Vụ SITC: Bộ GD - ĐT nói gì?

Sau những dấu hiệu bất thường của các cơ sở đào tạo Anh ngữ (Trung tâm Đào tạo quản lý cao cấp SITC) của TPHCM, Nha Trang, Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng...v ề tình trạng không người quản lý, cửa đóng then cài; hàng ngàn học viên và giáo viên trong tình trạng hoang mang...

Bộ GD-ĐT cho biết, sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để có hướng giải quyết bảo đảm quyền lợi cho người học.

 

18 tháng hoạt động, chưa 1 lần báo cáo?

 

Ông Nguyễn Danh Tình, chuyên viên Vụ Giáo dục thường xuyên (Bộ GD-ĐT) cho biết, hiện chưa có báo cáo cụ thể của các sở GD-ĐT về vấn đề này. Ngoài thông tin từ TPHCM (biết qua báo nêu), hôm 23-1, Sở GD-ĐT Khánh Hòa có gọi ra nhưng cũng chỉ mang tính chất thông tin vụ việc. Hiện, sở đã báo cáo công an lập biên bản.

 

Tại công văn số 4798/GDTX, Bộ GD-ĐT đồng ý về mặt nguyên tắc cho phép SITC được đào tạo 3 chương trình (Anh ngữ tổng quát, Anh văn nghe nói và Anh văn dành cho trẻ em) bồi dưỡng Anh ngữ ngắn hạn và cấp chứng chỉ sau hoàn thành khóa học. Đây cũng là chủ trương phát triển việc học ngoại ngữ ở trong nước.

 

Văn bản nhất trí cho đào tạo và muốn hoạt động ở địa phương nào phải đăng ký với Sở GD-ĐT sở tại để thẩm định và quản lý trực tiếp.

 

Tuy nhiên, cả 3 chương trình chỉ cho phép đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn để nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cụ thể về học ngoại ngữ cho người lớn và trẻ em. Việc chia nhỏ các cấp độ trong chương trình đào tạo, nếu các cấp độ mang tính chất cấp học là không đúng theo quy định... Trong công văn không dùng những thuật ngữ "Sơ cấp", "Sơ trung cấp", "Trung cấp", "Cao trung cấp".

 

Cơ quan, đơn vị nào cấp phép thì phải chịu trách nhiệm

 

Khi cho phép Trung tâm mở các lớp bồi dưỡng tiếng Anh đặt tại TPHCM, Bộ có thẩm định chương trình cũng như điều kiện đáp ứng? Trả lời câu hỏi này, ông Tình cho hay: Trong quy định của Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) thì Thông tư 14 có nội dung: "Sở KH-ĐT đã thẩm định hồ sơ đăng ký (có báo cáo về địa điểm, chương trình, mẫu văn bằng chứng chỉ và cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ...). Do vậy, việc phân định rạch ròi giữa KH-ĐT và Bộ GD-ĐT thì cũng chưa được rõ". Cho nên, Bộ cũng đã ủy nhiệm cho các Sở GD-ĐT tại chỗ thẩm định.

 

Cũng phải khẳng định là trong công văn, Bộ chỉ cho phép đào tạo 3 chương trình nói trên, không cho đào tạo chương trình TOEIC như trong tờ rơi của các cơ sở ở Hà Nội thông báo. Tất cả những thông tin đưa ra, Bộ sẽ có thẩm định và phối hợp với các đơn vị chức năng để xử lý...

 

Chiều cùng ngày, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên Hoàng Minh Luật khẳng định: đến nay chưa có báo cáo của các Sở về vụ việc báo nêu. Trong công văn, cũng đã yêu cầu Sở GD-ĐT TPHCM phải có trách nhiệm xử lý việc này vì đã được ủy quyền.

 

Ông Luật cho hay, trong trường hợp SITC có "sự cố" thực sự dẫn đến học viên ngừng học, sẽ có phối hợp với Sở để có biện pháp xử lý. Hướng giải quyết sẽ bảo đảm quyền lợi người học. Ví dụ: yêu cầu chuyển học viên học tiếp ở một nơi nào đó mà không phải trả tiền. Với những cơ sở đã đăng ký qua Sở thì Sở có trách nhiệm quản lý; đối với trường hợp không báo cáo qua Sở thì chưa đủ điều kiện.

 

Vẫn theo ông Luật, cả nước chỉ duy nhất TP.HCM được Bộ GD-ĐT cho phép SITC mở các lớp bồi dưỡng về tiếng Anh tại số 63, đường Sương Nguyệt Ánh, quận 1, TPHCM. Từ ngày 14/6/2004, chưa có báo cáo về hoạt động của Trung tâm từ Sở GD-ĐT TPHCM trong khi quy định định kỳ 6 tháng có 1 lần báo cáo về Bộ (qua Vụ Giáo dục thường xuyên) để theo dõi, chỉ đạo.

 

Một quan chức Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ GD-ĐT nhận định: SITC là một doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, hoạt động theo luật Doanh nghiệp.

 

Các trung tâm đào tạo nước ngoài vào Việt Nam làm việc, phải thông qua sự thẩm định của nhiều cơ quan chức năng: Sở GD-ĐT, Sở Kế hoạch đầu tư, Bộ Kế hoạch đầu tư... không chỉ có Bộ GD-ĐT cấp phép. Bộ GD-ĐT chỉ thẩm định về mặt chương trình.

 

Khi sự việc xảy ra, các cơ quan cấp phép cho đơn vị này phải có động thái kiểm tra hoặc thanh tra. Cơ quan, đơn vị nào cấp phép thì phải chịu trách nhiệm.

 

Theo Vietnamnet

Dòng sự kiện: SITC