đình. Tôi chỉ muốn các con sẽ được di dạy không phải rơi vào cái cảnh lao đao vì mất việc, khổ lắm!”, bà Ngọ tâm sự.

Như Dân trí đã phản ánh, vào chiều ngày 9/3, UBND huyện Krông Pắk đã thông báo sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với 208 giáo viên do không có chỉ tiêu. Riêng 370 giáo viên còn lại sẽ tham gia xét tuyển với chỉ tiêu là 83. Trước thông tin này các giáo viên đã rất bức xúc, lo lắng và mong muốn chính quyền các cấp xem xét để vẫn được tiếp tục giảng day.

Thúy Diễm