“Vung vãi” tiền tỷ trong dự án thiết bị dạy học

(Dân trí) - Dự án mua sắm và sử dụng thiết bị dạy học của ngành giáo dục trị giá hơn 3.000 tỷ trong suốt 4 năm mang về “kết quả” là lãng phí hơn 63 tỷ đồng và duy trì phương pháp “dạy chay, học chay” cho cả nước - kết quả thanh tra nêu rõ.

Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận thanh tra về dự án mua sắm và sử dụng thiết bị dạy học (TBDH) phục vụ việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông do Bộ GD-ĐT chủ trì. Kết luận tổng quát, sai phạm trong dự án xảy ra hầu hết các địa phương, doanh nghiệp thuộc Bộ GD-ĐT và Cục quản lý giá Bộ Tài chính.

Có thiết bị vẫn… dạy chay, học chay

Kết quả thanh tra ngẫu nhiên tại 34 trường (tiểu học, THCS và THPT) của 10 tỉnh thành đã phát hiện các TBDH là thuỷ tinh đều dễ vỡ nứt. Nhiệt kế, vôn kế, ampe kê thiếu chính xác. Các công cụ làm bằng nhựa thì mòn, dòn và dễ gãy…

Nhiều địa phương thừa nhận khi nhận thiết bị không kiểm tra chặt chẽ đến khi sử dụng mới phát hiện kém chất lượng hay đồ dùng không phù hợp với sách giáo khoa. Hậu quả là nhiều trường thiết bị vẫn mua nhưng “đắp chiếu”, thầy trò tiếp tục… học chay, dạy chay.

Thanh tra Chính phủ khẳng định, hầu hết các gói thầu mua sắm TBDH chủ đầu tư là các Sở GD-ĐT đều không lập dự toán. Cá biệt là 10 tỉnh không lập kế hoạch kinh phí thực hiện hoặc lập không sát với thực tế gây thất thoát hơn 10 tỷ đồng. 12 địa phương khác sử dụng sai mục đích nguồn kinh phí đầu tư “đốt không” thêm 25 tỷ đồng.

Quá trình thanh tra cũng phát hiện 22/64 tỉnh thành mua sắm TBDH không đúng kế hoạch. Năm học 2006-2007, dù hết học kỳ 1 vẫn còn 16 tỉnh chưa mua, 13 tỉnh chưa mua hoặc mua thiếu.

Dự án mua sắm và sử dụng TBDH phổ thông áp dụng từ lớp 1/10 trên phạm vi cả nước từ năm 2002-2006. Đây là dự án lớn của ngành giáo dục với tổng kinh phí cấp cho dự án đổi mới chương trình giáo dục phổ thông là hơn 3.000 tỷ dồng (trong đó cấp cho Bộ GD-ĐT hơn 200 tỷ, còn lại hơn 2800 tỷ đồng dành cho các địa phương).

Theo Thanh tra Chính phủ, việc tổ chức mua sắm TBGD còn nhiều sai phạm ở hầu hết các địa phương, bộc lộ trong công tác quản lý tài chính, đầu tư mua sắm cũng như giao nhận, lắp đặt, bảo quản, nghiệm thu. Trong khi nhiều trường không có hoặc thiếu thì thanh tra phát hiện hơn 63 tỷ đồng sai phạm từ việc mua sắm thiết bị tràn lan, mua về mà không sử dụng hoặc kém chất lượng.

Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm cá nhân 48 người, xử lý hình sự 1 người Đồng thời kiến nghị thu hồi về NSNN hơn 21 tỷ đồng.

Chấm giá “kịch trần”

Thanh tra Chính phủ khẳng định Bộ GD-ĐT là cơ quan chủ trì dự án, tuy nhiên khi triển khai dự án đổi mới chương trình giáo dục phổ thông nhưng chưa làm tốt từ công tác chuẩn bị dự án đến việc hướng dẫn các địa phương thực hiện.

 

Hậu quả là ngay từ năm học đầu tiên thực hiện dự án (năm 2002-2003) khi chưa ban hành thiết bị mẫu thống nhất, không sát thực tế khiến, mỗi địa phương áp dụng một kiểu dẫn đến tình trạng độc quyền trong mua sắm, đầu tư như: chỉ định thầu, đấu thầu hạn chế, chia nhỏ nhiều gói thầu để chỉ định thầu không đúng quy định gây thất thoát hơn 58 tỷ đồng.

 

Nghiêm trọng hơn, Bộ GD-ĐT xây dựng phương án giá chủ yếu dựa vào phương án giá do các đơn vị sản xuất TBDH cung ứng mà không dựa vào chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và định mức quy định. Vi vậy đơn giá đề nghị cao hơn giá tối đa do Bộ Tài chính duyệt, thậm chí có địa phương chỉ định thầu với mức giá “kịch trần”, chi tiền không tiếc tay.

 

Qua thanh tra đã phát hiện tại 6 đơn vị thuộc Bộ GD-ĐT và một số công ty liên quan đã nhập và bán đàn Casio LK55VN cho các trường học với số tiền sai phạm hơn 17 tỷ đồng lãng phí, sử dụng sai mục đích.

Theo đánh giá của thanh tra, Bộ Tài chính cũng không đứng ngoài cuộc khi chỉ căn cứ vào phương án giá do các đơn vị sản xuất TBDH và Bộ GD-ĐT đề nghị, không áp dụng các chỉ tiêu kỹ thuật và định mức quy định để xác định đơn giá. Việc này khiến cho giá của nhiều thiết bị mẫu được thẩm định cao hơn giá thị trường.

P.Thảo