Vừa học, vừa làm ở Úc

Cô học sinh hai năm trước mới chân ướt chân ráo sang, đến trường tiếng Anh còn lớ ngớ, tiếng Anh "sách vở" khác với tiếng Anh đời thường nhất là ở tốc độ nói, nay đã hoạt bát chào hỏi từng khách hàng quen thuộc, nhớ như in ai mua bánh gì, bao nhiêu, bữa nào họ đổi món mua thêm bánh gì khác

Có khá nhiều sinh viên Việt đi làm ở Úc. Làm đủ mọi nghề: phục vụ, rửa chén, bán hàng, làm nông trại, đếm xe giao thông...

 

Khó ai ngờ rằng M., cô học sinh lớp 11 bé choắt ấy, lại tối tối, đi học về ghé tiệm bánh mì, đứng chân phụ bán. Bán bánh mì ở tiệm nhỏ khác với bán ở siêu thị.

 

Cô học sinh hai năm trước mới chân ướt chân ráo sang, đến trường tiếng Anh còn lớ ngớ, tiếng Anh "sách vở" khác với tiếng Anh đời thường nhất là ở tốc độ nói, nay đã hoạt bát chào hỏi từng khách hàng quen thuộc, nhớ như in ai mua bánh gì, bao nhiêu, bữa nào họ đổi món mua thêm bánh gì khác. Khéo giao tiếp nên khách hàng quí, chủ tiệm giữ lại làm suốt từ ấy đến giờ. M. hãnh diện khoe: "Con kiếm gần đủ tiền học. Chớ ba mẹ chỉ có chiếc xe tải, đâu có giàu có gì”. M. may mắn có cô ruột bảo lãnh sang cho ở nhờ, và đi làm cho chủ Úc nên được trả lương theo luật định.

 

Sinh ra để câu cá...

 

Đi làm ở nông trại cũng thế, được trả lương theo luật, song đòi hỏi vai u thịt bắp; phiền một nỗi là công việc "xuân thu nhị kỳ”. Tuy nhiên, đây lại là công việc vô cùng lý thú cho các nam sinh viên với một đời sống tập thể.

 

Nữ ít sức vóc hơn, đi phụ bán hàng là phổ biến hoặc khéo tay một chút thì đi làm móng như L., một cô bé lớp 12 ở Adelaide. Sang Úc qua hệ thống IBT Education được một tháng L. đã hăng hái đi làm, bớt cho cha mẹ một khoản chi phí tương đối: "Nhà em cũng khá giả. Ở nhà em có làm lụng gì đâu. Sang đây thấy bạn đi làm nên em đi làm. Với lại nghề này cũng không khó”.

 

So với ở Singapore, sinh viên Việt ở Úc đi làm sớm hơn. Có lẽ do Úc là một nước đang dư công ăn việc làm và cũng do chế độ an sinh xã hội ở Úc quá tốt, một người đi làm, hầu như cả gia đình được chăm sóc từ y tế đến giáo dục. Không ít lần tôi phải phì cười khi đọc thấy một mẩu dán sau xe của nhiều anh chàng bản xứ: "Born to go fishing, forced to go working" (sinh ra để đi câu cá mà cứ bị bắt đi làm)! Tất nhiên câu đó tếu thôi, nhưng phần nào phản ánh tâm tính "lè phè” ở xứ sở kangaroo này, tuy cũng trong nhóm các nước công nghiệp.

 

Nói chung đi làm 20 giờ một tuần cũng trả được tiền nhà. Còn cái khoản chợ búa thì ở xứ nông sản đầy mứa như nước Úc này không phải là nỗi băn khoăn.Vấn đề là làm sao tránh làm cho chủ người châu Á do họ thường không khai báo lao động để khỏi tốn thuế, lại bắt nọn trả lương "chui". Với lại, làm cho chủ Úc còn học hỏi được thêm, chớ làm cho chủ châu Á, xin lỗi, chẳng hơn gì làm ở quê nhà!

 

Cái lợi của vừa học vừa làm có chỉ là xoay xở giảm tiêu tốn cho cha mẹ? Nếu chỉ nghĩ đến chữ tiền mà thôi thì chuyện đi làm cũng có mặt trái: đó là tiếng gọi của đồng tiền. 

 

H., chủ tịch Hội Sinh viên VN ở Đại học MacQuarie (Sydney), chép miệng: "Một số bạn mải mê kiếm tiền mà buông lơi việc học. Đi làm đủ 20 giờ rồi lại còn đi làm chui thêm. Lẽ ra, các bạn đó đã có thể không thi rớt và không bỏ học". Một nhóm sinh viên của MIBT ở Melbourne thừa nhận: "Nói thật với chú là cũng có một số ít sinh viên đi "cày" để có tiền trả nợ cờ bạc. Các bạn ấy ham chơi lêu lổng từ bên nhà rồi. Chẳng qua cha mẹ các bạn ấy muốn tống khứ con đi xa, hư ở đâu thì hư, đừng hư trước mặt, cho khỏi ngứa mắt".

 

Đi làm để lập thân

 

Bỏ qua những tiêu cực cá biệt đó, vừa đi làm vừa đi học còn là bước vào một thế giới khác, thế giới thật của xã hội đa dạng cho dù chỉ là một góc nhỏ, chứ không phải là thế giới bảo bọc, an toàn của nhà trường, càng không còn là mái ấm của gia đình cha mẹ, anh chị em. Quen biết người khác nhiều hơn, vốn sống nhiều hơn, trưởng thành sớm hơn.

 

Vừa đi học vừa đi làm còn là một cách lập thân mạnh mẽ. Một buổi sáng thứ bảy ra chợ Victoria, thấy bán thắt lưng bằng da thật, bèn mua một cái. Mặc cả đã đời mới hay anh chủ sạp là một sinh viên Việt gốc Hải Phòng: "Cháu chán đi làm công. Ra đây đóng tiền chỗ, tự mình làm chủ, sướng hơn". Cũng hay: một self-made man (anh chàng tự lập thân) bước đầu.

 

Xuất sắc hơn cả có lẽ là Tr., nữ chủ nhân trẻ một công ty tài chính ở Adelaide chưa đầy 30 tuổi. Tám năm trước, cô học sinh trung học từ một tỉnh miền Tây Nam bộ này trúng học bổng Chính phủ Úc qua đây học tài chính. Sau vài năm làm đủ thứ việc, Tr. nhất quyết chỉ tìm việc liên quan đến lĩnh vực của mình. Kết quả sau mấy năm lăn lộn trong nghề là "rành sáu câu" đủ để vay ngân hàng, mở công ty tài chính.

 

Đi du học là để học; kiếm được việc làm thêm cũng nên là để hỗ trợ mục đích học thành tài. Chứ không phải chỉ là sang Úc du học, đi làm bao nhiêu giờ một tuần và một giờ được bao nhiêu tiền?

 

Làm thế nào để các sinh viên có thể giải được phương trình "học và làm" đó? Tại tất cả các trường đại học Úc, trong hệ thống IBT Education ở mỗi bang, thành phố của Úc đều có những bộ phận gọi là "orientation", "chaplain" giúp đỡ sinh viên khi gặp khó khăn trong đời sống, học hành, thậm chí sinh hoạt, kể cả yêu đương, học phí... tìm đến giãi bày tâm sự và để được tư vấn. Đừng tự bơi.

 

Theo Danh Đức

Tuổi Trẻ