Vượt qua “va đập” của kỳ thực tập

(Dân trí) - Thực tập là một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất của sinh viên. Nhưng đồng thời cũng là khoảng thời gian mang lại nhiều gay cấn. Đâu là “bí quyết” để vượt qua kỳ thực tập vốn dĩ luôn mang nhiều va đập?

Thời gian của những gian nan

Trực tiếp phụ trách công tác hướng dẫn sinh viên (SV) kiến tập, thực tập tại các cơ sở, tôi có cơ hội gần gũi để lắng nghe nhiều hơn những tâm tư, nguyện vọng và cả những khó khăn của các em trong quãng thời gian được xem quan trọng này. Có em giữa khuya vẫn nhắn tin hoặc gọi điện xin ý kiến của giảng viên về những băn khoăn trong quá trình thực tập, mặc dù trước đó, tôi đã dành cả một buổi học để trò chuyện và trao đổi cùng lớp về một số “bí kíp gia truyền” trước chuyến “xuất quân” của học kỳ thực tập.

Có em lại đăng những dòng trạng thái bất ổn trên trang mạng cá nhân và tôi vô tình lướt đọc thấy. Tâm lý chung của các em là bồn chồn với hàng loạt những câu hỏi: Liệu sẽ học được gì trong kỳ thực tập? Liệu sẽ ứng xử ra sao với cấp trên và đồng nghiệp? Liệu có hoàn thành công việc theo đúng yêu cầu của cơ sở?… Ngược lại, cũng có những em, do quá lo lắng e dè nên nảy sinh tâm lý buông xuôi, bất cần, phó mặc mọi sự cho… ông trời.

Để kỳ thực tập không bị… bầm dập

Là cánh cửa giúp SV bước ra khỏi những trang sách để đến với thực tế công việc, học kỳ thực tập trao cho SV cơ hội để chuyển hóa những kiến thức lý thuyết được học trên trường lớp thành những ứng dụng thực tiễn. Ngay từ tâm thế, các em phải xác định thực tập là quá trình thao luyện, là quá trình diễn tập cho tương lai nghề nghiệp. Tầm quan trọng là vậy nhưng đó hoàn toàn không phải và không nên là nguồn cơn của những áp lực về mặt tinh thần. Đừng sợ va đập ở kỳ thực tập. Đừng sợ bầm dập ở kỳ thực tập.

Khi gặp những sai lầm hoặc những sai sót vụng về, đừng vội vàng xấu hổ, cũng đừng vội vàng tự ti. Hãy tự mình mạnh mẽ đứng dậy, xốc lại tinh thần, và tự tin bước tiếp. Hãy trấn an rằng, những sai lầm đã xảy ra đúng vào thời điểm mà nó nên có, là lúc chúng ta đang trong quá trình tập luyện với tư cách một thực tập sinh. Hãy vui vì nó đã xảy ra với chúng ta vào lúc này. Là lúc này chứ không phải là lúc nào khác. Là lúc này chứ không phải là khi chúng ta đã tốt nghiệp, đã cầm tấm bằng cử nhân mà vẫn sai những lỗi cơ bản.

Trăn trở điều này, lo lắng điều kia là tâm lý tất yếu khi chúng ta lần đầu trải nghiệm một điều gì đó. Thế nên, một mặt trăn trở suy nghĩ sao cho thực tập hiệu quả là việc nên làm vì trăn trở giúp ta bừng nở những giải pháp cho các tình huống, những sáng kiến cho hành động. Mặt khác, hãy tập cách làm chủ sự trăn trở của bản thân, đừng quá áp lực. Thay vào đó, hãy tập quan sát thật kỹ không chỉ về các thông tin chuyên môn mà còn về những phép ứng xử trong giao tiếp thông thường giữa nhân viên với cấp trên, với đồng nghiệp, với tất cả cán bộ nhân viên tại nơi thực tập. Việc hòa nhập với đơn vị thực tập là điều hết sức cần thiết. Trình độ và thái độ là hai trong những yếu tố mang tính quyết định.

Một số SV đặt mục tiêu, phải có kết quả thực tập xuất sắc để có thể được đơn vị tuyển dụng sau khi kết thúc học kỳ thực tập. Đây là nguyện vọng chính đáng. Tuy vậy, đừng để bản thân trở thân “nô lệ” của kỳ vọng này mà tìm cách đạt được kết quả bất chấp mọi điều khác.

Cuối cùng, một điều hết sức lưu ý trong học kỳ thực tập nữa là cần chăm chút giữ gìn sức khỏe. Một thân thể khỏe mạnh sẽ là hậu phương vững chắc cho một tinh thần khỏe mạnh.

Trần Xuân Tiến

(Giảng viên tại TPHCM)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!