“Vua chúa nửa mùa” vì được bao bọc quá đà

(Dân trí) - Phụ huynh bao bọc con quá đà đã tạo ra những “ông hoàng bà chúa nửa mùa”: thừa mứa sự cung phụng, vật chất nhưng thiếu trầm trọng các kỹ năng, lễ nghi.

ThS Lê Thị Lan Anh - Phó Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt (IEDV) chia sẻ các bậc phụ huynh của chúng ta - những 7X, 8X… sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh gian khó, ít nhiều có một "tuổi thơ dữ dội": đói vì thiếu cơm, co ro trong cái lạnh vì thiếu áo, tâm hồn dần cằn cỗi bởi những mắng mỏ, quát nạt của mẹ cha. Học hành trong điều kiện thiếu thốn, việc phụ giúp công việc gia đình hay cả những những nhọc nhằn khi bươn chải mưu sinh từ sớm rất sớm.

Ám ảnh với" tuổi thơ dữ dội” - đó là một trong những lý do khi lên chức bố mẹ, phụ huynh muốn dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho con: ăn no, mặc ấm, chăm bẵm con hết lòng, cung phụng, chiều chuộng, đáp ứng tối đa nhu cầu của trẻ.

Phụ huynh cần cởi trói để giúp con trẻ làm chủ chính bản thân mình. (Ảnh minh họa)
Phụ huynh cần "cởi trói" để giúp con trẻ làm chủ chính bản thân mình. (Ảnh minh họa)

Đứa trẻ vô tình trở thành tượng đài ước mơ để nhiều phụ huynh dày công vun đắp. Sai lầm lớn nhất mà nhiều bố mẹ gặp phải là phương pháp dạy con không đúng, cung phụng con thái quá đã tạo ra những “ông hoàng bà chúa” nửa mùa.

Theo ThS Lê Thị Lan Anh, không khó để nhận diện những đứa trẻ được bố mẹ cung phụng hóa thành “vua chúa nửa mùa”. Tất tần tận mọi việc của đứa trẻ như chuyện đi giày dép, mặc quần áo, đánh răng, rửa mặt, tắm rửa, nấu cơm, rửa bát, quét nhà, sắp xếp sách vở... đều được phục vụ bởi “ô sin cao cấp” chính là bố mẹ, ông bà hoặc người giúp việc.

Trẻ được bao bọc không chỉ bằng sự cung phụng mà còn bởi vật chất thừa mứa: đồ chơi hàng tủ, quần áo thời thượng, giày dép chất đống… và rất nhiều những giá trị vất chất khác.

Vậy nhưng, thứ yếu và thiếu đến mức trầm trọng, thiếu đến mức có thể gọi là xa xỉ ở những đứa trẻ này: Đó là lễ nghi, là kỹ năng sống tối thiểu, là khả năng tự thích nghi trong nhiều hoàn cảnh, là cảm nhận yêu thương của cha mẹ, là sự sẻ chia với bạn bè...

Không có cơ hội tự phục vụ bản thân từ khi còn nhỏ, trẻ rất khó tự lập khi trưởng thành. Được cung chiều, bao bọc quá mức tạo ra tâm thế ỷ lại, sống dựa dẫm.

Trong khi môi trường sẽ đòi hỏi, thách thức và cả vùi dập chúng ta rất nhiều và không ai khác, chính người đó phải vượt qua. Một khi thiếu các kỹ năng trẻ rất khó để hòa nhập, thích nghi nhất là khi môi trường thay đổi hay trước những biến cố của cuộc sống.

Khi lớn lên, những đứa trẻ được bao bọc từ bé thường ngại làm việc nhỏ, thích làm việc lớn cho dù bản thân thiếu kỹ năng, thiếu trách nhiệm với công việc, thiếu ý chí tiến thủ… Và còn vô số hệ lụy mà chính bố mẹ đang từng ngày “vun đắp” lên đứa con mình.

Trong quá trình tư vấn cho hàng trăm phụ huynh, trao đổi hàng ngàn lượt bố mẹ qua các hội thảo, ThS Lan Anh nhận thấy có đến 70% phụ huynh thường xuyên làm hộ con những việc tự phục vụ bản thân đơn giản như đi dày dép, xếp quần áo, thu dọn đồ chơi…

Nhiều phụ huynh có ý định dạy trẻ tự lập không thành công do thực hiện không liền mạch, phương pháp chưa phù hợp. Một tâm lý bao trùm lấy các phụ huynh: Nhìn con làm mà bực mình, tôi làm cố một lát cho xong; cháu còn nhỏ, sợ cháu chưa làm được, để lớn lên chút nữa khắc tự biết làm; giờ con học suốt, bắt làm thì thương…

Phụ huynh nào cũng có cách yêu thương con, giáo dục con của riêng mình. Nhưng ThS Lê Thị Lan Anh nhấn mạnh, gia đình đừng bao bọc, o bế con quá mức vì điều đó đồng nghĩa với việc đang "giết chết" con. Muốn dạy con kỹ năng, trước hết chính bố mẹ cũng cần phải học và cần nhất tinh thần hãy chấp nhận để con “lớn lên” từ chính bố mẹ.

Hoài Nam (ghi)